15/12/2016

Mới chỉ 1% chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo, xây dựng lại

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo, theo Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ và phù hợp với hiện trạng quản lý sử dụng nhà ở chung cư cũ trên địa bàn.


Một khu tập thể cũ nằm trên đường Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nghị định nêu rõ sự cần thiết, thực trạng, dân số, mục đích, yêu cầu an sinh tại các khu chung cư, thực trạng tham gia của các nhà đầu tư trong thời gian qua, xác định tiêu chí các khu chung cư cũ cần được cải tạo, giải pháp, lộ trình triển khai và tổ chức thực hiện, báo cáo thành phố trước ngày 31/12/2016.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, trước ngày 20/12/2016, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, cùng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân các quận sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo chung về nguyên tắc xác định ranh giới các khu chung cư cũ để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư cũ (xác định đối với khu chung cư cũ, khu chung cư cũ có nhà ở cũ xen kẽ, nhà chung cư đơn lẻ) và định hướng quy hoạch-kiến trúc để làm căn cứ hướng dẫn các đơn vị được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ và xác định mốc thời gian hoàn thành.

Cùng với đó, Sở Xây dựng chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng, cơ chế, chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ; đồng thời hoàn thiện cơ chế, dự thảo tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đối với các nội dung đặc thù theo thẩm quyền quyết định, thực hiện xong trước ngày 31/1/2017.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện ở tốt hơn cho một bộ phận người dân và dần tạo bộ mặt đô thị mới văn minh, hiện đại. Song, hầu hết các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn Thủ đô không thể thực hiện đúng tiến độ. Thậm chí, có dự án khởi công hàng chục năm vẫn “giậm chân tại chỗ,” trong đó, mấu chốt vẫn là mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Hiện, toàn thành phố mới xây dựng, cải tạo lại được khoảng 1% trong tổng số 1.516 chung cư cũ. Thực trạng và những bất cập này đòi hỏi nhà nước và thành phố cần phải chung tay xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp, giải quyết được vấn đề bản chất còn vướng mắc hiện nay để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo chung cư cũ.

Theo MINH NGHĨA (TTXVN/VIETNAM+)