27/07/2015

New Zealand mở các cơ sở tái chế phế thải xây dựng

Vào ngày 24/7, Bộ Môi trường và Bộ Xây dựng và Nhà ở New Zealand đã đưa ra thông cáo báo chí về cơ sở tái chế các phế thải từ hoạt động xây dựng.

Tiến sĩ Nick Smith – Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Nhà ở cho biết, cơ sở tái chế toàn diện đầu tiên ở Auckland dành cho phế thải công nghiệp từ các công trình xây dựng mới được mở cửa. Cơ sở tái chế mới này sẽ phủ xanh ngành công nghiệp xây dựng, cho phép tái chế 30.000 tấn phế thải xây dựng và từ những công trình được phá dỡ. Nó cũng cho phép sắp xếp và tái chế hàng ngàn tấn gỗ, trần thạch cao, thép, nhựa và cốt liệu xây dựng thành những dạng vật liệu tái sử dụng được.

Các cơ sở này nhận được khoản tài trợ 4,2 triệu USD từ một khoản trợ cấp của Chính phủ và 2,1 triệu USD từ Quỹ giảm thiểu chất thải. Những cơ sở này khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra thêm việc làm cho người dân địa phương.

Tiến sĩ Smith cho biết: “Việc khai trương các cơ sở mới này rất kịp thời bởi Auckland đang đứng trên bờ vực của sự bùng nổ xây dựng các công trình lớn nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ xây dựng nhà ở tăng lên từ 4.000 tới 8.000 công trình mỗi năm kể từ năm 2011 và được dự báo sẽ tăng lên 12.000 ngôi nhà mới mỗi năm. Mỗi ngôi nhà được xây dựng sẽ thải ra 4 tấn phế thải, lượng phế thải này sẽ được tái chế nhiều nhất có thể”.

Gỗ, thạch cao, thép, nhựa, cốt liệu và bìa các tông đang là mục tiêu được CID Resource Recovery đưa vào tái chế và tái sử dụng. Gỗ sẽ tiếp tục được chế biến thành nhiên liệu sinh học cho lò nung công nghiệp, trong khi đó thạch cao cũ sẽ được tái chế để sử dụng như một chất điều hòa đất. Thép phế liệu sẽ được trích xuất bằng nam châm và chuyển giao cho các cơ sở tái chế kim loại để tái chế và tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu. Các lớp khác nhau của nhựa, giấy sẽ được các cơ sở tái chế địa phương xử lí.

Tiến sĩ Smith cho biết thêm: “Đây là phương pháp rất thực tế phù hợp với cách tiếp cận của Chính phủ nhằm chống lãng phí. Chúng tôi đang hợp tác với các doanh nghiệp để tìm ra những cách khả thi hơn về mặt kinh tế nhằm tái chế chất thải và tập trung vào những lĩnh vực cho lợi ích lớn nhất”.