28/03/2016

Nhà cổ 87 Mã Mây – kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa

Là một trong những ngôi nhà cổ của Hà Nội, nhà 87 Mã Mây là loại nhà ở truyền thống, tái hiện không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa. Ngôi nhà nước đầu tư tôn tạo như một dấu ấn lịch sử của Hà Nội 36 phố phường.


Nội thất trong ngôi nhà 87 Mã Mây

Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam với chức năng sử dụng để ở và bán hàng. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài đất là 28m2, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m.

Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, và được hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngôi nhà 87 Mã Mây được cấp bằng Di sản cấp quốc gia vào ngày 16/2/2004.


Không gian bếp


Mọi đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng

Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, tức là theo dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Đây cũng là nơi bày cây cảnh, uống nước, ngắm trăng. Kết cấu chủ yếu của công trình là gỗ và có nhiều họa tiết trang trí.

Do yêu cầu việc buôn bán ở thành thị nên việc mở cửa hàng để bán hàng ở những nhà có mặt cửa rộng quay ra phố là một vấn đề quan trọng tất yếu. Vì vậy, nhà chỉ có bề ngang từ 2 đến 6m, tức là bằng bề rộng một gian trong ngôi nhà 3 hoặc 5 gian khi xưa, nhưng lại được phát triển mạnh theo chiều sâu mà vẫn dùng kết cấu mái cũ của nhà dân gian nên không gian mái lớn và để tận dụng người ta thường làm thêm những gác lửng leo lên bằng cách để lỗ sàn và gác một cầu thang một về với độ dốc 70 độ đến 75 độ làm bằng gỗ.


Cầu thang lên gác trên nghiêng 70 đến 75 độ là nét kiến trúc đặc sắc của người Hà Nội xưa.

Gác lửng để chứa hàng dự trữ hay kê giường ngủ nên có độ cao không quá 2,2m. Nếu cần phát triển hơn nữa về diện tích để ở thì người Hà Nội xưa thường phát triển nhà theo chiều cao để thành những tầng nhà hẳn hoi. Chính vì vây mà nó được gọi với cái tên là “nhà hình ống”.

Tầng hai là không gian thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường, có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Quan hệ nội bộ các phòng đều là quan hệ xuyên phòng, lợi dụng khoảng không kê đồ sát một mặt tường dọc làm lối đi. Nhu cầu người dân lúc đó còn đơn giản, họ chưa cần những khoảng không gian riêng tư như ngày nay, vì vậy việc xuyên suốt từ không gian phòng này sang phòng khác là đặc trưng nổi bật không gian nhà ở trong khu 36 phố phường.

Giữa các lớp nhà ở tầng 2 có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường

Không gian thờ được đặt cạnh cầu thang lên ở phía bên trái

Tiếp theo gian thờ là gian giữa (phòng tiếp cố nhân)

Trong cùng là gian ngủ, được bày biện thoáng đãng

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà sẽ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý về cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

Xuân Nhàn/Báo Xây dựng