28/09/2021

Mô hình ‘thành phố 15 phút’ tạo ra các pháo đài chống dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động chưa từng có tiền lệ với nền kinh tế – xã hội của cả nhân loại, khiến cả thế giới phải bình tĩnh lại, trải nghiệm “kỳ nghỉ tại chỗ bắt buộc” và suy ngẫm tương lai sau dịch.

Dân cư chủ động yêu cầu đơn vị y tế xét nghiệm sàng lọc

Việc thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành động là điều bắt buộc phải làm trong tất cả các lĩnh vực từ hệ thống chính trị đến cấu trúc kinh tế, từ hoạt động tôn giáo đến y tế – giáo dục,… vì một thế giới an toàn hơn. Các cơ quan ban, ngành cùng các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị cần có những thay đổi thiết yếu vì một thành phố bền vững hơn, không chỉ về tổ chức không gian, mà cả về đời sống xã hội, bởi lẽ những đại dịch như thế này nhất định sẽ lại xuất hiện trong tương lai.

Đối mặt Covid-19, các khu dân cư đô thị bắt đầu bộc lộ ra điểm yếu

Trước hết, trạm y tế – nơi “chăm sóc sức khỏe” cho người dân vốn đã không đủ quy mô, diện tích, trang thiết bị để phòng chống dịch bệnh. Khi đối mặt với dịch bệnh, các công việc khám sàng lọc hay tiêm chủng đều phải đi mượn cơ sở vật chất của các đơn vị khác trên địa bàn. (Theo QCXD VN01:2021 Tiêu chuẩn dành cho trạm y tế cấp đơn vị ở có quy mô ≥500 m2/trạm, tuy nhiên trong thực tế sử dụng kém hiệu quả, không đáp ứng được trước dịch bệnh).

Tiêm vắc xin tại nhà thi đấu ở Hà Nội

Bên cạnh đó, thiếu chợ đang là vấn đề cấp bách. Các khu “chợ đuổi”, các cửa hàng ăn uống tư nhân phần lớn đều mọc lên một cách tự phát thiếu kiểm soát. Khi đối mặt với dịch bệnh dễ dàng biến thành ổ lây nhiễm.
Đồng thời, khi khoanh vùng cách ly theo các khu vực dân cư thì lại không hợp lý, dân cư phải đi chợ quá xa hoặc khu bên cạnh. (Theo QCXD VN01:2021Tiêu chuẩn dành cho chợ cấp đơn vị ở có quy mô ≥ 2.000 m2/chợ, cần thiết được phân chia tới cấp phục vụ nhóm nhà ở).

“Chợ đuổi” hình thành tự phát

Ngoài ra, sự thỏa hiệp của “văn hóa nhà ống” khiến các khu vực đô thị bị xây dựng với mật độ cao, không có cảnh quan, không tiện ích công cộng, không mảng xanh, vỉa hè, công viên, không bãi đỗ xe, trường học, nơi giải trí… trở thành những “nhà giam” chính chủ trong thời gian dãn cách xã hội.

“Văn hóa nhà ống”

Chưa kể, mạng lưới giao thông ở các khu dân cư cũ thiếu phân cấp, quá nhiều “mê lộ” giao cắt lộn xộn không theo khu vực, khiến cho công tác phòng chống dịch, khoanh vùng cách ly, giãn cách xã hội trở nên bất khả thi.

“Mê lộ” ngõ hẻm

Những xu hướng biến đổi trong các khu dân cư đô thị

* Ý tưởng “thành phố 15 phút”
Những ý tưởng “thành phố 15 phút”, “khu dân cư 20 phút” hay “vòng tròn cộng đồng 15 phút” đề cập về viễn cảnh xây dựng khu dân cư nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là đưa nơi làm việc về gần nhà để khỏi phải lo dậy sớm đi làm, tắc đường, chen lấn trên tàu điện, xe buýt,…
Mô hình “thành phố 15 phút” xuất hiện từ vài năm trước nhưng được biết đến nhiều hơn vào năm 2019 khi nữ Thị trưởng Paris (Pháp) lấy đây làm một trong những nội dung chính cho chiến lược phát triển thành phố. Bà mong muốn người dân có thể thỏa mãn mọi nhu cầu từ văn hóa, giải trí, làm việc, khám chữa bệnh, mua sắm… trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc xe đạp.

“thành phố 15 phút” Paris

Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ buộc các tỉnh thành, bất kể quy mô lớn nhỏ, đều phải hạn chế giao thương, những ý tưởng như “thành phố 15 phút” có đà để đẩy mạnh. Giảm thời gian đi lại, con người sẽ có thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống yên bình hơn.
Đồng thời, khi người dân không còn chăm chăm dồn đến trung tâm, vùng ven đô sẽ có thêm động lực để trẻ hóa và hồi sinh, trở thành những nơi hòa nhập và năng động. Những sáng kiến này đang được nhân rộng và hưởng ứng trên toàn thế giới.
* Thay đổi tiêu chí lựa chọn “nơi đáng sống”
Đại dịch đã mang lại những thay đổi rõ rệt về quan điểm của người dân về nơi sinh sống. Trước nguy cơ mất việc làm, thu nhập, thiếu thốn lương thực, rất nhiều người đã rời bỏ thành phố tạo thành trào lưu “bỏ phố về làng”, để được sống trong những không gian rộng rãi hơn, trong lành hơn và gần nguồn lương thực thực phẩm sẽ tạo cảm giác an toàn hơn. Những người dân còn lại do vấn đề công ăn việc làm, con cái học hành nên vẫn lựa chọn bám trụ tại các thành phố.
Đa số người dân đã quá bức bối trong thời gian giãn cách xã hội khi phải làm việc một thời gian dài trong những căn hộ, ngôi nhà chật hẹp không có khoảng xanh, không có các tiện ích: siêu thị, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Vườn rau sân thượng

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lương thực thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng gà,… đang truyền cảm hứng cho các gia đình làm “nông nghiệp tại gia” ngày càng nhiều hơn. Nhu cầu sở hữu một nơi ở rộng rãi để có khoảng không gian làm vườn rau nhỏ, tự tay nuôi gà lấy trứng để phục vụ nhu cầu thực phẩm tươi sạch tại nhà đang là trào lưu được nhiều gia đình hưởng ứng, nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm với nhau trên các trang mạng xã hội.
Do đó, phần lớn người dân đô thị đều có nhu cầu sở hữu một ngôi nhà rộng rãi, sống trong một khu vực được quy hoạch tốt có môi trường sống xanh, cung cấp đa dạng tiện ích thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế và các không gian công cộng ngoài trời. Thay vì là lựa chọn các ngôi nhà mặt phố, kinh doanh, cho thuê hay là có vị trí đắc địa như trước đây.

Vườn cộng đồng

Sự chuyển dịch trong nhu cầu này bắt đầu được ghi nhận vào cuối năm 2020, do các lệnh giãn cách xã hội kéo dài đã bắt đầu khiến người ta cân nhắc lại về địa điểm họ sẽ sống trong tương lai. Dịch bệnh sẽ khiến người ta nhìn nhận rõ nhược điểm của “văn hóa nhà ống”.
Sự “tiến hóa” của các khu dân cư thích ứng với dịch bệnh
Đối mặt với dịch bệnh các khu dân cư khép kín, quy mô nhỏ đã có sự “tiến hóa” bất đắc dĩ. Vai trò của cộng đồng và tổ dân phố trở nên vô cùng quan trọng, cùng chung tay hành động quyết liệt trong việc tăng cường kiểm soát người từ nơi khác đến nhằm mục đích bảo vệ “Vùng xanh” trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Dân cư tự thành lập chốt kiểm soát “vùng xanh”

Các khu dân cư có quy mô nhỏ khép kín, có lối đi riêng, có hệ thống giao thông riêng, có khuôn viên cây xanh vườn hoa, có một số tiện ích cơ bản: cửa hàng tạp hóa, nhà gửi trẻ, sân chơi chung… trở thành những “pháo đài” kiên cố chống lại bệnh dịch.
Bên trong những “pháo đài” đó, người dân vẫn có thể sinh hoạt một cách bình tĩnh, vẫn có những khoảng không gian xanh để hít thở, vận động và giải tỏa bức bối khi phải ở trong nhà một khoảng thời gian dài giãn cách xã hội. Người dân có khả năng tự cung tự cấp, hỗ trợ lẫn nhau về lương thực – thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, sửa chữa máy móc đồ gia dụng, cắt tóc,… người có quê thì cung cấp lương thực, người có nghề máy móc thì sửa chữa đồ dùng, người giỏi công nghệ thì hỗ trợ làm việc từ xa và học từ xa cho trẻ em khi cần… ai thạo việc gì sẽ giúp việc đó.

Hàng xóm tự cắt tóc cho nhau

Nó mang ý nghĩa giống như mô hình “Xã hội không tưởng” mà nhà xã hội học người Anh Robert Owen đã đề xuất cách đây hơn 200 năm, một xã hội gắn kết, công bằng và bình đẳng.
Điểm tên sẽ thấy khá nhiều các khu dân cư như vậy ở Hà Nội: khu chung cư 54, Khương Thượng, Thành Công, Ngọc Khánh… mặc dù một số khu dân cư đang nằm trong vùng đỏ của bản đồ COVID-19, nhưng lại là những “pháo đài” vững chắc trước làn sóng dịch bệnh.

“Tương lai sau đại dịch Covid-19”

Năm 1929, quy hoạch gia Clarence Perry đã đưa ra mô hình “Đơn vị láng giềng” (neighborhood unit). Mô hình không chỉ áp dụng đối với các khu dân cư ngoại ô có mật độ thấp mà còn có thể áp dụng rộng rãi cả đối với các khu chung cư và khu dân cư nhỏ.
Mục tiêu đưa các công trình dịch vụ công cộng cơ bản về phạm vi các khu dân cư nơi họ sinh sống, nhằm tạo ra những khu dân cư an toàn, có ranh giới và đặc trưng rõ rệt, khuyến khích sự tương tác giữa người dân với nhau và nơi họ sinh sống.

Mô hình đề xuất “không gian công cộng thiết yếu”

Mô hình “Đơn vị láng giềng” đã và đang là nền tảng tính toán trong hệ thống quy hoạch đô thị ở Việt Nam, tuy nhiên khi vận dụng vào thực tiễn đối với các khu vực dân cư hiện có trong đô thị thì gặp phải nhiều khó khăn như: quỹ đất ko đủ dành cho các công trình công cộng, cây xanh,.. thậm chí là chức năng cứng nhắc của các công trình phục vụ công cộng không đáp ứng được những biến đổi liên tục của nhu cầu dân cư.
Những khó khăn đó cần được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với đặc thù từng địa bàn cụ thể, cùng với nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư nhằm tạo ra những nhóm nhà ở bền vững có khả năng chống chịu trước dịch bệnh như COVID-19.
Năm 2020, Liên minh các lãnh đạo của 100 đô thị trên toàn cầu (C40 Citites) đã lên Chương trình Nghị sự về việc hồi phục các thành phố hậu Covid-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững. Họ thừa nhận, yếu tố cốt lõi để hồi phục, tránh thảm hoạ kinh tế đó là quay về phát triển củng cố sức mạnh bên trong thành phố.

Không gian xanh

Để cụ thể hóa điều đó cần phải củng cố sức mạnh từ những đơn vị đô thị nhỏ nhất đó là nhóm nhà ở:
Thứ nhất, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư làm nền tảng cho các tính toán quy hoạch xây dựng. Cần thiết tăng cường vai trò của cộng đồng trở thành các khung pháp lý trong công tác lập quy hoạch và giám sát quá trình xây dựng trên địa bàn. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như: Hà Lan, Đức, Pháp, Nhật Bản,… trên thế giới. Trong thực tiễn nhiều khu vực dân cư rất tích cực trong vai trò kiểm tra, giám sát và đạt được những hiệu quả rất tốt.
Thứ hai, “không gian công cộng thiết yếu” với các tiện ích đô thị như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chợ, các không gian xanh, vườn cộng đồng,… cần được nghiên cứu tính toán bổ sung linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn cụ thể, nhằm đáp ứng đủ mọi nhu cầu ngay trong khu dân cư, từ đó mỗi khu dân cư sẽ có đủ điều kiện sẵn sàng đối phó lâu dài với đại dịch COVID-19.
Thứ ba, nghiên cứu chiến lược xóa bỏ “văn hóa nhà ống”, thay vào đó là các mô hình nhà ở có sân vườn nâng cao chất lượng sống cho người dân, tăng cường sân vườn trồng rau trên mái và mặt đứng, hệ thống năng lượng mặt trời và trữ nước mưa, tăng cường khả năng tự cung tự cấp cho các hộ gia đình.
Thứ tư, phát triển hệ thống hạ tầng xanh: năng lượng mặt trời, bể trữ nước mưa,… Phân cấp mạng lưới giao thông rõ ràng, đúng cấp bậc, ưu tiên mạng giao thông cụt, răng lược kết hợp với đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp.
Tóm lại, yếu tố cốt lõi nhất chính là tư duy quy hoạch đô thị. Nếu chính quyền không thể phối hợp cùng cộng đồng dân cư để tạo ra những đơn vị tự chủ sinh thái, thì người dân vẫn sẽ theo lối mòn cũ, đó là sống ở một nơi nhưng đổ về khu trung tâm làm việc, giải trí mỗi ngày và sụp đổ khi có sự tấn công của dịch bệnh như Covid-19.

Ths.KTS Nghiêm Quốc Cường – Giảng viên khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội/Báo Thanh niên