23/06/2020

Ngăn bụi bẩn từ công trường xây dựng

Hiện có hàng nghìn công trường xây dựng lớn, nhỏ đang được thi công trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó có rất nhiều công trường gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bụi bẩn. Thực tế đặt ra yêu cầu các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm với môi trường Thủ đô, góp phần thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020 tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề ra.

 

Xe ô tô của một công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) gây bụi bẩn. Ảnh: Đỗ Tâm

Xe ô tô của một công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) gây bụi bẩn. Ảnh: Đỗ Tâm

Những “đại công trường” gây ô nhiễm

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànội mới tại hàng loạt dự án, công trình xây dựng lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tình trạng bụi bẩn phát tán từ vật liệu xây dựng, phương tiện thi công, ra vào công trường… vẫn diễn ra phổ biến.

Cụ thể, tại Dự án Lancaster Luminaire, 1152 đường Láng (quận Đống Đa), mặc dù các công nhân đã che chắn hàng rào nhưng bụi bẩn, tiếng ồn từ công trình vẫn khiến người dân xung quanh phải “chịu trận”. Bà Nguyễn Thu Hòe, ở ngõ 1150 đường Láng cho biết, nếu trước đây 2 ngày bà mới phải lau nhà một lần, từ khi triển khai công trình mỗi ngày bà lau 2-3 lần vẫn không sạch bụi bẩn. Tương tự, lúc 11h trưa ngày 19-6, tại Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và Văn phòng 1A, 1C, 1D Láng Hạ (quận Ba Đình), các xe đổ bê tông, chở đất đá vẫn liên tục vận hành, di chuyển trên đường Láng Hạ.

Tương tự, từ nhiều tháng nay, người dân thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) phải hứng chịu những đợt bụi bẩn do thi công các công trình xây dựng tại Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch gây ra. Cụ thể, dọc hai bên đường Kim Chung – Di Trạch hiện có hàng loạt công trình xây dựng, chỗ thì đào móng với nhiều đất đá, nơi thì đổ đầy cát sỏi san nền. Bụi từ vật liệu xây dựng, máy xúc ủi bay khắp nơi. Ông Nguyễn Văn Yên (thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung) cho biết, thỉnh thoảng có xe phun nước tưới rửa đường nhưng không đủ để ngăn bụi bẩn.

Còn nhiều công trình, dự án xây dựng đang thi công tại các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Long Biên… thiếu biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế bụi bẩn ra môi trường xung quanh. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO 7), nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố có thời gian thi công kéo dài, cá biệt có dự án “dây dưa” nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện tạo ra nguồn bụi bẩn lớn. Nhiều nhà thầu và chủ đầu tư trước khi thực hiện dự án đã nộp báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường một cách “lấy lệ” nhằm sớm được cấp giấy phép xây dựng, quá trình thi công không thực hiện nghiêm túc khâu vệ sinh tưới rửa đường, rửa cầu xe…, thiếu ý thức trong tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

Một công trường xây dựng trên địa bàn quận Đống Đa che chắn không đúng quy định khi thi công. Ảnh: Nguyễn Quang

Một công trường xây dựng trên địa bàn quận Đống Đa che chắn không đúng quy định khi thi công. Ảnh: Nguyễn Quang

Siết chặt quản lý vệ sinh môi trường

Thông tin về tình hình các công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, hiện trên địa bàn quận có 288 công trình xây dựng. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính đối với 46 trường hợp vi phạm về môi trường.

“UBND quận đã yêu cầu các phường phải làm việc với các đơn vị thi công, ký cam kết thu dọn đất cát, vật liệu xây dựng để rơi vãi ra đường, vỉa hè. Song song đó, lực lượng liên ngành của quận đẩy mạnh kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất; tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường, coi nhiệm vụ này quan trọng như phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng”, ông Trương Minh Quang nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, giải pháp mà quận đang thực hiện để giảm bụi bẩn với các công trình xây dựng là tăng cường kiểm tra, quản lý công trình, trong đó chú trọng việc siết chặt quản lý về vệ sinh môi trường, yêu cầu các chủ đầu tư phải có bạt che chắn; thường xuyên tổ chức vệ sinh, thu dọn mặt bằng thi công.

Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân, huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Huyện cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên yêu cầu các nhà thầu che chắn, rửa cầu xe, lốp xe vận chuyển vật liệu xây dựng…

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các công trình xây dựng gây ra vẫn phổ biến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương khẳng định, trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường… của các chủ đầu tư; chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát môi trường đôn đốc chủ đầu tư và nhà thầu các công trình trên địa bàn phải che chắn xe chở vật liệu xây dựng; tổ chức thu dọn phế thải, bảo đảm vệ sinh môi trường tại công trình thi công; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về vệ sinh môi trường…

Vũ Dung – Bảo Nga/Hà Nội mới