Nhà lõi tránh bão lụt mô hình thiết thực với người dân miền Trung
Bão lũ miền Trung liên tiếp đã làm người dân nhiều nơi phải sống trong cảnh mất nhà, khó khăn chồng chất. Cùng với việc ứng cứu khắc phục cho dân từ Nhà nước và cộng đồng, vấn đề nhà ở cho nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt mà giới kiến trúc đã từng thực hiện lại càng trở nên thiết thực hơn. Không ít những mẫu nhà ở được thiết kế và xây dựng thí điểm trên một số địa bàn nhằm giúp người dân giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra nhưng tính thực tiễn và khả năng nhân rộng còn rất hạn chế.
Vấn đề đặt ra khi thiết kế mẫu nhà ở cho dân vùng bão lụt là phải dễ thi công và mức tiền xây dựng thấp, để người nghèo có thể tự làm được hoặc cộng đồng có thể vào cuộc giúp được nhiều người trên diện rộng. Thực tế những năm qua một số mẫu nhà ở được xây từ kinh phí Nhà nước cấp (hoặc từ tài trợ) có giá tới hàng trăm triệu đồng mỗi nhà thì tính phổ biến rất hạn chế và không nhân rộng được. Do vậy, mới chỉ dừng lại ở giá trị là những ngôi nhà tặng cho số ít gia đình chính sách vùng thiên tai.
Trong những nỗ lực tìm kiếm mẫu nhà ở giúp dân sống chung với bão lụt thì giải pháp tìm ra mô hình đơn giản, chi phí xây dựng thấp là cần thiết để hàng triệu dân nghèo vùng bão lụt đều có cơ hội được hưởng sự giúp đỡ từ cộng đồng hoặc tự làm lấy như mô hình LÕI NHÀ để làm ra nhà lõi đã thực hiện từ 2012 cho đến nay vẫn cần tiếp tục thực hiện.
LÕI NHÀ để làm ra nhà lõi, được hình thành trên cơ sở kết hợp kết quả của một cuộc thi mẫu nhà tránh bão lụt với nghiên cứu nhiều phương án thiết kế nhà chống bão lụt đã có và rút kinh nghiệm từ các nhà đã xây ở vùng thiên tai. Đặc biệt, từ việc chọn mẫu nhà của cuộc thi để xây dựng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi sau đó xem xét và điều chỉnh ra mô hình LÕI NHÀ để xây dựng tiếp tại xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Đây là mô hình hội tụ được nhiều ưu điểm, xây dựng dễ nên nhanh gọn, sử dụng tức thời cho dân và tồn tại lâu dài để thành ngôi nhà tránh bão lụt của họ. Chi phí làm LÕI NHÀ hợp lý nên giải quyết được hiệu quả nguồn tiền giúp đỡ của cộng đồng với dân nghèo vùng bão lũ…Các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia nên tính xã hội được phát huy cao độ.
Mô hình LÕI NHÀ để làm thành NHÀ LÕI tránh bão lụt đưa ra áp dụng xây dựng cách nay gần 8 năm vẫn là mô hình tích cực và cần được chú ý phát huy. Mô hình có khả năng ứng dụng linh hoạt nên rất khả thi cho số đông dân nghèo vùng bão lụt để ai cũng có thể tránh được thiên tai ngay trên đất nhà mình vừa an toàn vừa ít chi phí nhất. Và điều quan trọng là từ phần lõi này người dân tự xây nối tiếp các phần khác theo nhu cầu và khả năng để tạo ra ngôi nhà của chính mình vừa sống chung được với bão lụt vừa có hình ảnh riêng mỗi nhà.
Phần LÕI NHÀ được coi là phần cứng của ngôi nhà tránh bão lụt nhằm thực hiện mục đích quan trọng là có sàn để cất giữ vật dụng hoặc trú ẩn khi bão lũ đến và cũng là phần để dân tiếp tục hoàn thiện hoặc phát triển thành ngôi nhà theo ý muốn của mỗi gia đình. LÕI NHÀ đã thể hiện được 3 tiêu chí quan trọng:
Xây cất đơn giản, chi phí thấp
LÕI NHÀ được thiết kế là một hệ khung gồm các thanh bê tông cốt thép liên kết thành hình lập phương kích thước 3mx3mx3m đặt chồng lên nhau thành bộ khung 2 tầng, để từ đây có thể phát triển không gian ra các hướng theo chiều cao, chiều rộng hoặc chiều sâu theo ý muốn bằng các thanh nối tiếp. Phần sàn đúc bê tông, hoặc lát tấm bt hoặc ván gỗ, xung quanh xây gạch và lợp mái tôn liên kết chắc chắn.
Do hình khối đơn giản nên LÕI NHÀ làm thuận lợi, dễ sắp đặt và tính toán. Chi phí xây dựng ở mức thấp nhất, do khâu thiết kế đã tính toán phương án vừa bền vững vừa tiết kiệm tối đa các chi tiết dầm, cột, sàn để dễ làm với vật liệu tại chỗ… Khi được hướng dẫn đầy đủ, người dân có thể tự tổ chức làm lấy, giảm được các chi phí phụ, hoặc rất kinh tế khi sản xuất lắp ghép hàng loạt.
Áp dụng rộng rãi, sử dụng linh hoạt
Với cấu trúc đơn giản và khả năng biến hóa cao, LÕI NHÀ hoàn toàn đáp ứng được việc áp dụng rộng rãi và tương thích với mọi địa hình vùng bão lụt. Quan trọng nhất là việc lựa chọn xác định vị trí xây dựng phần lõi sao cho thích hợp với mỗi ngôi nhà hiện có để kết nối sử dụng tốt nhất. Hoặc phải phù hợp cho việc sửa chữa cải tạo tiếp, hoặc phải thuận lợi cho việc phá cũ để xây mới ngôi nhà trong tương lai. Trong mọi trường hợp đều phải đạt được mục tiêu là từ LÕI NHÀ sẽ hình thành nên ngôi nhà lõi tránh bão lụt hơp lý, lâu dài với khuôn viên đất của mỗi gia đình.
Các khả năng của phần lõi khi cần phát triển mở rộng đều được đặt ra: có thể mở tiếp lên cao (nâng mái, thêm tầng) để tăng diện tích hoặc để tránh mực nước dâng bất thường so với đỉnh lũ lụt thường xuyên; có thể mở rông không gian theo chiều sâu cũng như chiều rộng (bằng tường xây) đều có thể thực hiện thuận lợi. Từ chiều cao cơ bản của mô hình lõi nhà (3m+3m) trên thực tế có thể điều chỉnh cục bộ tăng hoặc giảm cho phù hợp với mực nước ngập cao nhất, hoặc để hoà hợp với không gian của toàn ngôi nhà và xung quanh. Có nghĩa là từ mô hình lõi đã thiết kế có thể điều chỉnh áp dụng linh hoạt cho nhiều tình huống khác nhau.
Về sử dụng, phần lõi nhà có khả năng đáp ứng sử dụng không những cho người và vật dụng, mà còn đáp ứng cả cho gia súc như trâu bò đều có thể trú ẩn được. Vấn đề là đối với gia đình nào có nhu cầu để cho gia súc tránh lụt thì phải xử lý thang lên xuống cho phù hợp. Bình thường khi không có lũ lụt thì tầng dưới có thể làm bếp hoặc phòng ăn, hoặc tiếp khách…tầng trên để ngủ nghỉ, hoặc cất giữ đồ đạc.
Từ khả năng áp dụng và sử dụng linh hoạt như đã phân tích trên, LÕI NHÀ có 3 dạng thể hiện ra trên thực tế trong khuôn viên nhà dân:
(1) Đối với nhà dân đã có sẵn: LÕI NHÀ sẽ gắn kết thêm vào nhà hiện có để tạo thành ngôi nhà lõi và trường hợp này khá phổ biến. Nguyên tắc chính là phần lõi được “xây thêm” vào do vậy cần có sự chuyển hóa tương thích của nhà hiện có với phần lõi để thống nhất thành một khối sử dụng về chức năng cũng như về hình thức kiến trúc chung của ngôi nhà.
(2) Đối với trường hợp phần lõi dùng cho gia súc hoặc vật dụng tránh lũ lụt, lúc đó LÕI NHÀ được đặt cạnh ngôi nhà chính và có thể trở thành chòi tránh bão lụt.
(3) Đối với nhà làm mới hoàn toàn: LÕI NHÀ có ý nghĩa đầy đủ nhất. Nhà lõi lúc này được hình thành gồm hai phần chính là phần lõi làm theo thiết kế (có thể được tài trợ), phần còn lại để dân vào cuộc tự làm theo nhu cầu và khả năng. LÕI NHÀ sẽ hòa vào phần do dân tự xây tiếp, mỗi nhà một vẻ sẽ tạo nên kiến trúc ngôi nhà lõi đa dạng, hình thức kiến trúc sẽ không hoàn toàn giống nhau đó là điểm tích cực rất đáng chú ý của mô hình này.
Khả năng phổ biến và tính xã hội cao
LÕI NHÀ làm thành nhà lõi tránh bão lụt có sơ sở để triển khai thực hiện rộng rãi, thể hiện trên các phương diện:
Khả năng phổ biến: xuất phát từ sự đơn giản về hình dạng, khả năng áp dung và sử dụng linh hoạt, vật liệu thông dụng, kết cấu phổ thông…thi công đơn chiếc hoặc hàng loạt đều có thể thực hiện được nên dễ dàng và phổ biến.
Tính xã hội cao: Người dân có thể vào cuộc để chủ động làm ngôi nhà mình trên cơ sở LÕI NHÀ theo thiết kế. Các phần khác của nhà làm theo nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình hoặc dựa trên gợi ý của thiết kế. Dân có thể tự xác định vị trí thích hợp để xây dựng và sử dụng phần lõi hợp lý trước mắt và lâu dài, có thể tự tổ chức thi công bằng phương pháp thủ công.
Các tổ chức, cá nhân có điều kiện giúp đỡ dân cũng dễ tham gia vào các công đoạn thực hiện như: tài trợ kinh phí hoặc cung cấp vật liệu… Dễ tính toán trong các khâu thi công, xây dựng và giá thành phần lõi.
Như vậy, mô hình LÕI NHÀ để làm thành NHÀ LÕI tránh bão lụt cho dân nghèo miền Trung do KTS thiết kế và được xây thử nghiệm trên thực tế ở một số điểm vùng bão lụt đã thể hiện sát thực tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:“Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 – 3,6m tại vị trí xây dựng,..” là phương án khả thi, là một mô hình đến nay vẫn rất thiết thực với dân nghèo miền Trung./.
TS.KTS Ngô Doãn Đức