Ngành Xây dựng: Nỗ lực cao độ hoàn thiện thể chế
Trong chương trình hành động năm 2017, Bộ Xây dựng xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu và tập trung chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó là chú trọng phát triển nhà ở xã hội để người nghèo có điều kiện cải thiện về chỗ ở…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thăm khu nhà ở xã hội VIGLACERA Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).
Những kết quả khích lệ
Quán triệt quan điểm chỉ đạo và phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”; ngay từ đầu năm, Bộ đã tổ chức quán triệt, triển khai, ban hành đầy đủ, kịp thời và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2016 – 2020 và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Trong đó, đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực của Ngành cho toàn nhiệm kỳ, trong từng năm và trách nhiệm tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị trong Ngành.
Bộ đã chú trọng đổi mới và tăng cường hiệu lực công tác quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phương thức làm việc của lãnh đạo Bộ và các đơn vị khối cơ quan Bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, Trung ương Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành; chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM.
Với sự chỉ đạo cụ thể và quyết liệt, cùng với nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và cộng đồng DN trong toàn Ngành, năm qua ngành Xây dựng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất năm 2016 tiếp tục tăng khá cao, ước đạt 1.090 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015 và đạt 104% kế hoạch năm, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (6,21%).
Các chỉ tiêu phát triển của Ngành duy trì được sự tăng trưởng so với năm 2015, hầu hết đều hoàn thành hoặc vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch nông thôn đạt 99%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 22,8m2 sàn/người, tăng 0,8m2 sàn/người so với năm 2015. Công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) được quan tâm. Thị trường BĐS tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định.
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh trao quà hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt các tỉnh miền Trung.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, kết quả quan trọng nhất trong năm qua của Bộ Xây dựng là đã nỗ lực tập trung cao độ cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý nhà nước. Trong đó, đã thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn về xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng; rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành xây dựng. Đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành các luật chuyên ngành xây dựng và các luật liên quan đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ; từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng…
Nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng
Chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng luôn là mục tiêu quan trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng. Nhằm hạn chế lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng Bộ Xây dựng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, đó là thường xuyên rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuẩn hóa, công khai minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý hoạt động xây dựng, theo hướng rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn kiểm tra đồ án quy hoạch tại thực địa.
Thứ hai là, kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn về xây dựng, đáp ứng với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Xây dựng; kiện toàn các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Thứ ba là, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng công trình và chi phí xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và việc thực thi pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; đôn đốc kiểm tra bảo đảm thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị và xử lý sau thanh tra.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh trao đổi với các chuyên gia quốc tế tại hội thảo ngành nước.
Năm 2016, thông qua công tác thẩm định dự án, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định vào khoảng 0,97% tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 5,87% so với dự toán. Trong khi đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp sai sót, vi phạm; kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 3.191 tỷ đồng, chiếm 3,81% tổng mức đầu tư các dự án được thanh tra; yêu cầu nộp bổ sung số tiền thuế đất, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân 23,7 tỷ đồng; tiến hành xử phạt 34 tổ chức với tổng số tiền 6,2 tỷ đồng… Như vậy, thông qua việc tiền kiểm (thẩm định dự án, thiết kế dự toán) và hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra chuyên ngành), đã giúp cắt giảm, tiết kiệm khoảng 10% chi phí đầu tư xây dựng; đây chính là những công cụ, giải pháp hữu hiệu để bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
BĐS tiếp tục duy trì phát triển ở mức ổn định
Ở lĩnh vực BĐS, cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014, đồng thời với việc thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội thông qua năm 2013, 2014 đã giúp cho thị trường BĐS từng bước phục hồi tích cực.
Có thể nói, thị trường BĐS năm 2016 tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: Giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản tiếp tục ổn định; lượng hàng tồn kho giảm; cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một thực tế đó là mất cân đối nguồn cung nhà ở, cụ thể là nguồn cung nhà ở cao cấp đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ mà thị trường đang có nhu cầu cao.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng kiểm tra chất lượng một công trình xây dựng.
Với thực trạng của thị trường BĐS hiện nay và qua phân tích một số yếu tố chủ yếu có thể tác động mạnh đến thị trường trong thời gian tới, đó là kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục đà phát triển ổn định; việc kiểm soát nguồn tín dụng cho lĩnh vực BĐS; về lượng cung của thị trường BĐS cũng như sự ổn định của các thị trường có liên quan như đầu tư chứng khoán, lãi suất tiền gửi tiết kiệm, ngoại tệ, vàng… Có thể dự báo thị trường BĐS năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì phát triển ở mức ổn định, chưa có khả năng biến động lớn.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Năm 2016 vừa qua, công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là NƠXH theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là các đối tượng người có công, người nghèo khu vực bão lũ, người thu nhập thấp, công nhân lao động. Trong năm, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 NƠXH khu vực đô thị, đưa tổng diện tích NƠXH khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Mặc dù đã thu được kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển NƠXH, nhất là NƠXH cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cho công nhân lao động tại các KCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ NƠXH còn chậm so với kế hoạch; chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển NƠXH.
Nguyên nhân, nút thắt cần phải tháo gỡ đó là việc phát triển NƠXH yêu cầu phải có nguồn vốn lớn, nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí tỷ lệ lợi nhuận do nhà nước khống chế, thời gian thu hồi vốn dài, nhất là đối với NƠXH cho thuê, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, vì vậy không khuyến khích được các DN tham gia phát triển NƠXH. Do thu nhập của người dân, công nhân lao động tại các KCN còn thấp, không đủ tích lũy để mua nhà ở, trong khi chúng ta chưa có cơ chế để hình thành các định chế tài chính nhà ở để cho người dân vay vốn với lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ dài để mua nhà ở. Trong khi tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở mà chưa sẵn sàng để thuê nhà ở sống lâu dài. Một khó khăn nữa đó là một số địa phương chưa thực sự quan tâm tìm các giải pháp để đẩy mạnh phát triển NƠXH, trong khi chưa có chế tài để khuyến khích nơi làm tốt và xử lý trách nhiệm đối với nơi làm chưa tốt.
Có thể nói cơ chế chính sách cho phát triển NƠXH đến nay đã đầy đủ và đồng bộ, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển NƠXH tháng 12/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Trung ương đề ra chủ trương định hướng, còn vai trò địa phương vô cùng quan trọng, quyết định thành công hay không. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách về NƠXH cho phù hợp với giai đoạn mới. Phối hợp với các Bộ, Ngành đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các giải pháp về vốn, chính sách tín dụng, thuế, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển NƠXH, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân lao động.
Đối với các địa phương, phải quan tâm, tập trung chỉ đạo việc phát triển NƠXH, chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo điều hành của địa phương.
Thời gian tới, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển NƠXH. Đồng thời, Bộ sẽ kiểm soát chất lượng các dự án NƠXH, bảo đảm nhà ở giá thấp nhưng chất lượng không thấp và người dân phải được hưởng đầy đủ hạ tầng cơ bản, kể cả hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.
Tập trung hoàn thiện thể chế
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2017 Ngành Xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2016. Theo đó, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%; người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84 – 85%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5 – 86%… Bộ Xây dựng tiếp tục coi công tác hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng hàng đầu để tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt, nhiệm vụ này vừa là thường xuyên vừa cấp bách. Nếu như năm 2016, Bộ Xây dựng đã tập trung chủ yếu vào xây dựng thể chế, ban hành các văn bản, quy định chi tiết thì năm 2017 sẽ có sự chuyển hướng đó là cùng với xây dựng thể chế Bộ sẽ đẩy mạnh sang hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành, có tổng kết, đánh giá để bảo đảm sự khả thi của luật pháp đã ban hành.
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra chất lượng VLXD tại một nhà máy sản xuất gạch không nung.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị, tập trung kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ NƠXH trọng điểm; đẩy mạnh phát triển NƠXH khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân.
Phong Thư/Báo Xây dựng