19/06/2019

Nền tảng để hướng đến đô thị thông minh

Sau 18 tháng triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, TPHCM đã tập trung triển khai 3 hạng mục là kho dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm dự báo mô phỏng. 

UBND TPHCM đang chuẩn bị sơ kết đề án nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai tiếp giai đoạn 2 của đề án.
Nhiều dữ liệu dùng chung
Kho dữ liệu dùng chung là một trong những nền tảng quan trọng để TPHCM hướng đến một “Thành phố thông minh” trong tương lai gần. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết nhằm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, thành phố đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội và thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố.
Người dân khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG

Trong đó, việc xây Kho dữ liệu dùng chung được xác định là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chất nền tảng, là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở ngành như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…
Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung như: cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, cơ sở dữ liệu khiếu nại tố cáo, cơ sở dữ liệu đường dây nóng, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu đầu tư nước ngoài, cơ sở dữ liệu người nộp thuế, cơ sở dữ liệu lao động nước ngoài, cơ sở dữ liệu đất đai…
Trên cơ sở các dữ liệu được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung, TPHCM đã triển khai các ứng dụng khai thác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng chiến lược của thành phố, thực hiện chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Ngoài ra, thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở (tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn). Trước mắt sẽ thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y. Cổng thông tin dữ liệu mở còn là kênh tra cứu, cung cấp thông tin để người dân và doanh nghiệp có thể tự do sử dụng, chia sẻ và phát triển với bất kỳ mục đích nào.
Số hóa một số lĩnh vực
Nhằm tiếp tục hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung, cung cấp ngày một nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2019-2020, thành phố sẽ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, như nghiên cứu hoàn thiện mô hình, kiến trúc kho dữ liệu dùng chung, hoàn thiện nền tảng tích hợp dữ liệu…
Triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối với Kho dữ liệu dùng chung: Văn phòng UBND TPHCM (dữ liệu dịch vụ công), Cục Hải quan (dữ liệu xuất nhập khẩu), Sở Giao thông Vận tải (dữ liệu giao thông), Sở Quy hoạch – Kiến trúc (dữ liệu quy hoạch), Sở Xây dựng (dữ liệu xây dựng), Sở Tài nguyên và Môi trường (dữ liệu địa chính, địa hình), Sở Du lịch (dữ liệu về du lịch)…
Triển khai thí điểm các ứng dụng khai thác Kho dữ liệu dùng chung nhằm tăng cường các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp (ứng dụng khai thác dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, dữ liệu hộ kinh doanh cá thể, thí điểm cung cấp cho người dân và doanh nghiệp “dịch vụ cung cấp chủ động/tự động” theo mô hình cá nhân hóa và trợ lý ảo…).
Ngoài ra, sẽ triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung của thành phố, trước mắt là tích hợp các lớp dữ liệu về giao thông, bưu chính viễn thông, địa chính. Sau đó mở rộng thêm các lớp dữ liệu thuộc khối đô thị (Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường).
Đại diện UBND quận 12 – một trong số các quận huyện được TP chọn thực hiện thí điểm đề án, cho biết hiện nay quận đã hoàn thành dữ liệu cư dân thường trú trên địa bàn. Ngoài ra, UBND quận 12 cũng áp dụng một số phần mềm để quản lý, đánh giá chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức cũng như sự hài lòng của người dân đối với cán bộ giải quyết hồ sơ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, sau khi sơ kết giai đoạn 1 của đề án, TP sẽ tập trung triển khai giai đoạn 2 của đề án theo hình thức phát triển cao hơn, mở rộng hơn, như tiếp tục đầu tư mở rộng, hoàn thiện Trung tâm điều hành đô thị thông minh, bổ sung các cấu phần để phát huy hiệu quả cao nhất trung tâm và tiến đến “số hóa” trên một số lĩnh vực cụ thể như hộ tịch, dân cư… Tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu người dân, doanh nghiệp, nền địa hình, địa chính, triển khai bản đồ số dùng chung; mở rộng, hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở; tổ chức khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; các đơn vị thực hiện chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, tránh tình trạng số liệu không thống nhất và không đồng bộ.
Đỗ Trà Giang