12/04/2016

Ngành nhôm xây dựng: Ngủ im khi cơ hội mở rộng?

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Thị trường nhôm xây dựng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi cả đầu vào và đầu ra đều được hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn tỏ ra khá dè dặt vì những vấn đề vẫn còn tồn tại của thị trường. Phải chăng ngành nhôm Xây dựng vẫn đang ngủ im khi cơ hội mở chưa phát huy được tiếng nói và cùng xây dựng một thị trường chung trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng để nâng cao vị thế thương hiệu Việt.

nha may1

Một thị trường hoàn toàn rộng mở
Trong suốt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, thị trường nhà đất cũng như thị trường xây dựng tại Việt Nam có dấu hiệu ấm trở lại. Đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển thị trường vật liệu xây dựng trong đó có nhôm thanh định hình. Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay: “Từ những số liệu của chúng tôi cho thấy tiêu thụ nhôm tại Việt Nam đã tăng trưởng từ 15% đến 20% hàng năm”. Ông cũng cho rằng nhôm là một trong các kim loại đang được quan tâm hàng đầu bởi “nhôm đang được sử dụng trong các cao ốc, ngoại thất cũng như nội thất”.
Ông Thụ cũng đánh giá về khả năng cung ứng các sản phẩm nhôm thanh định hình của các nhà cung cấp Việt Nam là khá lạc quan. Nhu cầu về tổng thể thị trường cao dẫn tới việc các sản phẩm nhôm trong nước có đầu ra tốt. Với việc có nguồn cung ổn định, với mức giá mềm hơn, ngành nhôm xây dựng mà tiêu biểu là nhôm thanh định hình đang nhận được sự tin tưởng của các đơn vị xây dựng so với việc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ nước ngoài.

cuanhomBên cạnh thị trường mở rộng, sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cũng đang giúp ngành nhôm đứng trước cơ hội phát triển hơn bao giờ hết. Chính phủ đã lên một kế hoạch dài hạn tới năm 2025 nhằm hỗ trợ các dự án cơ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng có trị giá lên tới 289 tỉ USD. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất nhôm cũng được đảm bảo bởi những dự án nhôm lớn trong nước cũng như việc thuế nhập khẩu nhôm nguyên liệu đã ở mức 0%.

Những rào cản từ chính các doanh nghiệp Việt
Đứng trước cơ hội phát triển nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh định hình lại tỏ ra vô cùng dè dặt. Bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Euroha, đơn vị sản xuất nhôm hàng đầu khu vực phía Bắc – cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực nhôm xây dựng, nhất là nhôm thanh định hình đang không có được tiếng nói chung. Bản thân các doanh nghiệp cũng không xác định xây dựng một thị trường chung có tính ổn định và cạnh tranh bình đẳng.”

Bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Euroha

Bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Euroha

Hiện nay, rất nhiều ngành nghề đều có hiệp hội để liên kết các nhà sản xuất lại thì bản thân ngành sản xuất nhôm xây dựng nói chung và nhôm thanh định hình nói riêng lại chưa hề có. Điều này ảnh hưởng rất nhiều cho sự phát triển của ngành nhôm Việt Nam. Bởi trước sự điều chỉnh của thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp có những cách phản ứng khác nhau và đôi lúc thay vì hỗ trợ nhau cùng phát triển thì các doanh nghiệp lại quay ra tìm cách triệt hạ lẫn nhau vấn đề không hề hiếm trong ngành này.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực nhôm xây dựng nói chung và nhôm thanh định hình nói riêng đang gặp phải là chất lượng sản phẩm. “Hầu hết các nhà máy nhôm tại Việt Nam nếu được đầu tư công nghệ tự động hoá tốt đều có thể sản xuất được nhôm chất lượng cao nhưng phần lớn các chủ doanh nghiệp không mong muốn như vậy” – bà Dung thừa nhận về tồn tại của ngành nhôm Việt hiện nay. Lý do của thực tế khá ngược đời này là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của thị trường nhôm hiện nay. Việc cạnh tranh hiện nay thuần túy là về vấn đề giá, và đây cũng là nguồn cơn cho việc các nhà sản xuất tìm mọi cách giảm giá thành sản phẩm, kể cả chấp nhận… giảm chất lượng sản phẩm. Câu chuyện chất lượng và giá chưa dừng tại đó, nhiều doanh nghiệp thiết kế thi công để giảm giá thành sản phẩm đầu cuối cũng chấp nhận tư vấn và sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp hơn là ưu tiên các dòng sản phẩm tốt. Điều này khiến người tiêu dùng bị mất đi quyền tiếp xúc với các sản phẩm chất lượng cao cũng như không còn lòng tin với các sản phẩm nhôm trong nước. Trước căn bệnh trầm kha của ngành nhôm này, bà Dung cũng chia sẻ: “Là doanh nghiệp lớn trong ngành, Euroha mong muốn đưa tới thị trường sản phẩm có chất lượng tốt giá thành hợp lý. Nhưng nếu việc cạnh tranh vẫn diễn ra như hiện tại, không chỉ riêng chúng tôi mà bất kỳ doanh nghiệp nào muốn đầu tư lớn vào chất lượng sản phẩm cũng là quá rủi ro. Nhưng rủi ro không có nghĩa là không làm, người tiêu dùng cần phải được sử dụng sản phẩm chất lượng cao và đúng với số tiền mà họ bỏ ra”.

Nhôm xây dựng nói chung và nhôm thanh định hình là một trong những ngành có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, tuy nhiên nếu không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra 1 thị trường phát triển ổn định,xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu Việt thì các nhà sản xuất trong nước sẽ tự đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐQT Euroha nhần mạnh khi nói về mong muốn trong nghề: “Euroha mong muốn không chỉ chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp Việt đang kinh doanh trong lĩnh vực này liên kết lại với nhau để cùng nhau tạo ra các dòng sản phẩm nhôm MADE IN VIETNAM thật sự chất lượng và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.”/.

PV