Ngành Xây dựng chủ động, quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ
“Thời gian tới, ngành Xây dựng tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức, vì vậy các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chủ động nắm bắt tình hình thực tế, từ đó tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đồng thời đề ra giải pháp dài hạn, giải quyết vấn đề một cách trách nhiệm và quyết liệt, trên nguyên tắc thực hiện đúng theo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” – Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị giao ban về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành quý I, triển khai chương trình công tác quý II/2022, ngày 12/4.
Tập trung thực hiện công tác xây dựng quy phạm pháp luật
Chỉ đạo triển khai công tác quý II/2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị toàn ngành Xây dựng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với lĩnh vực xây dựng quy phạm pháp luật, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật đã xác định từ đầu năm, bảo đảm chất lượng, tiến độ, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp.
Hệ thống quy phạm pháp luật phải được xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân cấp rõ cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung chuẩn bị công tác xây dựng Luật Đô thị nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; chuẩn bị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý không gian ngầm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng quy trình, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014; nghiên cứu dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh nước sạch và một số nghị định, thông tư khác.
Đặc biệt, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng…
Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6. Trong khi đó, các đơn vị thuộc Bộ rà soát, kiện toàn nhân sự; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển nhân lực ngành Xây dựng…
Tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch ở địa phương
Trong công tác quản lý quy hoạch, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai 2 quy hoạch quốc gia quan trọng mà Bộ được giao trực tiếp lập là Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch ở địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch; công khai, minh bạch, cập nhật thông tin về quy hoạch trên cổng thông tin quốc gia để người dân tiếp cận.
Trong công tác quản lý kiến trúc, các đơn vị tập trung triển khai thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; hướng dẫn địa phương quản lý kiến trúc chặt chẽ, rõ ràng. Với những nội dung, dự án, vị trí nhạy cảm, hướng dẫn phải thận trọng, chặt chẽ.
Trong quản lý phát triển đô thị, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; tham mưu xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW; ban hành tiêu chí về đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, của các địa phương phải theo sát diễn biến tình hình của thị trường bất động sản để có đồng bộ các giải pháp, công cụ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngành Xây dựng và các địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm quy hoạch, dành quỹ đất, tháo gỡ thủ tục hành chính trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay, nguồn cung nhà ở đang sụt giảm, do vậy lưu ý các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ các vướng mắc, tạo nguồn cung cho thị trường; đồng thời rà soát, bổ sung chương trình phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp Chương trình phát triển nhà ở quốc gia.
Bộ trưởng chỉ đạo làm rõ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật; xây dựng công cụ quản lý nhà nước về cấp nước sạch, đường đô thị…
Cục Kinh tế Xây dựng tiếp tục, tham mưu cho Bộ, Chính phủ trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng; nghiên cứu, bổ sung các định mức còn thiếu, điều chỉnh định mức xây dựng chưa phù hợp; Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong việc công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng, bảo đảm kịp thời đáp ứng diễn biến thị trường; tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp gỡ vướng mắc về hợp đồng xây dựng, hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định…
Hoạt động xây dựng, thẩm định dự án phải hết sức chặt chẽ, làm tốt công tác phối hợp trong thẩm định. Các địa phương đẩy mạnh quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Hoạt động của Hội đồng nghiệm thu luôn phải bảo đảm đầy đủ hồ sơ, thủ tục, quy trình chặt chẽ, yêu cầu các chủ thể có liên quan thực hiện đầy đủ để bảo đảm chất lượng, an toàn công trình. Thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo chương trình, kế hoạch.
Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công
Trong công tác quản lý doanh nghiệp, Bộ tiếp tục thực hiện theo lộ trình kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá. Các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, quản lý chặt chẽ vốn, tài sản của Nhà nước.
Trong lĩnh vực đầu tư công, Bộ Xây dựng là 1 trong 5 Bộ ngành được Chính phủ biểu dương phân bổ hết vốn và hiện đã giải ngân quý I/2022 đạt 25%. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục quản lý đầu tư công chặt chẽ, theo kế hoạch, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn; quản lý khai thác sử dụng tài sản công đúng quy định.
Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng. Chiến lược phải cập nhật những xu hướng mới, phù hợp với thế giới; phải xác định rõ mục tiêu trong 10 – 20 năm, khoa học công nghệ ngành Xây đựng đạt tới trình độ nào, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Công tác nghiên cứu khoa học phải phục vụ quản lý Nhà nước, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Các đơn vị thuộc ngành cần chú trọng đào tạo lực cho ngành Xây dựng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; chú trọng chuyển đổi số ngành Xây dựng. Người đứng đầu các đơn vị phải quan tâm để tạo ra chuyển biến trong chuyển đổi số, tránh bị thụt lại phía sau.
Cùng với đó, các đơn vị quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý Nhà nước. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng với Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
Sau cùng, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị bám sát kế hoạch, chương trình hành động, chủ động trao đổi, phối hợp công việc giữa các đơn vị trong Bộ, giữa các đơn vị thuộc Bộ với các đơn vị ngoài Bộ, nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao…
Theo Bộ Xây dựng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021. Riêng ngành Xây dựng đạt 2,57%, tuy thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021 nhưng đã đóng góp 0,16 điểm phần trăm vào GDP.
Hạ Ly/BXD