30/12/2022

Năm 2022, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%

(KTVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong năm 2022, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 02 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%; Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Sáng 30/12, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo thông tin một số kết quả nổi bật trong việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong năm 2022, Bộ đã xây dựng và hoàn thiện 2 hồ sơ Luật Nhà ở (sửa đổi) và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đồng thời, Bộ cũng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tập trung thực hiện công tác hoàn thiện thể chế và ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin tại buổi họp báo

Theo Thứ trưởng, việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó tổ chức các đoàn công tác làm việc với 16 tỉnh, thành phố trực thuộc TW để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Kết quả đạt được trong năm 2022, các địa phương đã khởi công được 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.802.932 m2. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Về việc ổn định thị trường bất động sản, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng có nhiều báo cáo gửi Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thủ tướng về đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Sau hội nghị, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng thành lập tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác đã tổ chức các buổi làm việc với 5 thành phố trực thuộc TW và các doanh nghiệp lớn để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn.

Bộ cũng tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ các quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao như: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng theo tiến độ chung.

Từ đó, các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Xây dựng năm 2022 đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8% – 8,5%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 2 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%; Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021.

Toàn cảnh cuộc họp

Về việc triển khai nhiệm vụ của ngành Xây dựng năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về xây dựng từ 6,5%-7%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42.6%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53.9%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người; Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn.

Bộ Xây dựng xác định, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; trong đó trọng tâm là các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Quản lý và phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước; Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc; quản lý phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị; vật liệu xây dựng; nhà ở và thị trường bất động sản.

Đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp và hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế.

Quang Tuyền