22/11/2019

Nhà văn hóa phường: Loay hoay công tác quản lý

Là một trong những địa điểm thường xuyên tổ chức các hội nghị, sự kiện văn hóa cấp phường… thế nhưng vấn đề quản lý nhà văn hóa hiện vẫn là một bài toán khó tại các phường.

Thiếu kinh phí
Nhà văn hóa phường được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ các hoạt động chính trị xã hội, văn hóa thể dục thể thao của người dân trên địa bàn. Theo tính toán sơ bộ của các địa phương, mỗi năm nhà văn hóa phường tổ chức trung bình khoảng 100 sự kiện. Trong khi đó, hiện tại nguồn ngân sách cấp cho việc quản lý nhà văn hóa phường còn hạn hẹp, thậm chí tính chung vào kinh phí sự nghiệp văn hóa thể thao phường. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo phường địa bàn quận Cầu Giấy, nguồn kinh phí này nhiều khi chưa đáp ứng đủ cho công tác tổ chức văn hóa – thể thao phục vụ chính trị ở địa phương, chứ chưa nói đến các hoạt động, tiền lương cho các nhân viên tại nhà văn hóa.
Từ thực tế trên, nhiều địa phương đã liên kết với các đơn vị, cá nhân cung cấp một số dịch vụ văn hóa thể thao mà người dân có nhu cầu… để có thêm nguồn kinh phí trang trải hoạt động của nhà văn hóa phường. Đơn cử, tại nhà văn hóa phường Quan Hoa, Mai Dịch (quận Cầu Giấy) ngoài việc duy trì các câu lạc bộ văn hóa thể thao (không thu tiền), chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện, phòng tập gym, căng tin phục vụ người dân đến tham gia các hoạt động thể dục thể thao… Từ đó có thêm kinh phí chi trả tiền lương cho các nhân viên cũng như kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ, tránh xuống cấp, đảm bảo việc hoạt động thường xuyên và liên tục của nhà văn hóa phường.
Nhà văn hóa phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy

Nhà văn hóa phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy

Cần thống nhất cơ chế quản lý
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đinh Trọng – Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, hiện nay, bộ máy của nhà văn hóa phường có 7 nhân viên. Do hoạt động thường xuyên nên chi phí lương của nhân viên và các chi phí duy trì khác như điện, nước, rác, điện thoại, vật tư tiêu hao… là khá lớn (năm 2018 là 211 triệu đồng – PV). Trong khi đó, kinh phí sự nghiệp văn hóa – thể thao phường được cấp khoảng 150 triệu đồng/năm, chỉ đảm bảo tổ chức các hoạt động tuyên truyền mang ý nghĩa chính trị của địa phương.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hải Đăng – Chủ tịch UBND phường Mai Dịch chia sẻ, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, kinh phí sự nghiệp thể dục thể thao để duy trì hoạt động của nhà văn hóa phường là không đủ. Do đó, việc liên danh liên kết với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa phường là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Thực tế, các quy định của pháp luật về sử dụng nhà văn hóa hiện cũng đang vênh nhau nên rất khó cho việc quản lý.
Cụ thể, theo Thông tư số 12 của Bộ VHTT&DL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa thể thao thì khuyến khích thực hiện chính sách xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức DN đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn. Trong khi đó, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì không được phép cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân. “Vì vậy, cần thống nhất lại quy chế quản lý, hoạt động của nhà văn hóa cấp phường trong các văn bản pháp luật để có biện pháp sử dụng hiệu quả” – ông Đăng kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cho rằng, việc liên kết các đơn vị để khai thác tối đa hạ tầng của nhà văn hóa để có thêm kinh phí là cần thiết trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Song, trong quá trình liên kết, các đơn vị cần xem xét lựa chọn lĩnh vực liên kết phù hợp với mục đích sử dụng của nhà văn hóa phường, tránh tình trạng biến tướng gây mất mỹ quan, bức xúc trong dư luận.
Vân Nhi/Kinh tế Đô thị