Nam Chính đổi mới sau 10 năm xây dựng NTM
Nếu bạn có dịp về với vùng quê lúa Bắc Bộ, khung cảnh cây đa, chợ cóc, sân đình bên cạnh đầm sen xanh ngát, cánh đồng lúa tốt tươi là cảnh sắc của một vùng đã và đang có những dấu hiệu phát triển một cách bền vững. Nam Chính là một xã thuần nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, nhưng vẫn có những con người nhiệt huyết bám trụ, xây dựng những xóm làng tươi đẹp, giúp xã vươn lên về đích Nông thôn mới một cách nhanh chóng bằng chính nội lực của mình.
Hơn mười năm bắt tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Chính đã có được sức chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Cơ sở vật chất hoàn thiện, đồng bộ hóa ở tất cả các tiêu chí điện, đường, trạm. Đặc biệt công cuộc xây dựng đường giao thông nội thôn và kênh mương hóa nội đồng đã và đang phát huy hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng suất và giúp cho người dân đi lại thuận tiện. Cùng với đó là hệ thống trường lớp học từ mầm non đền cấp cơ sở được chú trọng xây mới khang trang, các công trình điểm bưu điện, nhà văn hóa các thôn được chú trọng cả về chất và lượng.
Không chỉ những người con xa quê mà cả những người đã và đang sinh sống tại quê hương đều có chung nhận xét: “Không chỉ riêng có xã Nam Chính mà hầu hết các xã trong huyện Tiền Hải – Thái Bình bây giờ đã và đang được đầu tư, chăm sóc rất khang trang. Đường đất của xã Nam Chính bây giờ đi lại quá thuận tiện, không còn lầy lội như xưa. Qua rồi cảnh những ngôi nhà tạm, những con đường lầy lội đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa cứ nghĩ bước ra đường là ớn. Bộ mặt quê hương đang dần khởi sắc, đời sống người dân nâng cao, có nhiều những ngôi nhà cao tầng mới hiện đại, môi trường được người dân quan tâm thu gom rác thải, vệ sinh một cách sạch sẽ. Bên cạnh đó các thiết chế như đình chùa, nhà thờ, cảnh quan của các thôn được chính quyền và nhân dân hết sức quan tâm, tu sửa, xây dựng một cách chu đáo, quê bây giờ thay đổi, sống thích hơn xưa nhiều”.
Có được bước chuyển mình mạnh mẽ ở một xã thuần nông, không có chợ, không có nghề phụ, chỉ thuần túy làm nông nghiệp, phụ thuộc vào cây lúa, nhân tố nào giúp Nam Chính vượt khó vươn lên? Đây là câu hỏi không chỉ người dân mà còn là nỗi trăn trở của chính quyền cấp xã. Trao đổi với PV Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trìu – Chủ tịch UBND xã cho biết: Nam Chính thực hiện chủ trương xây dựng NTM từ năm 2011, xã đã tiến hành thiết lập quy hoạch không gian tổng thể. Quy hoạch thủy lợi kênh mương hóa nội đồng, giao thông, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, đất ở, đất trồng cây hoa màu và đất lúa. Trong đó phải kể đến các tiêu chí dồn điền đổi thửa, giao thông nội thôn, vệ sinh môi trường nông thôn được nhân dân tham gia một cách tích cực. Khuyến khích phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ, khai thác tốt các diện tích cây hoa màu, dược liệu, phát triển chăn nuôi và đánh bắt thủy hải sản… Quá trình triển khai các tiêu chí NTM được diễn ra một cách minh bạch, công bố rộng rãi để nhân dân giám sát, lấy ý kiến từ cơ sở cho các nội dung cụ thể.
Kết quả từ việc huy động tốt các nguồn lực kể cả vốn ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đã giúp cho xã Nam Chính cán đích NTM tháng 5 năm 2018, đạt 14/18 tiêu chí. Thu nhập của người dân dần được nâng cao, nếu như năm 2017 mức thu nhập chỉ đạt 37 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 mức thu nhập tăng lên 50 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập tăng, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, những người trong độ tuổi lao động đều kiếm được việc làm ngay tại địa bàn huyện Tiền Hải, do huyện có thế mạnh về phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, xã cùng với các đoàn thể chú trọng và chăm sóc tốt hơn cho người có công cũng như những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thay đổi, chuyển biến là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của người dân. Làng quê đã có nhiều khởi sắc, có nhiều hơn những ngôi nhà 2-3 tầng khang trang, trường lớp được đầu tư bài bản đạt chuẩn giáo dục từ hệ thống mầm non đến các cấp học. Đặc biệt là tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã thực sự thay đổi. Trước đây người dân trong xã phải tích trữ nước mưa dùng để làm nước uống, vệ sinh tắm giặt dùng bằng nước ao hoặc giếng nhưng vẫn bị phèn (do thổ nhưỡng, vùng đất), từ khi xã có nhà máy nước không chỉ cung cấp 100% nước sạch cho người dân trên địa bàn xã mà còn cung cấp nước cho người dân trong khu vực.
Xã cũng chú trọng tôn tạo, khôi phục các công trình di tích đền, đình, chùa tạo dựng niềm tin tín ngưỡng cho người dân về đạo lý uống nước nhớ nguồn của ông cha. Đường giao thông liên thôn được nhân dân hiến đất mở rộng, không chỉ cứng hóa bê tông mà còn được chỉnh trang trồng cây xanh và hoa hai bên đường, kênh mương thông thoáng, rác thải được thu gom đúng nơi quy định, cảnh quan xanh sạch đẹp, tạo nên cảnh sắc một miền quê thanh bình, đáng sống.
Đạt chuẩn rồi nhưng để giữ và duy trì cũng là một trong những nội dung để chính quyền và người dân nêu cao quyết tâm cùng làm dần nâng cao các tiêu chí trong NTM. Vẫn còn một số các tiêu chí cần được tu bổ chỉnh trang để hoàn thiện tốt hơn như quy hoạch nghĩa trang xây cổng và trồng cây xanh, cần có lò đốt rác thải theo tiêu chuẩn, xã cũng mong muốn được tiếp tục cấp kinh phí, xi măng để nâng cấp một số tuyến đường, tạo điều kiện đấu giá đất để có nguồn đầu tư các công trình phúc lợi. Mong muốn những người con xa quê hương thành đạt ủng hộ đóng góp xây dựng xã ngày một giàu mạnh.
Lương Thủy