Nâng cao nhận thức để tăng cường đầu tư sản xuất và sử dụng gạch không nung
Sáng 22/5, tại TP Cần Thơ, Ban quản lý Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” (BQLDA) phối hợp với Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức khai giảng và tiến hành 03 khóa đào tạo kiến thức nhằm tăng cường đầu tư sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Tham dự và khai mạc khóa đào tạo có ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; đại diện Lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ; trên 300 học viên đến từ 10 tỉnh/thành phố khu vực Tây Nam bộ gồm có Bạc Lưu, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Thành phố Cần Thơ. Các khóa đào tạo diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 27/5/2017 tại TP Cần Thơ.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng phát biểu tại lễ khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai giảng khóa đào tạo, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, các cấp chính quyền ở các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung; tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Sau 6 năm thực hiện Chương trình tính đến năm 2016, tổng công suất thiết kế của 03 loại sản phẩm chính là gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, sản xuất đạt khoảng 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng và đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Với sản lượng trên thì hàng năm nước ta tiết kiệm được 9,5 triệu m3 đất sét (tương đương 450ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 940 nghìn tấn than và giảm thải ra môi trường 3,6 triệu tấn CO2.
Sản xuất gạch không nung tiết kiệm được đất sét, than và giảm lượng lớn khí CO2.
Cũng theo ông Phạm Văn Bắc, mặc dù Chương trình phát triển VLXKN đã đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay kiến thức, nhận thức của các cơ quan quản lý địa phương, nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng VLXKN còn chưa đầy đủ, dẫn đến cản trở việc đưa sản phẩm gạch không nung GKN vào công trình xây dựng. Đặc biệt đối với các tỉnh miền Tây và Đồng bằng Sông Cửu Long thì việc phát triển và sử dụng GKN còn hạn chế so với nhu cầu, kế hoạch của Chương trình 567 và so với các địa phương khác trong cả nước.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chương trình đào tạo của Dự án nhằm nâng cao kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các cơ quan quản lý vật liệu xây dựng ở địa phương; doanh nghiệp sản xuất và sử dụng GKN, đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính. Các khóa học sẽ cung cấp một cách có hệ thống các kiến thức cơ bản, chính sách phát triển, tiêu chuẩn, quy chuẩn về gạch không nung; hướng dẫn lập dự án đầu tư sản xuất GKN, công nghệ sản xuất, thiết kế và thi công công trình sử dụng GKN.
Chương trình đào tạo được thực hiện bởi Vật liệu xây dựng với sự phối hợp của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Trường Đại học Xây dựng, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Chương trình đào tạo gồm 5 nội dung (mô-đun):
Mô-đun 1: Các kiến thức cơ bản về GKN, chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn về GKN
Mô-đun 2: Thiết kế và thi công công trình sử dụng GKN
Mô-đun 3: Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC)
Mô-đun 4: Công nghệ sản xuất gạch bê tông (CBB)
Mô-đun 5: Lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất GKN
Chương trình đào tạo dự kiến có 15 khóa, thực hiện trong 2 năm 2016 và 2017 với dự kiến khoảng 600 học viên tham gia.
Trong năm 2016 vừa qua, Dự án đã tổ chức 08 khóa đào tạo tại Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM với 352 học viên tham dự. Kế hoạch năm 2017 sẽ tổ chức 09 khóa đạo tạo tại Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang với khoảng 360 học viên tham dự. Đến nay, các khóa đào tạo mô-đun 1, mô-đun 2 và mô-đun 4 được tổ chức tại Cần Thơ đã thu hút sự đăng ký tham gia của gần 500 học viên, trong đó 300 học viên được mời tham dự với sự tài trợ của Dự án. Các khóa đào tạo tiếp theo của Dự án diễn ra từ ngày 19/6 đến 24/6/2017 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của 8 tỉnh/thành phố khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Học viên tham dự đến từ 10 tỉnh/thành phố khu vực Tây Nam bộ.
Ông Phạm Văn Bắc cảm ơn những đóng góp tích cực của Dự án với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong việc thúc đẩy Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời, ông Phạm Văn Bắc cảm ơn sự hỗ trợ của Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố khu vực phía Tây Nam Bộ đã giới thiệu, cử cán bộ tham gia khóa học và tin tưởng các khóa học sẽ mang đến cho các học viên kiến thức, kinh nghiệm có ích để sử dụng trong thực tế quản lý, sản xuất và sử dụng gạch không nung.
Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được thực hiện theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, do UNDP tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu. Dự án được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện. |
PV