Môi trường đô thị di sản
Trong quá trình phát triển, các đô thị trên khắp cả nước đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và không khí. Với các đô thị có tiềm năng về du lịch, nguy cơ về sự xuống cấp môi trường sống lại càng lớn. Nhìn ngay hai đô thị Huế và Đà Lạt, dễ nhận ra những điều này.
Mối lo giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị Huế
Huế là một thành phố cấp quốc gia, một đô thị loại 1, thành phố Festival của Việt Nam. Từ vị trí được xác lập, Huế phát triển không chỉ cho Huế mà còn vì miền Trung và cả nước.
Những năm lại đây, Huế đang dồn sức duy trì tốc độ phát triển kinh tế, với tăng trưởng hàng năm là 2 con số. Tuy vậy, để duy trì và kiểm soát nó là điều không dễ, thậm chí muốn hạ nhiệt cũng không được. Những thách thức với Huế, đang dần lộ ra và ngày càng trở nên gay gắt.
Huế, mùa mưa lũ lụt là điều bình thường. Thiệt hại do lũ lụt gây ra hằng năm là rất lớn, chưa nói người chết nhà sập, chỉ với đường xá cầu cống và hệ thống di sản Huế là đã khó tính toán cho hết.
Để thoát lũ ở Huế, hai vấn đề phải được giải quyết: đó là chỉnh trị Sông Hương và thoát nước bề mặt của đô thị.
Theo các nhà nghiên cứu, cùng với việc khơi thông dòng chảy sông Hương, quá trình đô thị hóa đã làm cho hệ thống thoát nước bề mặt không còn phù hợp. Nhiều vùng dân cư trước đây không bao giờ biết đến lũ lụt, nay mới mưa đã ngập úng. Và bản đồ vùng ngập úng ngày càng mở rộng kèm theo quá trình đô thị hóa.
Huế là một đô thị lớn, chỉ riêng với di sản triều Nguyễn Huế đã thể hiện tính đồ sộ của mình. Do vậy, bài toán đặt ra cho Huế là vừa phải bảo tồn di sản vừa phát triển đô thị Huế hài hòa và tương xứng với đô thị cổ. Điều đáng nói, là di sản đô thị cổ lại là những nơi hấp dẫn các nhà đầu tư, và luôn là nỗi lúng túng của những nhà quản lý với tâm trạng nôn nóng.
Cũng trong tình trạng như vậy, thành phố Đà Lạt vốn được biết đến là một khu nghỉ dưỡng có khí hậu rất tốt nhất Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây, đô thị nghỉ dưỡng này cũng đang “bốc hỏa” trước tốc độ phát triển chóng mặt của hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc người dân đô thị sử dụng thái quá các nguồn năng lượng và di dân với tốc độ lớn. Khi năng lượng được “đốt” quá nhiều sẽ khiến tiêu hao nhiều tài nguyên, thải nhiều chất thải ra môi trường. Ngay việc chia nhỏ đất đai, bê tông hóa mặt đất, sử dụng các phương tiện điều hòa không khí nhân tạo… đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.
Hơn 5 năm trước, đã có một “Ý tưởng quy hoạch chung cho thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” với mô hình mà các chuyên gia Pháp và Bỉ đưa ra và được hình dung vào năm 2030 như sau: Thành phố Đà Lạt hiện hữu với hơn 350km2 và 200.000 dân được giữ nguyên, chỉ chỉnh trang và nâng cấp có tính toán, còn sẽ phát triển rất nhiều các thành phố vệ tinh, các khu nghỉ dưỡng, các khu dân cư đô thị, các thị trấn phân tán trên một diện tích cực lớn, chừng 3.300km2 (lớn hơn diện tích Hà Nội, TP.HCM). Nếu thực hiện theo kịch bản này, Đà Lạt sẽ “giữ được mình”, sẽ là một thành phố trong rừng, điểm đến của du khách khắp nơi.
Thế nhưng, điều đó đã không thành hiện thực. Đô thị không máy lạnh, đô thị mờ sương, giờ chỉ còn trong ký ức!
Giữ cân bằng tự nhiên
Huế – thành phố Festival của Việt Nam – là thành phố du lịch. Thế nhưng, việc ứng xử sự với thành phố này mà không có những chuẩn bị chu đáo, lợi thế đôi lúc trở thành trở lực. Bởi thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thi thoảng bắt gặp các phát biểu của các nhà quản lý: Huế đụng đâu cũng di sản. Và khi đã đụng đến di sản, thường gặp phản ứng gay gắt của dư luận.
Vấn đề đặt ra đối với Huế là, cùng với việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ là xúc tiến quy hoạch chi tiết các vùng nhạy cảm, theo hướng vừa trùng tu tôn tạo bảo vệ giá trị di sản vừa khai thác di sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Có quy hoạch chi tiết rồi chúng ta mạnh dạn mời gọi các nhà đầu tư. Đó mới chính là tâm huyết, bản lĩnh của những nhà quản lý.
Ở Đà Lạt cũng thế. Trên nền đô thị Đà Lạt hiện hữu, nếu xây dựng mới một hệ thống giao thông phủ khắp thành phố mới, cho dù chỉ là đường giao thông cấp 2, cấp 3, nó cũng sẽ “góp công lớn” làm thay đổi hệ sinh thái của khu vực này từ cân bằng tự nhiên sang mất cân bằng cưỡng bức. Việc bê tông hóa bề mặt các công trình xây dựng sẽ diễn ra và như thế càng làm cho khí hậu nóng lên. Khi đó, các khách sạn, nhà hàng sẽ tăng công suất sử dụng máy lạnh. Và thế là ô nhiễm càng tăng ô nhiễm. Không khí của Đà Lạt sẽ ngày càng ngột ngạt.
Theo các chuyên gia, thứ tài nguyên được coi là hấp dẫn nhất của Đà Lạt là khí hậu lạnh, cảnh quan thơ mộng. Thế nên, nếu gia tăng áp lực dân số cho đô thị này, sẽ diễn ra một kịch bản y hệt như đã diễn ra ở các thành phố khác đó là phân lô bán nền, tàn phá tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Khi đó, Đà Lạt sẽ hết giá trị, sứ mệnh “Paris nhỏ” chấm dứt, để biến thành một thị tứ bụi bặm, ồn ào, nóng bức như bất kỳ thị tứ hiện hữu nào khác ở Việt Nam.
Phát triển nhanh đã khó, nhưng chất lượng và sự bền vững mới chính là thách thức đặt ra với hai đô thị Huế và Đà Lạt.
Ngọc Lý/Báo Tài nguyên Môi trường