24/09/2018

Nhà phố Hà Nội

(Tạp chí KTVN) – Đa phần đô thị bắt nguồn từ làng xã, qua quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội mà những ngôi nhà trên tuyến đường giao thông liên kết nhau thành phường hội, phố thị, phố phường với loại hình kiến trúc na ná, dần trở thành đặc trưng, tạo ra khu vực đặc thù về hình thái không gian kiến trúc. Giữ gìn bản sắc nhà phố trong khu nội đô lịch sử và định hướng kiểm soát phát triển trong đô thị mới Hà Nội là yêu cầu cần và cấp thiết để đảm bảo bộ mặt Thủ đô trật tự, bản sắc và hiện đại.

Sức sống phố – Nhà phố Hà Nội: Chức năng và hình thức

Phố ban đầu là đường giao thông hình thành phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của cư dân hoặc sau này được hoạch định trong các đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị. Hà Nội từ khi trở thành kinh thành thì cũng dần hình thành phố thị, liên kết sản xuất thành phường hội rồi giao thương thành phố phường. Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm thì được quy hoạch theo dạng thành phố vườn châu Âu phát triển thành các phố ô bàn cờ với các đặc thù, tính chất riêng: hành chính, thương mại hay chỉ đơn thuần là khu ở, có thể là cấp độ trung ương, thành phố hay quận, thị xã, thị trấn, hoặc chỉ là phố do chủ đầu tư đặt tên trong các dự án đô thị của mình.

Phố là tuyến đường mà có công trình ở hai bên, nên nhà phố cũng bao gồm tất cả các thể loại công trình có mặt trên tuyến phố đó. Trong các đồ án quy hoạch, tùy vị trí công trình mà nhà phố có chức năng khác nhau: công trình chủ thể, dẫn hướng hay vây hợp (đối với khu vực quảng trường, không gian trống).

Khu phố Cổ Hà Nội 82ha được quen gọi là “khu 36 phố phường” với 79 phố, ngõ xuất hiện từ thời Lý – Trần. Đây là nơi tập trung các hoạt động giao thương – buôn bán sầm uất bậc nhất ở thành Thăng Long. Tương ứng với sự giao thương thì nhà phố có dạng chung hình ống (mặt đứng hẹp 3-4m, chiều sâu lớn 50-70m, cấu trúc từng lớp: nhà + sân trong, quy mô 1-2 tầng, mái dốc). Nhìn thoáng qua trên phố tưởng giống nhau nhưng kiến trúc lại có 6 dạng đặc thù, trong đó nổi trội là 3 loại kiến trúc: Việt Nam truyền thống (1-2 tầng với các lớp nhà – sân xen kẽ, mái dốc kiểu chồng diêm), phong cách Trung Hoa (02 tầng, mặt đứng pano, ván ghép, ban công, mái dốc lợp ngói) và phong cách châu Âu (02 tầng, kết cấu chịu lực chính là gạch và bê tông, trang trí mặt đứng, có tường chắn mái, có ban công, có thể lợp ngói hoặc mái bằng Art-Deco).
Các phố hình thành tự nhiên thời trung cổ rộng 6-8m được mở rộng sau này, tuy mất đi lớp nhà một tầng thấp hơn kiệu vua nhưng vẫn giữ được hình ảnh của phường hội xưa khi mỗi phố cùng sản xuất, kinh doanh chung một mặt. Tỷ xích giữa con người – mặt phố – tuyến đường vẫn nằm trong tầm mắt khi giao thông đi lại.

Đặc trưng của tuyến phố là nhà phố có phân vị dọc, liên kết với nhau. Thời gian qua, nhiều tuyến phố, đoạn phố đã được nghiên cứu, cải tạo chỉnh trang thành công trên cơ sở nghiên cứu để khôi phục các giá trị gốc như đoạn phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông không chỉ là màu vôi, mà còn quan tâm đến biển hiệu, quảng cáo.

Nhà ở kiến trúc Đông Dương khu phố cũ Hà Nội

Nhà ở kiến trúc Đông Dương khu phố cũ Hà Nội

Khu phố cũ Hà Nội 800ha được quen gọi là “khu phố Pháp” xây dựng giai đoạn Pháp xâm chiếm (1873-1954) bao gồm một phần quận Tây Hồ, quận Ba Đình, phía Nam quận Hoàn Kiếm và phía Bắc quận Hai Bà Trưng. Hình ảnh tuyến phố giai đoạn này là những biệt thự quy mô 2-3 tầng, ẩn mình trong không gian cây xanh trong mỗi khuôn viên, kết nối cây xanh đường phố, các công viên vườn hoa. Các không gian trống trước công trình được thiết kế bài bản như quảng trường 19-8 trước Nhà hát Lớn, ngân hàng Nhà nước, trụ sở Bộ Ngoại giao, tòa án, có nơi còn quan tâm cả đến các công trình trên tuyến phố có cùng phong cách kiến trúc gô-tic trên phố Nhà thờ dẫn hướng, nhấn mạnh công trình chủ thể là Nhà thờ Lớn.

Đối với các khu vực nhà ở mà dạng biệt thự là chủ yếu, cũng tùy theo cấp độ, tính chất khu vực mà quy mô ô đất khác nhau: khu quan chức toàn Đông Dương, đất nước ở Ba Đình thì 600-1000m2/lô, khu quan chức thành phố ở phía Nam quận Hoàn Kiếm quy mô ô đất 450-600m2/lô và khu các quan chức Việt Nam làm việc cho Pháp ở phía Bắc quận Hai Bà Trưng quy mô 250-450m2/lô. Biệt thự thì đa dạng, có cả biệt thự ghép đôi (1-3 Nguyễn Biểu) hay liên kế (từ 151-189 Bà Triệu) với kiểu dáng kiến trúc ban đầu theo ý thích của chủ nhân ngôi nhà mang dáng dấp địa phương quê hương họ bên Pháp, sau này toàn quyền Paul Doumer ra quy định không sao chép kiến trúc châu Âu mà kiến trúc phải phù hợp, thích ứng với khí hậu nhiệt đới và kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhờ đó mà hình thành phong cách kiến trúc Đông Dương với hành lang, hàng hiên là khu vực chuyển tiếp khí hậu, mái chồng diêm, cửa chớp với các công trình kiến trúc giá trị tiêu biểu như Bảo tàng lịch sử, Trường Đại học Dược, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Viện vệ sinh dịch tễ…

Một loại hình xuất hiện giai đoạn này là nhà ở kiêm cửa hiệu tạo nên loại hình kiến trúc nhà hàng phố với thiết kế đẹp: mặt đứng được trang trí các họa tiết, ban công hoa sắt hoặc con tiện bê tông, quy mô 2-3 tầng, mặt đứng 5-10m trên các tuyến phố thương mại Tràng Tiền, Đinh Lễ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, phố Huế, Bà Triệu… trong đó nổi trội nhất là dãy nhà hàng phố tiêu biểu, đặc trưng với thức tân cổ điển từ số 32-40 phố Lê Thái Tổ vốn được HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết trong danh mục biệt thự để bảo tồn.

Sau 1954, giai đoạn kinh tế tập trung, màu sắc các công trình thuộc sở hữu Nhà nước cũng như tất cả các công trình trên tuyến phố đều được các công ty quản lý nhà tiến hành sơn vôi ve định kỳ với một số màu đơn giản: hồng, vàng kem, xanh hòa bình hoặc lá cây nhạt, cứ 5-7 nhà chung một màu rồi mới đổi màu khác, nhà phố nhìn mộc hơn nhưng lại văn minh, trật tự.

Bảng phân tích đặc điểm kiến trúc công trình nhà phố khu phố cổ Hà Nội

Bảng phân tích đặc điểm kiến trúc công trình nhà phố khu phố cổ Hà Nội

Phố mới và Nhà phố mới Thủ đô

Nội dung bao hàm cả các công trình trên tuyến đường được đầu tư xây dựng mới (kể cả đường giao thông trong các khu đô thị mới) cũng các tuyến đường cải tạo chỉnh trang, mở rộng. Với nhu cầu và mục đích của chủ đầu tư, người sử dụng thì hình thức kiến trúc nhà phố với các loại hình trên cũng khác nhau.

Tuyến phố cải tạo chỉnh trang

Giai đoạn qua, trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính 8/2008, các tuyến đường vành đai 1 (Trần Khát Chân – Đại Cổ Việt – Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Voi Phục), vành đai 2 (Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Láng – Bưởi), vành đai 3 (cầu Thanh Trì – Phạm Văn Đồng – cầu Thăng Long) đã được tập trung đầu tư xây dựng mở rộng và xây thêm tuyến giao thông trên cao. Câu chuyện về giá thành 1km đường đắt nhất hành tinh bao gồm cả kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng đường. Đến giờ, sau hơn cả chục năm khởi động, triển khai, vẫn chưa có vành đai nào (giờ đã trở thành đường đô thị sau khi sáp nhập Hà Tây) trong số đó hoàn thành thông tuyến. Thế nhưng, mặc dù có cả quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và hình ảnh tuyến phố sau mở đường nhưng thực tế nhiều công trình đã tự cải tạo xây dựng theo phương án hình thức tự ý mà chưa hoặc không được sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm luật, hàng ngàn trường hợp ô đất nhỏ hẹp hoặc hình dạng không vuông vức vẫn “kịp” xây các “tác phẩm” siêu mỏng, siêu méo, thách thức việc xử lý… đúng như báo chí phản ánh: Nhà không ra nhà, phố không ra phố từ những ngày mở rộng tuyến phố Kim Mã, Đào Tấn (2003-2007) dù đã xử lý làm điểm các công trình cố tình vi phạm quy mô, khối tích như 221-223 Bạch Mai, 31 Nguyễn Chí Thanh, 4 Đặng Dung, 9 Đào Duy Anh.

Và đương nhiên, thân xác không đẹp thì hồn phố cũng không nên hồn, không thể tạo ra đặc trưng như các tuyến phố trong khu phố cổ, phố cũ. Điểm này thì đáng học tập Đà Nẵng với việc đề xuất quy định kèm chế tài, thực hiện nghiêm việc mở đường bao gồm cả 50m mỗi bên các tuyến Đông – Tây sông Hàn với việc xây dựng các công trình nhà phố đúng quy định cụ thể quy mô, màu sắc, chiều cao tầng 1, chiều cao chung, cốt nền, phong cách hình thức kiến trúc… và Đà Nẵng đạt được sự văn minh, trật tự đô thị.

Năm 2015, Hà Nội thực hiện thí điểm việc mở rộng tuyến phố Lê Trọng Tấn nhanh chóng và hiệu quả, đồng bộ cả mở đường, nhà chỉnh trang và biển hiệu tuy đôi điều còn xì xèo về bảng hiệu đều tăm tắp hai màu xanh – đỏ mà quên đi tính thương hiệu sản phẩm, ngành hàng. Nhưng dù sao bộ mặt tuyến phố, nhà phố đã theo hướng văn minh, trật tự, đáng ghi nhận sự tích cực và nhân rộng mô hình triển khai này. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỉ với một đoạn phố nhỏ Trần Phú kéo dài – Kim Mã dù thiết kế đô thị đã xử lý chi tiết đến từng cốt nền, mặt nhà nhưng lại không được thực hiện nghiêm, dẫn đến tính trạng “nhóm nhem”.

Tuyến phố mới

Nếu như những tuyến phố mở giai đoạn trước 1986 lại có đường khoảng lùi lớn, có cả giao thông nhẹ nội bộ bên trong vỉa hè vừa an toàn cho người sử dụng, vừa thêm được các chức năng dịch vụ quán báo, giải khát như phố Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương… hình ảnh tuyến phố văn minh và có đủ tầm nhìn để cảm thụ kiến trúc hai bên đường thì xu hướng này lại không được lưu tâm trong những dự án mở đường về sau này như tuyến Phạm Văn Đồng, Xã Đàn, Trường Chinh…

Mong rằng, các tuyến đường mới mở như Võ Chí Công – Võ Nguyên Giáp có quỹ đất hai bên và được sự quan tâm của các chủ đầu tư lớn hy vọng sẽ mang lại hình ảnh đô thị xứng tầm thế kỉ 21, đồng bộ và kết nối với hình ảnh các công trình đầu mối giao thông đẹp, hiện đại Ga hàng không quốc tế T2 và cầu Nhật Tân ở hai đầu tuyến.

Nhà phố trong đô thị mới

Bảng tiêu chí công trình nhà phố phù hợp với cảnh quan đô thị

Bảng tiêu chí công trình nhà phố phù hợp với cảnh quan đô thị

Có thể nói, Quyết định 123/2001/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định những nguyên tắc về quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội là một dấu mốc cho sự phát triển của lĩnh vực xây dựng nhà ở, mở đường cho việc xây dựng các chung cư cao 9 tầng trở lên, làm đầu tàu cho cả nước mà Khu đô thị Linh Đàm là mô hình đầu tiên, tiếp đó là Ciputra, Trung Hòa – Nhân Chính, khu đô thị mới Cầu Giấy… đã làm cho bộ mặt khu vực được thay đổi khác biệt, tạo nên hình ảnh của một đô thị hiện đại khi đi từ các cửa ngõ Thủ đô vào.

Điều đáng nói là để đáp ứng nhu cầu đa dạng, mong muốn sở hữu cao coi là tài sản riêng của người dân đối với đất, nhà, nên trong quyết định có loại nhà 40% thấp tầng và 60% cao tầng. Hầu như các công trình cao tầng được thiết kế thống nhất, còn biệt thự lúc đầu chủ đầu tư thả lỏng chỉ quy định quy mô nhưng sau này đã được các chủ đầu tư quan tâm hơn đến bộ dạng kiến trúc, xây dựng đồng bộ cùng phong cách nhà cao tầng, tạo nên sự văn minh, thống nhất trong toàn dự án.

Tuy nhiên, do tận dụng đất tối đa nên việc tạo các khoảng lùi thay đổi, các không gian trống, màu sắc của từng nhóm công trình không được quan tâm dẫn đến tuyến phố có dạng buồn tẻ, đơn điệu, không điểm nhấn.

Trong các khu đô thị mới cũng tổ chức các tuyến đường, tạo ra các phố và chức năng tuyến phố và nhà phố, có cả loại hình nhà ở thương mại thấp tầng, với các cửa hiệu, thương mại, dịch vụ tầng 1 và ở các tầng trên, thậm chí tổ chức cả không gian chợ cuối tuần tại không gian xanh giữa các dãy nhà, tạo nên không khí sinh hoạt nhộn nhịp tại mặt các phố khu đô thị này như The Manor, Ecopark… Nhiều khu đô thị mới tuy đặt tên là nhà hàng phố, nhà thương mại nhưng thực chất lại không phải là nơi giao thương khi có cổng, tường rào kiểm soát, không có giao thông tiếp cận từ ngoài vào nên nhiều nơi chết cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Các dãy phố thương mại cũng chưa học hỏi mô hình nước ngoài khi tầng 1 có mái hiên hoặc lùi tường tạo hành lang thuận tiện cho người tiếp cận sử dụng.

Tuy nhiên kiểu dáng các công trình có xu hướng nhại cổ, không đánh dấu được thời đại xây dựng như The Manor với mái mansard dốc ốp xanh – hình ảnh của những nhà phố đô thị châu Âu những năm 20 của thế kỉ trước. Tình trạng nhái cổ, sai tỷ xích này diễn ra nhiều nơi, nhất là trong những tòa nhà riêng lẻ, xây xen lẫn trong các phố nội thành.

Những thiết kế mang tính sáng tạo nghệ thuật, đánh dấu thời đại xây dựng, đoạt giải quốc tế của kiến trúc sư Việt như Võ Trọng Nghĩa không có đất dụng võ trong các khu đô thị này do xu hướng xanh, thích ứng khí hậu nhiệt đới chắc có kinh phí cao hơn việc xây dựng theo mẫu mã điển hình.

Ngược lại, các khu tái định cư giá thành xây dựng thấp dọc đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng thì thiết kế hình thức quá đơn giản ở mức đơn điệu không bằng các khu tập thể thời kỳ trước, dù khối tích to nhưng không ghi dấu được giá trị về kiến trúc mà chỉ mang ý nghĩa là nhà cửa.

Đến nay, điểm mặt Hà Nội đã có hàng trăm dự án đô thị mới, nhà cao tầng xây dựng khắp nơi, đủ mặt 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành. Đó là điều đáng mừng khi thấy sự ồ ạt, tốc độ nhanh, mạnh của nguồn lực nhưng đáng buồn đó là tình trạng hình ảnh nhà cao tầng xôi đỗ, không đồng bộ liên kết với nhau trong bài toán thiết kế đô thị chung, về đầu tư không hiệu quả, nhiều dự án không có người mua. Nhiều khu vực từ xã lên phường hoặc vẫn là thuần nông như Quốc Oai, Đan Phượng… chỉ vì đuổi theo ý thích sở hữu đất chứ chưa thực sự tìm hiểu nhu cầu ở phù hợp nên nhiều biệt thự, nhà hàng phố xây dựng xong vẫn chưa bán được chứ chưa nói chuyện loại hình chung cư vốn xa lạ với bà con nông dân, dẫn đến tình trạng phố có nhà hoang, không biết bao giờ hoàn thiện. Mỗi khu lại tách biệt riêng hàng rào bao quanh, không có sự liên kết không chỉ về kiến trúc mà còn về các dịch vụ, không gian công cộng, dẫn đến sự sử dụng lãng phí tài nguyên đất.

Đây thực sự là những dấu lặng trong mọi lĩnh vực: thị trường bất động sản, quản lý kiểm soát thực hiện không theo định hướng quy hoạch chung!!!

Phố và quản lý phố Hà Nội

Nhà cổ kết hợp kinh doanh mặt phố phục dựng tại phố Tạ Hiện,  Hà Nội

Nhà cổ kết hợp kinh doanh mặt phố phục dựng tại phố Tạ Hiện, Hà Nội

Nói đến quản lý thì phải nói đến công cụ quản lý và mô hình, trình độ quản lý.

Về công cụ quản lý, đến nay chúng ta có thừa các quy định quản lý theo quy hoạch chung, các quy chế quản lý quy hoạch chung toàn thành phố cũng như các khu vực đặc thù như khu phố cổ, cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm, trung tâm chính trị Ba Đình…, các quy định kèm theo đồ án quy hoạch chi tiết, dự án triển khai.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý đã từng có như Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 353:2005 về nhà ở liên kế – tiêu chuẩn thiết kế do Bộ Xây dựng ban hành đã được thay thế bởi Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012 về Nhà ở liên kế – Tiêu chuẩn thiết kế, các Quyết định về cấp phép xây dựng liên tục thay đổi và điều chỉnh hoặc các Nghị quyết Hội đồng nhân dân với các danh mục cụ thể về các công trình, khu vực, tuyến phố cần bảo tồn, tôn tạo cũng đã có.

Từ 07/4/2016, kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND, Hà Nội có thêm Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cách thức nghiên cứu không bài bản khi chỉ tập trung vào hình ảnh mà không tính toán được tổng suất chức năng – nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi hình thái, quy mô công trình gây ách tắc cả hạ tầng xã hội và kỹ thuật, đặc biệt là về gia tăng dân số, phương tiện giao thông cá nhân nên cảm giác như là cập nhật, hợp pháp hóa cho các dự án đã “trót” phê duyệt trước đó. Việc xem xét công trình cao tầng cũng không tính đến các yếu tố hình ảnh đô thị đã được cả thế giới áp dụng, nhất là những công trình đột biến không gian khu vực, có giá trị là điểm nhấn – landmark, định hướng chiều hướng của đô thị, mà chỉ ghi chung chung dễ được các chủ đầu tư và nhà quản lý áp dụng “mềm dẻo, linh hoạt”. Tính liên kết chiều hướng đô thị chưa được đặt ra nên khó xử lý các nhà phố trên đất vát của các tuyến xuyên tâm như Nguyễn Chí Thanh, Khuất Duy Tiến. Sự liên kết địa bàn cũng chưa được đặt ra: nhà cao tầng được phép xây dựng cao tầng dọc phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật nhưng lại không nghĩ đến tỷ xích tương quan của hồ Hoàn Kiếm với các công trình đó để có những quy định cụ thể cả về phân vị, màu sắc, khoảng cách giữa các công trình. Đặc biệt việc thay đổi về các điểm cao tầng tập trung và quy mô so với các quy định kèm theo đồ án quy hoạch chung Hà Nội trước đó không quá 8 tầng 32m đã và sẽ làm cho hình ảnh nhà trên các tuyến phố nội đô lịch sử Hà Nội khấp khểnh và mất trật tự.

Rất tiếc, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến đường khu vực đô thị thành phố Hà Nội được nghiên cứu công phu, bài bản, chỉnh sửa 07 lần, được hết các cấp ngành, hiệp hội nghề nghiệp Hà Nội đồng thuận thì sau thời gian dài chờ đợi đã không được thông qua, không thể làm cơ sở cho việc quản lý thống nhất cho tất cả các tuyến phố của Hà Nội mở rộng 3344,7km2, nên đến giờ nhiều tuyến đường chưa có nhà hai bên hoặc không có vỉa hè trên đất Hà Tây cũ nhưng vẫn được đặt tên phố và nếu xây thì tùy tiện, không kiểm soát như đường nối từ Ba La – làng Chuông, Vác…

Về mô hình quản lý: Hà Nội và TPHCM là hai đô thị đặc biệt được Hội đồng Bộ trưởng cho phép áp dụng mô hình thí điểm thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng thành phố từ năm 1992 (quyết định số 256/CT ngày 13/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 298/BXD-TCLĐ ngày 24/6/1992 của Bộ Xây dựng về quy chế hoạt động của Kiến trúc sư trưởng Thành phố, quyết định số 2064/QĐ-UB ngày 19/9/1992 của UBND Thành phố thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng tại thành phố Hà Nội từ ngày 01/10/1992) quản lý bao gồm tất cả các lĩnh vực: tài nguyên đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng và thanh tra trật tự xây dựng. Sau đó chuyển quản lý tài nguyên đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý thanh tra xây dựng sang các đơn vị khác (quyết định số 3591/QĐ-UB ngày 16/9/1997) và chuyển sang mô hình Sở Quy hoạch – Kiến trúc như ngày nay (quyết định 52/QĐ-TTg ngày 18/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo các quyết định cấp phép xây dựng trên tuyến phố ban đầu thuộc Sở Xây dựng, sau đó Sở Xây dựng chỉ cấp phép các công trình quy mô lớn và nhà ở trên 6 tầng, còn lại phân cấp cho các quận huyện, thị xã nhằm giảm tải công việc. Việc trao quyền nhưng không nâng cấp đồng bộ nhất là các đơn vị từ Hà Tây vào làm cho sự thống nhất trình độ là không có.

Về trình độ quản lý: Bộ mặt phố cũng thể hiện trình độ quản lý.

Nếu mỗi cán bộ phụ trách là kiến trúc sư trưởng của một đoạn phố, xác lập đề cương kiểm soát quản lý, ra đầu bài cho các đơn vị tư vấn thiết kế, định hướng kiến trúc cho các chủ đầu tư thì chúng ta đã có bộ mặt nhà phố đồng bộ bản sắc về kiểu dáng và tuyến phố văn minh, trật tự.

Có như vậy thì trong thiết kế đô thị mới nghiên cứu trên cơ sở liên kết địa bàn, quan tâm đến không gian đối diện, cận kề và liên đới. Kiến trúc phố mới được kết hợp cùng các tiện ích đô thị, cây xanh, chiếu sáng…, vật liệu, màu sắc mới được quan tâm ở các tuyến phố Đông – Tây nhiều nắng phản chiếu.

Quản lý hiện nay mới chỉ nặng về giải quyết sự vụ, hầu như phê duyệt đáp ứng nhu cầu chủ đầu tư chứ không bài bản về cả tổng thể, không thực sự tâm huyết và năng lực trong việc thực hiện chức trách kiểm soát phát triển đô thị theo đúng nghĩa quản lý.

Chế tài chưa đủ sức răn đe khi trong điều khoản Tổ chức thực hiện không có câu “cán bộ công chức thực thi có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về khu vực mình quản lý, theo dõi xuyên suốt từ khi thỏa thuận quy hoạch đến cấp phép xây dựng và hoàn công”. Quá nhiều công trình vi phạm quy mô lớn, không rõ người vi phạm!!!

Kết luận chung

Hà Nội phố xưa rưng rưng cảm xúc trong phố Phái mái liêu xiêu, những hình ảnh quen thuộc đi cả vào câu từ, giai điệu “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sỹ Phú Quang. Phố Hà Nội nay lố nhố, tranh tròi, lộn xộn lòe lọt đôi người khách phương xa thích vì lạ đấy nhưng đó là điềm buồn của cư dân sở tại khi hình ảnh nơi chốn mình chưa tâm huyết tạo dựng được cái mới giá trị đã đập bỏ, xóa đi di sản cha ông.

Nhà phố đã tạo nên Hà Nội, cùng với sinh hoạt tấp nập đã tạo nên hồn phố, nhưng để trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp và bản sắc thì khẩu hiệu dù chăng đầy trước mắt như ước mơ thì vẫn không hạn định ngày thành hiện thực nếu không cùng nhau chung tay xây dựng. Có vậy thì mới xứng nghĩa Thủ đô văn hiến./.

KTS Nguyễn Phú Đức