12/03/2018

Một số gợi mở về lý luận kiến trúc ở Việt Nam hiện nay

BỐI CẢNH ĐÔ THỊ HÓA

Lần đầu tiên trong lịch sử có tới hơn một nửa dân số thế giới (hơn 4 tỷ người) sống tại các khu vực đô thị. Con số sẽ tăng lên gần 5 tỷ người vào năm 2030 (UN-Habitat, 2008). Hơn 90% tăng trưởng đô thị diễn ra ở các nước đang phát triển như Việt Nam và tới năm 2030-2050, châu Á sẽ chiếm tới 63% dân số đô thị toàn cầu. Sự tăng trưởng dân số đô thị trên toàn thế giới đi kèm với sự gia tăng về số lượng và quy mô của các đô thị. Năm 2000, cả thế giới có khoảng 120 đô thị có dân số hơn 1 triệu người. Con số này  sẽ tăng hơn 160 đô thị vào năm 2015. Đến năm 2025, thế giới sẽ có 26 siêu đô thị (là các đô thị có hơn 10 triệu dân), trong số đó 12 siêu đô thị sẽ nằm ở châu Á, trong đó Việt Nam sẽ có 02 đô thị. Sự tăng trưởng đô thị tới 50% đang diễn ra ở các đô thị vừa và nhỏ, nơi sẽ tiếp nhận quá nửa số dân số đô thị mới gia tăng của Châu Á (WB Việt Nam).

Tính đến năm 2017, đô thị Việt Nam có 804 đô thị, 10 vùng đô thị hóa và 74.000 điểm dân cư nông thôn đang dịch chuyển theo hướng thị tứ hóa.

 Hiện nay, ước tính dân số đô thị VN là 42.000.000. Số liệu của viện Konrad Adenaur tại VN đưa ra đến 2030 sẽ là 70.840.000 dân đô thị, chiếm 70% chứ không phải là 46% theo Bộ Xây dựng. Nếu tính toán của Konrad Adenaur là sát thực tế thì khủng hoảng đô thị ở VN khó tránh khỏi do dân số tăng nhanh, nhưng hạ tầng đô thị, đặc biệt nhà ở, giao thông bằng phương tiện công cộng không thể theo kịp (70.840.000 triệu dân đô thị lấy đâu ra nguồn tài chính khổng lồ cho giao thông, điện, nước, chiếu sáng, trường học, bệnh viện…). Bằng cách nào để dòng di dân nông thôn ra đô thị không biến TP.HCM và Hà Nội thành các siêu thành phố khổng lồ ngột ngạt vì ô nhiễm và thiếu an sinh xã hội.

Đô thị hoá ở các nước đang phát triển như VN là sự chuyển đổi quan trọng nhất  dẫn đến tái cơ cấu các nền kinh tế-xã hội, và định dạng lại cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Bối cảnh đô thị hóa mới dẫn đến câu hỏi về Bộ mặt kiến trúc đại diện sẽ ra sao khi đô thị VN đang mắc phải 3 nhược điểm lớn tác động đến tổ chức không gian: chất lượng con người đô thị (văn hoá, trình độ lao động), chất lượng xây dựng (kiến trúc toàn cầu hóa và hạ tầng yếu kém), và căn bệnh liên tục bành trướng đô thị “bẩn” ra vành đai xanh ngoại vi, bất chấp tính bền vững.

tphcm4

SUY NGHĨ VỀ BẢN CHẤT CỦA KIẾN TRÚC

Kiến trúc như sản phẩm của xã hội – Tính đại diện

Các lý thuyết kiến trúc cơ bản đều đề cập đến kiến trúc như sản phẩm của xã hội và lịch sử. Những thay đổi của phong cách, thẩm mỹ và tổ chức kiến trúc đều có nguồn gốc từ mối quan hệ của cấu trúc kinh tế (nền sản xuất – xã hội) và từ đó là sự hình thành cấu trúc văn hoá nghệ thuật.

Khi xã hội dịch chuyển, xuất hiện những nhân tố mới, những trào lưu nghệ thuật có điều kiện phôi thai, được phát lộ và chịu tác động trực tiếp của cấu trúc chính trị – xã hội quy định nó. Mối quan hệ này thường không thực hiện trực tiếp mà theo những con đường phức tạp của quy luật thẩm mỹ – sự cảm nhận và tính đại diện.

Một tác phẩm nghệ thuật có phong cách thẩm mỹ khi có được phương thức biểu cảm riêng. Mặt khác, giá trị nghệ thuật được sáng tạo không vì số đông công chúng, cũng không phải do thói quen hay do sự nổi tiếng của tác giả. Chính điều đó buộc nghệ thuật luôn phải tự khẳng định thông qua một giá trị thẩm mỹ mới được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo.

Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian phục vụ cho con người, và nó cũng tuân thủ các quy luật thẩm mỹ đó, nhưng lại cần tuân thủ những yêu cầu đặc thù của chuyên ngành kiến trúc: Chức năng, các cấu trúc kỹ thuật, tổ chức không gian…

Kiến trúc được xã hội nhìn nhận như là các trào lưu, xu hướng đi đến phong cách thẩm mỹ có biểu cảm nghệ thuật, có thể dẫn đến một xúc cảm riêng biệt với những đặc tính xác định để được nhận diện. Phong cách hay xu hướng đó dần dần sẽ được chấp nhận rộng rãi và được khẳng định bằng một số tác phẩm, tác giả đặc trưng (có tính đại diện).

Về bản chất, nghệ thuật luôn đổi mới, luôn tìm kiếm những nguyên tắc mới, những nhu cầu mới, những hình thức thẩm mỹ và phong cách biểu hiện mới. Đó là động lực cho sự ra đời các trào lưu mới, dẫn đến sự thay đổi các phong cách nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử.

Theo quy luật trên, sự thay đổi các trào lưu nghệ thuật được khởi đầu và xác định bởi tập hợp những nguyên nhân sâu xa và phức tạp trong sự thay đổi các cấu trúc kinh tế, kỹ thuật, văn hoá và xã hội của mỗi thời đại.

 

Kiến trúc và tính  thời đại:

Từ quan điểm biện chứng của sự phát triển phong cách trong kiến trúc nhận thấy rõ rằng một KTS nhạy bén cần phải làm gì tại những thời kỳ nhất định. Cần phải sáng tạo trong tinh thần của thời đại mình, phải là cái ăng ten thâu tóm, tìm kiếm cái mới và tổng hợp chúng bằng những khả năng về kỹ thuật và vật liệu mới của thời đại mình để sáng tạo những tác phẩm kiến trúc mang thẩm mỹ mới.

Nắm bắt được các nguyên tắc phát triển trong kiến trúc cho chúng ta những tiêu chí quan trọng để xác định trào lưu hay đánh giá một kiến trúc tốt. Cùng với những phẩm chất khác, kiến trúc tốt là kiến trúc đáp ứng được một cách toàn diện tinh thần thẩm mỹ và những khả năng vật chất của thời đại. Vì vậy kiến trúc tốt sẽ trở thành giá trị và với thời gian trở nên phổ biến, được nâng lên thành phong cách kiến trúc – nghệ thuật của thời đại.

Từ đó rút ra hai kết luận: Thứ nhất, kiến trúc – nghệ thuật của thời đại không thể là sáng tạo cá nhân của một KTS đơn lẻ; Thứ hai, kiến trúc tốt phải mang hơi thể của thời đại mình.

Kiến trúc tốt tương ứng với thời đại luôn luôn chứa đựng những yếu tố mới và những nguyên tắc biểu hiện mới như là một khả năng tất yếu khách quan mà các giai đoạn trước đó chưa có, đồng thời nó cũng không chứa những yếu tố sẽ xuất hiện ở giai đoạn tiếp theo. Với ý nghĩa này, nếu một công trình kiến trúc làm ta xác định sai thời điểm ra đời thì có nghĩa là nó không tương ứng với thời đại của mình, và do vậy không đáp ứng được các nguyên tắc của một kiến trúc tốt. Đó là một nguyên tắc có giá trị chung cho toàn bộ lịch sử kiến trúc.

Kiến trúc và sự phát triển phong cách:

Trên phương diện lý thuyết phát triển phong cách, vấn đề đặc thù của bản thân mỗi phong cách kiến trúc là mối liên hệ với quá trình tự thân của nó khi chuyển qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Ia. Ghinsburg đã trình bày các giai đoạn phát triển của một phong cách kiến trúc như sau: “Nếu phân tích lịch sử các phong cách, rất khó nhận biết được quy luật và khẳng định đặc tính thẩm mỹ làm nên các tác phẩm kiến trúc lớn, chỉ có thể nhận biết qua ngôn ngữ của phong cách mới xuất hiện và các yếu tố của nó đã được biết đến rộng rãi. Trong kiến trúc, thời kỳ đầu (tuổi trẻ) của một phong cách là sự tối ưu hơn về cấu trúc kết cấu; Thời kỳ chín chắn (trưởng thành) là của tổ chức không gian và giai đoạn tột cùng của nó là thời kỳ trang trí” (1947). Raiseot đã chứng minh bằng 3 ví dụ về kiến trúc Gothic dựa vào 3 thời kỳ (kết cấu/tổ chức/trang trí) của một phong cách kiến trúc. Kể cả kiến trúc hiện đại cũng tuân theo quy luật có tính khách quan của chuỗi phong cách kiến trúc: Giai đoạn kiến tạo – Tectonique; Giai đoạn biểu hiện: chủ nghĩa Thô mộc – Brutalism; Giai đoạn chín muồi: chủ nghĩa Hiện đại – Modernism; Giai đoạn cuối cùng: tìm kiếm ngôn ngữ trang trí của Hậu hiện đại – Postmodernism. Dường như con đường của kiến trúc hiện đại cũng trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn khi nhìn từ quan điểm của quy luật phát triển phong cách kiến trúc – cho phép hiểu được sự tiến triển khách quan của kiến trúc hiện đại và chính vì thế ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các vấn đề lý thuyết và thực hành kiến trúc. Trong một phạm vi nhất định, nó còn tác động trực tiếp đến cách nhìn nhận các trào lưu thẩm mỹ kiến trúc và các KTS hiện đại.

Tại thời điểm khủng hoảng của kiến trúc hiện đại (1967-1993) chính kiến trúc hiện đại đang bước vào giai đoạn trang trí, được đặc trưng bởi sự xuất hiện và phát triển đồng thời của rất nhiều phong cách (hậu hiện đại, nệ cổ, kỹ thuật cao, giải toả kết cấu, chiết trung mới, hiện đại mới,..). Ta thấy dường như chúng được sinh ra trong sự mâu thuẫn hoặc quay lưng lại với chủ nghĩa hiện đại, gây nên tâm lý thiếu tin tưởng, phủ nhận, thậm chí thù địch công khai của xã hội. Từ thời điểm phức tạp này, không phải tất cả mọi xu hướng được hình thành đều là hướng đi đúng đắn trong kiến trúc. Và cũng chính từ điểm nhìn này, vấn đề chủ yếu được đặt ra là: phải chăng trong kiến trúc có những tiêu chuẩn khách quan nào đó có giá trị cho tất cả các phong cách, để dựa vào đó có thể đánh giá cái nào là nhân tố mớí (sẽ dẫn đến con đường phát triển và được khẳng định trong tương lai), cái nào là quá độ (thử nghiệm và dẫn tới ngõ cụt), cái nào là cách tân thực sự và cái nào sẽ bị lãng quên ngay ngày mai. Việc đi tìm những quy luật phát triển và tiêu chí  khách quan của phong cách có thể lý giải được phần lớn các câu hỏi.

Hàng loạt vấn đề cơ bản của kiến trúc được làm sáng tỏ dưới ánh sáng của lý thuyết phát triển phong cách: Hình thức và Nội dung, trang trí và thẩm mỹ kiến trúc, hình thức và chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc, quan niệm thẩm mỹ và thời đại,.. Trong thời đại chúng ta, các phong cách thay đổi nhanh chóng khiến cho người KTS không chỉ gắn bó với một phong cách duy  nhất. Vấn đề là thấu hiểu bản chất của phong cách và sự tiến bộ trong phong cách, KTS có thể tìm ra những giá trị thẩm mỹ mới phù hợp với thời đại và tương lai, cho ra đời những công trình gần với nghệ thuật đích thực.

Ngay cả vấn đề kiến trúc dân tộc, kiến trúc khu vực được nhìn nhận như sự tất yếu của quy luật vận động tìm các giá trị mới cho phát triển. Sự hiện diện của những quy luật phát triển phong cách trong kiến trúc cũng có thể dùng làm phương tiện giải toả các nút thắt khó gỡ của hàng loạt vấn đề phức tạp, rối rắm trong lý thuyết và thực tế kiến trúc hiện nay ở Việt Nam.

 KIẾN TRÚC VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI

 Kiến trúc hiện đại bắt đầu từ tư tưởng công nghiệp hoá ở Phương Tây đã nhanh chóng trở thành toàn cầu hoá, và trong lịch sử chưa có thời kỳ nào kiến trúc lan toả rộng rãi như vậy. Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ người sáng tác kiến trúc là một vấn đề không mới, nhưng sẽ làm sáng thêm một số con đường hiện đại hoá Kiến trúc Việt Nam.

Sau những năm 1940 và 1950 kiến trúc hiện đại vươn tầm ảnh hưởng đáng kể lên những quốc gia “kém phát triển” và ở đây chúng thường thiếu chất thơ và chiều sâu tư tưởng để có thể trở thành kiệt tác của trào lưu hiện đại. Chủ yếu những nước đang phát triển du nhập hình mẫu của “ phong cách quốc tế” do tính hợp lý trong sử dụng và xây dựng rẻ tiền. Kiến trúc hiện đại dạng này nhanh chóng đối lập với sự lạc hậu và chậm phát triển của truyền thống ở đó để tác động nhanh chóng lên xu hướng phát triển đô thị và kiến trúc địa phương.

Xu hướng hiện đại phát triển nhanh chóng trong thập niên 60, 70 (Đông Nam Á, Irắc, Nigieria) đã chuyển nền kinh tế nông thôn, nông nghiệp sang nền kinh tế đô thị và công nghiệp chỉ trong một thế hệ. Những phương tiện hiện đại (trong đó có kiến trúc hiện đại) du nhập từ bên ngoài đã gây nên sự đảo lộn giữa mới – cũ, đô thị – nông thôn về mặt văn hoá và xã hội. Cho đến nay các trung tâm đô thị đã mọc lên nhanh chóng trên thế giới và cả Đông Nam á dường như mang sắc thái của khu Manhanttan, New York hơn là sắc thái địa phương, dân tộc mà kiến trúc lịch sử của họ đã lưu truyền lại hàng ngàn năm trước.Trong suốt thế kỷ 20, kiến trúc hiện đại quốc tế đã tỏ rõ ưu điểm về kỹ thuật và hiệu quả trong hoạt động. Nhưng chúng lại xa lạ với cảnh quan văn hóa và cảnh quan tự nhiên của địa điểm. Yếu điểm này của kiến trúc quốc tế càng bộc lộ rõ khi kinh tế tăng trưởng, con người không chỉ cần một không gian tiện nghi mà lớn hơn cả là không gian tinh thần, không gian thẩm mỹ (điều mà kiến trúc truyền thống qua nhiều thế kỷ đã tạo dựng được).

 

Kiến trúc hiện đại có mặt tại Việt Nam – những thời kỳ đầu tiên rực rỡ:

 Sự thèm khát thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp của con người, địa điểm, sự gắn bó với một vùng đất làm con người hiện đại ngày càng hướng tới một nền kiến trúc địa phương nhưng vẫn khai thác hiệu quả các vấn đề về tổ chức chức năng và phương tiện kỹ thuật của kiến trúc hiện đại. Phải chăng đây cũng là tư tưởng chúng ta muốn hướng tới? Nền Kiến trúc Việt truyền thống nảy sinh từ cuộc sống cần lao nuôi dưỡng trong văn hoá làng xã hàng ngàn năm đã đạt được sự kết tinh của vẻ đẹp và sử dụng.

Căn tính của Kiến trúc Việt phải chăng là sự “kiệm lời, linh hoạt” trong tổ chức không gian, chức năng, biểu đạt tinh thần thẩm mỹ của sự hoà nhập – với thiên nhiên, cây cỏ, bầu trời.

Thử nhìn lại Kiến trúc Việt Nam những chặng đầu tiên tiếp xúc giao thoa với Kiến trúc hiện đại thế giới. Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925 đã đưa ra tôn chỉ đào tạo các nghệ sỹ, kiến trúc sư những hiểu biết về phương Tây (được hiểu là nghệ thuật hiện đại thời kỳ đầu) và cả phương Đông – như một phong cách bản địa và thực sự phải phát huy được “sức sáng tạo của Việt Nam” (theo Carinne D.M). Tư tưởng này đã làm nên một thế hệ kiến trúc sư thứ nhất ở Việt Nam với sự ra đời phong cách Đông Dương nổi tiếng (Indochina Style-KTS tiên phong Ernest Hébrard), để lại dấu ấn trong lịch sử Kiến trúc Việt Nam thời cận và hiện đại. Các kiến trúc sư thế hệ thứ nhất của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sử dụng kỹ thuật và vật liệu mới, nhưng không bao giờ xa rời vẻ đẹp mộc mạc, thanh tao của Kiến trúc Việt truyền thống, vốn chống lại sự màu mè, phô trương, nặng nề.

Thời kỳ hoà bình lập lại, kiến trúc miền Bắc VN có nền tảng xã hội chủ nghĩa với phương châm thiết kế: “Thích dụng, bền vững, mỹ quan trong điều kiện có thể”. Kiến trúc thời kỳ này có nhiều cống hiến khi  ra đời một phong cách trong sáng cô đọng , phù hợp với đời sống cán bộ công nhân viên chức XHCN, về thực chất gần gũi với kiến trúc công năng thời kỳ đầu.

Trong chiến tranh chống Mỹ, kiến trúc hiện đại vẫn phát triển ở nước ta thông qua các nguyên lý kiến trúc của trường phái Xô Viết, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, chú trọng đến công nghiệp hoá cấu kiện, tính thống nhất của hệ thống module và tiêu chuẩn hoá các loại hình kiến trúc. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng về học thuật để đào tạo và sáng tác kiến trúc. Kiến trúc Việt Nam. Thời kỳ này phát triển đầy đủ các loại hình thông dụng: trường học, nhà ở, chung cư, nhà văn hoá, trụ sở, bách hoá, nhà máy… với ngôn ngữ kiến trúc giản dị, ảnh hưởng bởi kiến trúc Liên Xô cũ (còn nhiều dấu vết ở cấu tạo mái và hệ thống panel sàn) các sáng tác kiến trúc tốt đều mang tính cơ bản của các nguyên tắc loại hình kiến trúc (typology) và thống nhất về phong cách (chủ yếu là các hình hộp chạy dài, ít trang trí như là các trường đại học, các chung cư lắp ghép tấm lớn…).

Ở miền Nam Việt Nam, những năm 50, 60 (thế kỷ 20) các kiến trúc sư thế hệ thứ hai của trường Mỹ thuật Đông Dương đã theo đuổi tư tưởng của thế hệ thứ nhất thông qua việc sử dụng tối đa nguyên tắc thiết kế khí hậu bản địa. Những công trình hiện đại như Dinh độc lập, đại sứ quán Mỹ, khu nhà ngân hàng cao tầng trên đường Nguyễn Huệ, đại học Y… đều có chung một ngôn ngữ của phong cách Kiến trúc hiện đại nhiệt đới nổi tiếng cả Đông Nam Á thời đó, tạo nên tính bản địa cao của Kiến trúc hiện đại Việt Nam. Thời kỳ này bằng kiến trúc của Trường ĐH kiến trúc Sài gòn có giá trị hành nghề quốc tế.

 

Từ thời kinh tế thị trường năm 1985 đến nay:

Từ thời kinh tế thị trường năm năm 1985 đến nay kiến trúc Việt Nam đổi thay mạnh mẽ. Đô thị hoá rộng khắp và các dự án mọc lên như nấm (sau 1996). Các loại hình kiến trúc của thời kỳ phát triển này là nhà chia lô, khách sạn, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp, chế xuất tập trung và các khu đô thị mới cao tầng. Nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí về công năng lại tụt hậu đáng kể so với thời kỳ trước. Ở các khu đô thị lớn, do hệ quả của dự án, thành phố đã bị xé lẻ thành những mảnh riêng biệt, ngôn ngữ kiến trúc vụn vặt chắp vá, tính tổng thể xưa kia vốn là nền tảng cho vẻ đẹp đô thị nay bị phá vỡ, làm tổn hại nặng nề đến bộ mặt thành phố. Có thể nói “thành phố đứt gãy” tương đồng với thuật ngữ “thành phố bị phá vỡ cấu trúc” đang đại diện cho kiến trúc đô thị thời mở cửa.

 

“Sau mở cửa năm 1985 giới kiến trúc tỏ ra lúng túng trước quá nhiều ngả đường thể hiện qua tính chất lai tạp Á – Âu, kim – cổ, không có sự nhất quán trong tư tưởng nhận thức thiết kế như thời kỳ trước. Cuối cùng, sau 20 năm kiến trúc sa vào chủ nghĩa hình thức lạc hậu và lãng phí” (KTS Tôn Đại). Nhiều hội chứng “kiến trúc Pháp”, “kiến trúc Thái”, “củ hành, củ tỏi”, mái úp, mái xoè mà như nhà lý luận kiến trúc W.Curtis đã bình luận “Các kiến trúc tạp nham xa lạ thời kỳ đổi mới ở Việt Nam có thể giải thích một phần nào do những tầng lớp mới phất muốn tách bản thân họ ra khỏi những giá trị quê hương họ để chạy theo văn hoá tiêu dùng phương Tây. Họ ham muốn những hình ảnh hào nhoáng, hợm hĩnh, dùng hàng nhái, hàng rởm để khẳng định vị trí riêng của họ. Tình trạng này giống như một số nước châu Mỹ Latinh thập niên 50, 60 của thế kỷ 20”.

Hệ quả của “sự bơ vơ” về tư duy đô thị hiện nay thể hiện sự hẫng hụt trong học thuật và lý luận đô thị, kiến trúc và văn hóa đô thị. Kiến trúc thời bao cấp không còn đáp ứng được xã hội. Kiến trúc mới chưa kịp ổn định thì gặp phải làn sóng dự án đầu tư vì mục đích thương mại, vùi lấp các khoảng sáng để lại nhiều khoảng trống và miền tối trong sự hình thành văn hóa mới trong đô thị.

Kiến trúc Việt Nam đổi thay mạnh mẽ. Đô thị hoá rộng khắp và các dự án mọc lên như nấm (sau 1996). Các loại hình kiến trúc của thời kỳ phát triển này là nhà chia lô, khách sạn, văn phòng cao tầng, siêu cao tầng có mặt cả kỹ thuật xây dựng tiên tiến nhất, khu công nghiệp, và các khu đô thị mới cao tầng. Nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí về công năng lại tụt hậu đáng kể so với thời kỳ trước.

 

LỐI RA CHO LÝ LUẬN KIẾN TRÚC

Kiến trúc là nghệ thuật duy nhất mang tính nhị nguyên: Vừa là sản phẩm của xã hội, của hoạt động con người; Đồng thời, lại là chủ thể kiến tạo môi trường  không gian bao chứa cho tất cả các hoạt động đó. Điều này tạo nên sự cao quí của Kiến trúc. Nói lên sự liên quan mật thiết và sâu xa của nó với con người bản địa

Kiến trúc hiện nay dường như đã biểu hiện rõ về nội hàm. Chủ nghĩa công năng đã mang đến sự hứa hẹn về cuộc cách mạng môi trường sống, sự lập lại trật tự đô thị và ổn định, rõ ràng trong tổ chức cuộc sống. Nhưng nó đã không thực hiện được ý định tốt đẹp đó. Con người đã tạo ra những thành phố mới khổng lồ, với tốc độ xây dựng đáng kinh ngạc (12 thành phố lên tới 25 triệu dân năm 2030-Dự báo của WB). Ở những thành phố đó, chúng ta tưởng rằng có thể tổ chức cuộc sống hợp lý hơn sự thiếu trật tự ở các thành phố lịch sử đã cũ kỹ. Trong “Luận cương về kiến trúc” nổi tiếng của mình, Le Corbusier đã viết: “Kiến trúc hay là Cách mạng” và ông đã đưa ra ý tưởng thiết kế thành phố vườn với các đường phố rộng và thẳng, các khối nhà dài 200m chìm trong cây xanh có thiết kế bên trong thật rõ ràng, hợp lý, đưa sinh hoạt đường phố vào những tòa nhà đó. “Ông vẽ một thành phố thuần nhất cao bằng quá khứ” (KTS Portzamparc – giải Pritzker 1994). Thật là lý thú biết bao khi nhìn điều đó từ thời điểm 1922. Nhưng cũng thật khủng khiếp nếu nhìn từ ngày nay, sau khi chúng ta đã thử đưa tất cả điều đó vào thực tế. Những Complex nhà ở khổng lồ, cùng khuôn mẫu với những ngôi nhà dài 200m có mặt ở mọi nơi trên thế giới với thẩm mỹ của “phong cách quốc tế”, và ở khắp những nơi đó, con người đều gặp phải khó khăn như nhau trong việc định hướng và sinh sống, bởi kiến trúc chỉ thuận tiện với giao thông cơ giới. Chúng xa lạ với hầu hết lối sống bản địa mặc dù chúng “trật tự” hơn, nhưng đánh mất sự giao tiếp, việc làm tại chỗ mà các con phố cũ đã tạo ra rất tốt. Sau hơn 30 năm, thực tế đã chỉ ra rằng không một đô thị mới nào lại tạo ra một môi trường sống có thể so sánh với môi trường của các thành phố cũ, được hình thành từ từ qua nhiều thế kỷ. Sự đánh mất văn hoá, tinh thần và nhân bản trong những thành phố thế kỷ 20 đã tạo ra môi trường sống với những khuyết tật bẩm sinh – xa lạ với bản chất con người, sự hãnh tiến, tiêu thụ năng lượng thái quá, ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm cao, nhiều người nghèo đô thị hơn. Và không phải ngẫu nhiên mà đây đó người ta bắt đầu phá hủy các block nhà ở được xây dựng để lấy mặt bằng cho các ngôi nhà mới thấp tầng có thiên nhiên bao quanh, hoặc xây dựng những ngôi nhà sinh thái cao tầng. Kiến trúc đang tìm cách trở về cội nguồn văn hóa và con người.

Cũng xin từ nền tảng văn hóa, địa lý, khí hậu để thử vài ba suy nghĩ cho giới chuyên môn chúng ta có thể tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho đô thị – kiến trúc VIệt Nam:

1, Mở ra sự đa dạng của kiến trúc VN: Phải chăng đã đến lúc cần phải nghiên cứu và thiết kế vì sự đa dạng của kiến trúc Việt Nam? Vốn sinh ra từ nền tảng địa lý – nhân văn rất khác biệt theo vĩ tuyến suốt  Bắc – Trung – Nam dài 3000km;  Chiều ngang hạn hẹp theo kinh tuyến ỏ mỗi miền đều qua núi cao, trung du, đồng bằng, duyên hải, có khí hậu, môi sinh riêng do các vùng sinh thái không đồng nhất (mà trời cho chúng ta thật hào phóng). Tính đa dạng làm chỗ dựa cho nền kiến trúc phong phú, nhiều sắc thái, có chung động lực của công nghệ – kỹ thuật, vật liệu mới sẽ tạo nên ngôn ngữ thống nhất của Hiện đại – Bản địa.

2, Nhỏ là Đẹp? Trong đô thị liệu có nên thay thế dạng đô thị mà đặc trưng là Phố và Nhà phố, thuộc về phương thức sinh sống nhỏ, mà đặc trưng là kinh tế hộ gia đình bền vững (bám vào các trục lộ, mặt nhà, hè phố, lòng đường để buôn bán) vốn là bản chất của người Việt (chắc còn tồn tại khá lâu nữa)? Liệu kiểu dự án các Khu đô thị – phòng ngủ như hiện nay, thiếu vắng việc làm và dịch vụ đời sống thiết yếu tại chỗ, chúng có làm nên kiểu “kiến trúc mì ăn liền” bạt ngàn trong các thành phố hiện nay làm nản lòng các KTS vốn muốn có những tác phẩm để đời? Hay chúng ta lại quay về với sự “Nhỏ là Đẹp” của không gian phố xưa nhà cũ?

  3, Tiếp cận sinh thái học để tạo các “Ego” cá tính nghệ thuật

Con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể sinh học – xã hội (Biosocial), cái sinh học nền tảng của nó biến đổi theo cái xã hội ở những mức độ nhất định, nhưng cái xã hội cũng bị quy định trong những giới hạn sinh học, dù những giới hạn này không cố định;

Như vậy, một không gian xã hội phù hợp nhất với con người, có nhân bản không phải là một xã hội chỉ cần dọn dẹp môi trường chung quanh để thích hợp với “tính tăng trưởng” của nó. Cũng không phải là một xã hội khuôn theo những công thức lý tưởng nào đó nhân danh chính quyền áp đặt những công thức đô thị và giới kiến trúc chỉ có việc là “nhào nặn lại” cho thích hợp. Một nền kiến trúc đạt được tính nghệ thuật cần được tổ chức sao cho những bản tính tự nhiên của con người tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những không gian sống tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi cá nhân con người – mà chủ nghĩa nhân văn mới gọi là các “Ego cá nhân’ sáng tạo, độc lập để kết nối thành các “Ego cộng đồng” văn minh của đô thị. Muốn như vậy, kiến trúc mới phải có tư duy phát triển xứng với sự chờ đợi của  con người nhân văn mới.

Cũng chính vì như vậy, chúng ta đang ở vận hội mới của Kiến trúc thế giới khi nền văn minh tri thức đã lộ diện. Biết bao nhiêu sáng tạo của con người đã thay đổi tận cội rễ đời sống. Không gian và thời gian sống dường như mở rộng, trải nghiệm dài hơn với mỗi người qua màn hình tivi, internet và tốc độ đi lại… Không gian kiến trúc đã được giải phóng khỏi các bức tường và khẩu độ của dầm bê tông bằng công nghệ mới, vật liệu nhẹ, thông minh và đa năng… Mục đích là mang lại cho con người các giải pháp tiết kiệm tối đa năng lượng, nước sạch, tài nguyên và… thật nhiều không khí, cây xanh, sức khoẻ. Sao chúng ta không đi vào xu hướng này? Thi xem ai sáng tạo ra các toà nhà dùng ít năng lượng nhất, có nhiều sáng kiến để chống lại các bất lợi khí hậu và tiết kiệm tài nguyên. Xem ngôi nhà nào thông minh nhất ở biển, ở núi cao, ở khu đô thị chật chội, những ngôi nhà có khả năng tự điều chỉnh thích ứng với môi trường bên ngoài với tên gọi khiêm nhường nhưng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc: “Nhà cacbon thấp”, “Nhà sinh thái mới”, “Nhà xanh”.

Hay đây là những ý tưởng xa xỉ với kiến trúc Việt đang chạy theo thị hiếu của thị trường kiến trúc đang bị thương mại hóa quá mức?

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục