Nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến dự án văn phòng
Trao đổi với phóng viên, bà Sigrid Zialcita, Giám đốc điều hành Bộ phận nghiên cứu thị trường của Cushman & Wakefield khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa chính thức thành lập là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản tại Việt Nam.
“Có thể xem đó như là một chất xúc tác cho sự phát triển của một nền kinh tế, trong đó có sự phát triển của bất động sản”, bà Sigrid Zialcita nói và nhận định, trong trường hợp của Việt Nam, mức độ tham gia thị trường bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng cao hơn trong ngắn và trung hạn.
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang có dự án tại Việt Nam cũng nhanh chân triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Hiện đan là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào bất động sản Việt Nam
Đơn cử, hồi đầu tháng 5 vừa qua, một nhóm nhà đầu tư Mỹ đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM về việc đầu tư Dự án khu phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Dự án này có quy mô khoảng 11 ha, trong đó, tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, chứng khoán, thu hút cácdoanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc.
Trong khi đó, mới đây, Kusto Home (có văn phòng tại Singapore), chủ đầu tư Dự án Diamond Island (đảo Kim Cương) tại quận 2, TP.HCM (gần kề với Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đã khởi công giai đoạn II, sau một thời gian khá dài công bố triển khai dự án. Theo đó, Dự án căn hộ Hawaii trong giai đoạn II có tổng vốn đầu tư 946 tỷ đồng, với khoảng 1.000 căn hộ cao cấp, diện tích từ 50 đến 450 m2.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, dịch vụ tài chính… có quy mô đầu tư lớn.
“Chỉ có các nhà phát triển bất động sản tầm cỡ thế giới mới có thể làm các dự án kiểu này vì việc thu hồi vốn rất chậm”, ông Châu nói và nhìn nhận, các điều kiện về cơ sở hạ tầng được hoàn thiện nhanh sẽ là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư này quyết định triển khai dự án.
Cũng theo ông Châu, sẽ còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều kinh nghiệm đầu tư và quản lý đến tìm cơ hội và triển khai các dự án tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, tài chính… tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và ở TP.HCM bởi quỹ đất không còn nhiều và xu hướng hiện nay là các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các phân khúc còn nhiều tiềm năng này của thị trường bất động sản Việt Nam.
Có chung quan điểm, bà Sigrid Zialcita cho rằng, bất động sản công nghiệp và văn phòng là những phân khúc hứa hẹn nhất. Nguồn cung văn phòng và các dự án công nghiệp có chất lượng hiện không nhiều, nghĩa là vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư.
“Bất động sản công nghiệp và văn phòng sẽ là các phân khúc hưởng lợi trực tiếp từ việc hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu”, bà Sigrid Zialcita nhìn nhận và cho biết, sự dịch chuyển của các nhà sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã tăng lên rất nhiều trong mấy năm gần đây. Do đó, có cơ sở để tin rằng, Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Cũng theo đại diện Cushman & Wakefield, để tạo sức hấp dẫn hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam cần minh bạch hơn và cần một khung khổ pháp lý tốt hơn. Nhờ vậy, giao dịch thị trường trôi chảy hơn, giá cả hợp lý hơn và phản ánh đúng giá trị thực. Các dự án bất động sản cũng cần phải phù hợp hơn với các mục tiêu kinh tế tổng thể cũng như các hướng dẫn quy hoạch đô thị.
Theo Hồng Sơn/Báo Đầu tư