09/12/2016

Hội thảo về nhà ở xã hội lần thứ nhất 2016: Bức tranh toàn cảnh về nhà ở xã hội – Thách thức và cơ hội

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Sáng ngày 8/12/2016, tại trường đại học Xây dựng đã diễn ra Hội thảo Bức tranh toàn cảnh về Nhà ở xã hội (NOXH) – Thách thức và cơ hội với sự tham gia của các chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng, trường ĐH Xây dựng, ĐH North Carolina (Mỹ), các nhà quản lý và KTS trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Hội thảo, Trường ĐH Xây dựng cũng giới thiệu về Cuộc thi Thiết kế NOXH cho SV Kiến trúc và công bố Giải thưởng 2016.

Quá trình phát triển công nghiệp hoá – đô thị hoá, việc phát triển NOXH mang tính tất yếu, quốc gia nào không phát triển và quản lý NOXH hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở với mức độ lớn. Phát triển NOXH tại Việt Nam được coi là một trong những chương trình phát triển kinh tế xã hội quan trọng của quốc gia. Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030, trong giai đoạn 2011-2020 phải xây dựng khoảng 22,5 triệu m2 NOXH, tương đương với việc phải xây dựng khoảng 2,25 triệu m2 hàng năm. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 2,8triệu m2, tương đương 0,6 triệu m2 NOXH/năm. Điều đó có nghĩa là trong những năm tới 2017-2020, mỗi năm phải xây dựng khoảng 4triệu m2 sàn NOXH, gấp hơn 4 lần năng lực hiện có. Kỳ tích này không thể thực hiện được với số lượng các doanh nghiệp xây dựng cũng như mô hình phát triển NOXH như hiện tại.

Hội thảo do Khoa Kiến trúc trường đại học Xây dựng tổ chức đã nhận được đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý tham dự trao đổi, đóng góp ý kiến, góp phần nhận diện bức tranh toàn cảnh NOXH tại Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp thúc đẩy sự phát triển và quản lý hiệu quả loại hình nhà ở này trong giai đoạn 2017-2020.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học về NOXH 2016, Ts. Phạm Đình Tuyển đã nêu rõ: “Bức tranh toàn cảnh về phát triển và quản lý NOXH tại Việt Nam trong thời gian qua là rộng lớn, song còn mờ nhạt và nhỏ bé về giá trị…Bởi vậy, trong giai đoạn tới, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phát triển NOXH với quy mô lớn không thể theo kiểu đơn lẻ, rời rạc, mà phải thực hiện một cách tổng thể, theo nguyên tắc sản xuất hàng loạt, mang tính công nghiệp với các mô hình công nghệ phù hợp để có thể huy động có hiệu quả các nguồn lực quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tại mỗi địa phương.”

Ts. Phạm Sỹ Liêm đưa ra vấn đề cần xem xét việc hoàn thiện chính sách NOXH Việt Nam, dựa trên những khảo nghiệm quốc tế và phân tích các hạn chế chính sách hiện thời như: Thiếu gắn kết với chính sách nhà ở quốc gia; Đối tượng hưởng thụ quá rộng; Quá chú trọng nhà để bán hơn nhà cho thuê; Sự giúp đỡ thiên về cung; Thiếu thu hút sự tham gia. Để khắc phục các hạn chế nói trên cần thay đổi cách tiếp cận chính sách: Các nguồn lực trợ giúp ít ỏi cần được sử dụng để giúp đỡ các đối tượng nghèo nhất; Chính quyền tạo điều kiện cho thị trường phát triển rộng rãi nhà phổ cập hướng tới tầng lớp trung lưu, đồng thời cho hộ thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà; Mặt khác, chính quyền giúp đỡ hộ thu nhập thấp ở thuê nhà ở xã hội với giá phù hợp. Một bộ công cụ chính sách, bao gồm cả quan hệ đối tác công – tư, được đề xuất cho việc phát triển nhà ở phổ cập và nhà ở xã hội.

Trong buổi sáng, các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận các nội dung: Hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội, bài học kinh nghiệm phát triển NOXH tại Mỹ, lý thuyết vị thế và chất lượng NOXH, mô hình NOXH phù hợp với Việt Nam….


Một số hình ảnh tại hội thảo.

Bên cạnh các nội dung tham luận, hội thảo còn giới thiệu về cuộc thi Thiết kế NƠXH dành cho sinh viên. Hội đồng chấm thi bao gồm các chuyên gia từ Trường Đại học Xây dựng, Đại học North Carolina, Viện Nghiên cứu Định cư, Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), Vinaconex R&D. Kết quả cuộc thi, 01 giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên: Đinh Thi Hằng và Phạm Thị Huế (Trường Đại học Xây dựng) với ý tưởng dự thi “Nhà ở công nhân 3.5.7”. Ban tổ chức cũng trao 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 02 giải Khuyến khích cho các nhóm sinh viên thuộc Trường Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học Văn Lang.


Hội đồng chấm thi bàn bạc và chấm giải.

Lương Thủy