09/08/2018

Nhà đất vùng ven TPHCM đang biến động mạnh trước tháng cô hồn

Nhà đất vùng ven TP.HCM đang biến động mạnh trước tháng cô hồn

Ghi nhận việc chào bán nhà đất tại một số “điểm nóng” trước đây ở vùng ven TPHCM, cho thấy giá bán bắt đầu quay đầu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình hình người đi xem đất, mua đất lại có sự cải thiện hơn so với cách đây 2 tháng.

Trước tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), nhà đất vùng ven TPHCM đang có những biến động rõ nét. Khảo sát tại các khu dân cư (KDC) ở khu ven TPHCM, các nền đất có sổ đỏ, giá bán đã chững lại hoặc giảm từ 30-100 triệu đồng/nền (tùy vị trí).

Tại Q.9 và Q.2, các nền đất KDC có hiện tượng xuống giá ở một số vị trí. Tại KDC Phúc Long (đường Trường Lưu, P.Long Trường), giá nền đất có sổ đỏ giảm từ 36 triệu đồng/m2 (tháng 4/2018) xuống còn 32-33 triệu đồng/m2. Tại một KDC sát bên KDC này giá cũng đã giảm hơn 3 triệu đồng/m2 so với thời điểm đất nóng sốt.

Tại tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2) giá đất thổ cư cũng đã chững giá, giữ giá cũ hoặc giảm 2-3 triệu đồng/m2 so với thời điểm 3 tháng trước, dao động ở mức 37-40 triệu đồng/m2. Thậm chí, theo ghi nhận, một số nền đất giảm giá sâu từ 250 triệu đồng/nền so với cách đây 2-3 tháng. Ngoài ra, các dự án mới mở bán thời điểm này cũng ở ngưỡng giá thấp hơn mặt bằng cũ từ 5-6 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu tháo chạy khỏi thị trường. Theo giới kinh doanh nơi đây, cả đất thổ cư và đất nông nghiệp đều ghi nhận giảm giá từ 15-20% so với thời điểm tháng 4/2018. Ghi nhận tại xã bà Điểm, Tân Thới Nhì (Hóc Môn), Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Trung An (Củ Chi)…đất giảm giá rõ nét so với vài tháng trước.

Tuy nhiên, lại có một hiện tượng đáng chú ý trên thị trường đất nền khu ven ở thời điểm này, đó là số lượng người mua ở thực và NĐT đi xem đất có xu hướng tăng lên. Trong đó, đa số họ đi “dò” giá đất nền trước tháng cô hồn để có những quyết định sau đó.

Nhà đất vùng ven TP.HCM đang biến động mạnh trước tháng cô hồn - Ảnh 1.

Anh Vũ Văn Thanh, NĐT sống tại huyện Củ Chi cho hay, hiện tại giá đất đã chững lại, cũng là thời điểm cả người mua thực và NĐT quay lại để xác định giá trị của thị trường. Thậm chí, không ít người sẵn sàng xuống tiền ở thời điểm này để có giá mềm vì cho rằng qua tháng 7 âm lịch giá có thể nhích nhẹ theo xu hướng chung của thị trường đến cuối năm.

Ghi nhận tại các điểm “nóng” đất nền thời gian qua như Q.9, huyện Củ Chi, Hóc Môn…sau khoảng 2 tháng im ắng, hiện không khí mở bán cũng như lượng người đi xem đất đã tăng lên. Bên cạnh các dự án mới chào bán thì các nền đất thuộc dự án cũ đã có sổ đỏ được quan tâm nhiều hơn. Theo những người mua ở thực, thời điểm này là cơ hội để họ đưa ra quyết định sở hữu chốn an cư vì giá đã chững lại, diễn biến thị trường ổn định so với cách đây vài tháng.

Tuy nhiên, theo khách mua, giá đã đứng lại nhưng vẫn vượt xa khả năng tài chính của họ. Hầu hết, người ở thực đều phải dùng đến đòn bẩy tài chính mới có thể sở hữu nền đất.

Anh Võ Quốc Việt, một môi giới tự do tại Q.9 cho hay, tháng cô hồn thị trường đất nền nói chung ảm đạm hơn so với các tháng còn lại. Tuy nhiên, chính ở thời điểm này, khách hàng mua đất sẽ có lợi thế về giá và các ưu đãi từ chủ đầu tư. Có một thực tế diễn ra những năm trước, đó là mặc dù rơi vào tháng cô hồn nhưng giao dịch BĐS vẫn diễn ra bình thường. Các DN vẫn bung hàng đón sức mua.

Riêng năm nay, ngoài chịu tác động hạ nhiệt từ đợt sốt vừa qua thì còn một phần do nguồn cung thị trường hạn chế, cho nên hiện tượng mua bán rầm rộ trên thị trường không thấy rõ. Tuy nhiên, theo anh Việt, sức mua vẫn âm thầm diễn ra ở các dự án có giá và vị trí tốt. Đặc biệt, ở thời điểm này, các dự án đất nền phân lô mới mở bán ghi nhận sức mua khá tốt từ NĐT vì họ nhắm đến cơ hội ra hàng ở giai đoạn cuối năm.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cũng cho rằng, từ giờ đến cuối năm, đất nền vẫn là phân khúc được nhiều NĐT quan tâm do lợi thế về khả năng sinh lợi và tâm lý sở hữu nhà đất của người dân luôn hiện hữu. Tuy nhiên, trước nhiều biến động của thị trường thì NĐT cần cẩn trọng để hạn chế rủi ro trong quá trình đầu tư.

Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế