15/09/2020

Mô hình làng di sản – du lịch trong các làng xã khu vực đồng bằng sông Hồng

Định hướng phát triển du lịch, khai thác các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống đã được xác định trong chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, định hướng quy hoạch du lịch của nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên đến nay (2019) có rất ít những làng thành công, cơ bản tại các làng nghề hoạt động du lich còn nhỏ, lẻ, mang tính tự phát. Thay đổi cách thức khai thác các giá trị văn hóa nghề hiện nay đang tự phát, manh mún, không chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, coi du lịch là yếu tố “ăn theo” của phát triển nghề, tạo ra nhiều mâu thuẫn về môi trường, không gian giữa hoạt động sản xuất nghề và hoạt động du lịch. Đề xuất mô hình Làng nghề- Du lịch với các giải pháp đồng bộ như một mô hình mới khả thi, bền vững trong việc khai thác hiệu quả các tiềm năng văn hóa của các làng nghề truyền thống vùng ĐBSH nhằm phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Vùng ĐBSH có khoảng 7.500 làng truyền thống với khoảng 1500 làng nghề, 11 nhóm nghề trong đó khoảng 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống không chỉ có nghề mà hầu hết còn nhiều giá trị về di sản kiến trúc, cảnh quan và các giá trị văn hóa phi vật thể khác. Đây thực sự là tiềm năng quý giá để các làng nghề phát triển du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Đã có định hướng phát triển cấp quốc gia, đề án về lĩnh vực này như Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề của Bộ NN&PTNT năm 2011 có mục tiêu đến năm 2015 bảo tồn từ 30- 40 làng nghề truyền thống, phát triển 50- 70 làng nghề mới gắn liền với du lịch. Đề án “Chương trình Quốc gia môi xã một sản phẩm- OCOP” giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu phát triển đến năm 2020 có 80-100 làng (bản) văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao; Đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng 2030 của Viện nghiên cứu phát triển du lịch- Tổng cục Du lịch (2016) và các định hướng phát triển du lịch của các tỉnh trong đó có cả phát triển du lịch tại các làng nghề. (5)

Tuy nhiên hiện nay (2019) mới chỉ có làng gốm Bát Tràng có hoạt động du lịch khá tốt, các làng khác hoạt động du lịch ở quy mô nhỏ. Thuật ngữ “loay hoay tìm ra giải pháp”, ” khai thác chưa hiệu quả” cần có một chính sách bài bản” đang được nhắc đến nhiều trong các hội thảo, các bài viết nghiên cứu về thực trạng phát triển làng nghề gắn với du lịch gần đây. (7) (8)

Qua tìm hiểu 30 làng có nghề truyền thống trong phạm vi vùng ĐBSH cho thấy nguyên nhân là:

  • Các làng nghề chưa được đánh giá đúng về mặt tiềm năng phát triển du lịch. Qúa chú trọng vào việc đưa khách đến xem, thăm quan nghề mà chưa giới thiệu được các giá trị văn hóa khác của làng nghề truyền thống. Chính vì vậy các sản phẩm du lịch khá đơn điệu, không hấp dẫn được khách, không có các sản phẩm du lịch giữ khách ở lại lâu, vì vậy doanh thu từ hoạt động du lịch thấp.
  • Cách làm hiện nay chỉ chú trọng vào khai thác mà ít chú ý phát triển các sản phẩm du lịch mới để vừa thu hút khách du lịch, vừa thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm nghề truyền thống. Thiếu hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, không đủ để một làng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
  • Cách phát triển làng nghề vẫn là tìm cách phát triển thị trường, chú trọng vào kinh tế mà chưa nhìn nhận phát triển kinh tế du lịch cũng là một thế mạnh về phát triển kinh tế của làng nghề. Việc chỉ quan tâm phát triển nghề trước du lịch dân đến rời xa giá trị văn hóa, chạy theo sản phẩm thị trường, các giá trị văn hóa nghề giảm sút. Có hiện tượng ô nhiễm môi trường, sự lộn xộn trong tổ chức không gian làng. Kết quả này mâu thuẫn với điều kiện để phát triển du lịch. Cách phát triển du lịch như một yếu tố ” ăn theo” sự phát triển của làng nghề không phải là cách làm tốt, không tạo nên các làng du lịch bền vững.

Có thể thấy khó khăn nhất là chưa có một mô hình phát triên rõ ràng, đủ thuyết phục để có thể triển khai từ chủ trương lớn thành các hành động cụ thể tại các địa phương, Vì vậy rất cần nghiên cứu tìm tòi những mô hình mới với cách tiếp cận mới.

Thay đổi cách đánh giá về tiềm năng của làng nghề truyền thống trên góc độ phát triển du lịch

Các làng nghề truyền thống vùng ĐBSH hầu hết là các làng truyền thống có lịch sử hình thành khoảng 200-500 năm. Cùng với các nghề truyền thống, nhiều làng còn có các di sản kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Tuy nhiên qua cách khai thác, tổ chức du lịch cho thấy cách nhận diện, đánh giá giá trị tiềm năng của làng nghề còn chưa đầy đủ:

Đánh giá, giới thiệu giá trị văn hóa nghề còn sơ lược: Nhiều nơi cũng chỉ mới giới thiệu được quy trình sản xuất, tổ chức một vài hoạt động trải nghiệm (chủ yếu là nghề gốm), các giá trị khác như lịch sử của nghề, tinh hoa của nghề qua các quy trình sản xuất thủ công, đồ lưu niệm từ nghề, các giá trị văn hóa tinh thần, tập quán của cộng đồng hình thành từ nghề vẫn chưa được nhận diện và giới thiệu. Đặc biệt nhiều nghề truyền thống tuy đã mai một nhưng tính biểu tượng của nó đã đi vào tiềm thức của cộng đồng như lụa làng Vạn Phúc, gốm Hương Canh, nón là làng Chuông, giò chả Ước Lễ… chưa được đánh giá đúng như một giá trị thương hiệu để quảng bá du lịch.

Chưa nhận diện và đánh giá giá trị văn hóa làng tích hợp, đầy đủ:

Các giá trị văn hóa di sản kiến trúc như đình, chùa , miếu, cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể khác thể hiện giá trị của làng truyền thống, một mô hình cộng đồng có giá trị sinh thái – nhân văn phát triển hàng ngàn năm chưa được nhận diện để khai thác giới thiệu. Lịch sử của làng, phong tục tập quán tiêu biểu cho văn hóa của người Việt có thể mang đến cho du khách những câu chuyện hấp dẫn không kém gì những trải nghiệm nghề (2) (3)

Cần nhận thức đúng rằng giá trị văn hóa nghề chỉ là một phần trong giá trị văn hóa làng, văn hóa của nghề và văn hóa làng nghề là hai giá trị không thể tách rời.

Việc nhìn nhận các giá trị di sản văn hóa cũng chưa được nhìn nhận trên khía cạnh sản phẩm du lịch. Ví dụ như cảnh quan đẹp, thanh bình, mang bản sắc làng quê dù là mới tạo lập đối với khách du lịch hấp dẫn hơn hơn là một di sản nhiều năm tuổi nhưng để trong môi trường lộn xộn thiếu thẩm mỹ. Yếu tố mới lạ về văn hóa, cảnh quan đối với các đối tượng khách khác nhau, trong nước, quốc tế chưa được đánh giá. Đây là bài học rút ra từ trường hợp du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều, Quảng Ninh) làng không có nhiều di tích cấp quốc gia, di sản cổ kính, không có nghề thủ công truyền thống nhưng với cảnh quan tổng thể làng quê được gìn giữ, giới thiệu tốt cũng rất hấp dẫn khách du lịch. Có nhiều nghiên cứu về di sản phi vật thể trong làng, nhưng để biến nó thành sản phẩm du lịch chứ không phải là kết quả nghiên cứu thì chưa được đánh giá làm rõ.

Có thể nói, tiềm năng của di sản làng nghề, với văn hóa nghề, văn hóa làng hiện nay như là những viên ngọc quý chưa được mài dũa để tỏa sáng.

Hạn chế của tiềm năng

Tình phân tán, quy mô nhỏ, còn ít làng có giá trị văn hóa tích hợp cao là một hạn chế để phát triển làng trở thành điểm đến du lịch. Có làng có nghề phát triển, nghề có giá trị văn hóa cao thì các giá trị di sản, cảnh quan lại không nổi bật, kiến trúc mới, cảnh quan mới chiếm đa phần. Ví dụ như làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), cảnh quan thiếu bản sắc của làng quê, ít di sản được công nhận là di tích. Có làng có giá trị di sản, cảnh quan khá tốt nhưng nghề đang gặp khó khăn như làng nghề Cựu may com-lê (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên), làng nghề đan đó Nội Lăng, Tất Viên (xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). (3)

Số lượng các làng có giá trị tích hợp cao không nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá tiềm năng cả về văn hóa nghề và các di sản trong 30 làng nghề truyền thống trong vùng ĐBSH (ngoài làng gốm Bắt Tràng) chỉ có một số làng như làng may Cựu, làng giò chả Ước Lễ (Hà Nội), làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) là những làng có giá trị tiềm năng nhất. Nhóm kế tiếp là làng nón Chuông, mây tre đan Phú Vinh, chế biến thực phẩm Cự Đà (Hà Nội), làng đan đó Nội lăng, Tất Viên (xã Thủ Sỹ, Hưng Yên), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng cây cảnh Bách Thuận (Thái Bình), làng bánh đa thái Hội Yên (Xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương). Còn nhiều làng khác giá trị văn hóa nghề, di sản kiến trúc, cảnh quan không thật đặc sắc, bị tác động đô thị hóa, môi trường kém nên khó phát triển thành một điểm du lịch hoàn chỉnh.

Du lịch làng chịu sự cạnh tranh về thị trường khách du lịch trong vùng ĐBSH. Về mặt văn hóa truyền thống dân cư, so với các làng ở miền núi như Hòa Bình, Sa Pa, các làng vùng ĐBSH đã suy giảm bản sắc hơn kể cả về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Để tôn vinh, khôi phục các bản sắc văn hóa phải đầu tư nhiều hơn. Việc chia sẻ lợi ích, tạo sự công bằng với cả một cộng đồng làng, xã vốn đông dân cư (vài ngàn đến hàng chục ngàn người), so với các làng bản nhỏ ở miền núi gặp khó khăn hơn nhiều.

Nhiều làng nghề đã bảo tồn được nghề, đang phát triển như các làng nghề bạc Châu Khê (Hải Dương), đồ đồng Đại Bái (Bắc Ninh ), chạm khắc đá Ninh Vân (Ninh Bình) lại có môi trường kém, ô nhiễm. So với các cảnh quan, môi trường đẹp, trong lành ở vùng biển, miền núi nước ta đây là một hạn chế lớn. Một số bài báo ca ngợi vẻ đẹp cảnh phơi bánh đa trên đường làng ở làng Cự Đà (Hà Nội), nhưng đứng về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, cách làm đó là không phù hợp, gây phản cảm với khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Rất cần sự đánh giá đúng giá trị để thấy hết khó khăn, thuận lợi, biết phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế của các giá trị tiềm năng này.

Sơ đồ các không gian hoạt động du lịch chủ yếu trong làng nghề

Sơ đồ các không gian hoạt động du lịch chủ yếu trong làng nghề

Các đặc điểm tích cực, hạn chế của một số mô hình hoạt động du lịch nông thôn hiện nay

Qua một số hoạt động du lịch nông thôn, có liên quan đến làng truyền thống cho thấy đã có các hình thức sau:

+ Hoạt động thăm quan trải nghiệm: Thăm quan các hộ gia đình làm nghề. Các đơn vị tổ chức tua du lịch liên hệ trực tiếp với các hộ gia đình, thường chọn một vài hộ (làng mây tre đan Phú Vinh, làng gốm Phù Lãng). Chỉ khai thác được một vài khía cạnh giá trị của văn hóa nghề.

+ Khai thác sản phẩm du lịch từ văn hóa nông nghiệp: Thăm quan cảnh quan ngoài làng, các hoạt động trải nghiệm văn hóa nông nghiệp tổ chức ở các trang trại du lịch sinh thái, các ” làng du lịch”, tại khu vực ít ảnh hưởng đến điểm dân cư. Các giá trị văn hóa thường dùng thủ pháp tái hiện, không dùng các giá trị gốc. Ví dụ như khu du lịch sinh thái Đồi thông, Quang Huy nằm cạnh xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội), Khu du lịch Long Việt (Ba Vì, Hà Nội) tái hiện các kiến trúc, cảnh quan làng cổ.

Cách làm này đã bước đầu tạo nên sự quan tâm của du khách tới các làng truyền thống, tới du lịch văn hóa nông thôn. Có hạn chế là không khai thác được hết các giá trị di sản ẩn chứa, nằm bên trong làng. Nhưng đây cũng là cách né tránh các khó khăn khi phải vận động cộng đồng, phải xin ý kiến đồng thuận của nhiều người. Cách làm này tuy có sự chủ động của doanh nghiệp du lịch nhưng không mang lại lợi ích trực tiếp đến cho cộng đồng do cộng đồng ít được tham gia.

Một số điểm du lịch, khu du lịch, có tên” làng du lịch” nhưng thực chất là các khu du lịch đơn thuần đặt cạnh làng truyền thống, cạnh các trung tâm thắng cảnh lớn, không hình thành từ giá trị gốc của văn hóa làng (ví dụ : Làng” Việt cổ Cổ Văn Lầu” ở Ninh Bình). Mô hình này khó hấp dẫn khách quốc tế vốn coi trọng các giá trị văn hóa gốc.

Nhìn chung những cách làm trên là cách làm manh mún, không tạo nên sự phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thất bại khi đầu tư theo cách này.

Khai thác được tất cả các giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa làng, văn hóa vùng ĐBSH, chú trọng tạo lập giá trị tích hợp: Đây là quan điểm khác biệt với cách nhiều nơi đang khai thác làng nghề làm du lịch hiện nay, thường chỉ đưa khách đến thăm quan nơi sản xuất mà thiếu sự giới thiệu về các giá trị văn hóa khác của làng thể hiện qua các di sản kiến trúc như đình chùa, miếu, nhà cổ và các di sản văn hóa phi vật thể khác của làng.

Tính đa dạng của các giá trị sẽ tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch, cũng là điều kiện để tổ chức các hoạt động du lịch thành công.

Cần giới thiệu cả văn hóa làng và văn hóa vùng ĐBSH, các sản phẩm đặc sản OCOP của vùng (theo chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”) . Ví dụ biểu diễn múa rối nước, hát chèo là văn hóa không chỉ riêng của làng nào mà là văn hóa chung của vùng, đều có thể tạo lập và giới thiệu ở nhiều làng. Các sản vật ẩm thực, hoa quả của vùng ĐBSH đều có thể giới thiệu được ở làng.

Chú trọng khai thác các giá trị di sản nổi bật, đã có thương hiệu. Ví dụ cùng nhóm mây tre đan nhưng nón lá làng Chuông đã có thương hiệu, gắn liền với văn hóa, hình ảnh phụ nữ Việt Nam, rất có thể mạnh để tạo bản sắc riêng.

– Thiết lập được các Bộ sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị tiềm năng có sáng tạo. Không thể khai thác các làng nghề như một thứ tài nguyên sẵn có. Các tài nguyên văn hóa này khẳng định hiện mới là tiềm năng, cần phải thiết lập sáng tạo, có đầu tư để trở thành các bộ sản phẩm du lịch có tính sáng tạo, bền vững, khai thác lâu dài.

Bộ sản phẩm du lịch phải phong phú, đúng với nhu cầu của sản phẩm du lịch, bao hàm hết các nhu cầu của khách như thăm quan, trải nghiệm, vui chơi, ẩm thực, lưu trú. Có 4 nhóm sản phẩm du lịch cần thiết lập là:

  • Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề truyền thống: Khai thác đủ các khía cạnh lịch sử phát triển nghề, các quy trình sản xuất đặc biệt, tinh hoa của sản phẩm, giá trị văn hóa cộng đồng, các tập quán hình thành cùng với nghề. Có cả sản phẩm thăm quan và sản phẩm trải nghiệm học tập, khảo cứu.
  • Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề nông: Khai thác khía cạnh tìm hiểu phương thức sản xuất truyền thống, trải nghiệm kinh nghiệm làm nông, đánh bắt tôm cá, tát nước, thăm quan đồng ruộng, vườn rau hoa, hiểu về các giá trị phi vật thể của văn hóa nghề nông đối với cuộc sống cộng đồng làng. (6)
  • Nhóm sản phẩm du lịch các di sản kiến trúc, cảnh Đây là khối lượng di sản lớn, nhất là mô hình làng vùng ĐBSH là mô hình cư trú đặc thù, khác với các vùng khác, có với cổng, lũy tre, cây đa, đình, chùa miếu, nhà cổ, vườn nhà, giếng, ao làng cầu đá, chợ, quán…nhiều di sản được công nhận là di tích.
  • Nhóm sản phẩm văn hóa phi vật thể: ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trang phục, tập quán, lễ hội…

Như vậy dù là làng nghề truyền thống, cần xác định văn hóa nghề chỉ là một loại hình tạo lập sản phẩm du lịch. Trong các nhóm sản phẩm này, các bộ sản phẩm cụ thể như thăm quan, trải nghiệm nghề, ẩm thực, trò chơi, đồ lưu niệm, khảo cứu, thăm quan học tập cần được thiết lập cụ thể.

Khi có nhiều bộ sản phẩm du lịch sẽ níu chân du khách lâu hơn, khách chi trả nhiều hơn. Tạo nên hiệu quả của việc tổ chức hoạt động du lịch.

– Phải tích hợp không gian du lịch trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian làng, xã.

Các xã có làng nghề đã có Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải có nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các không gian du lịch nếu có định hướng phát triển theo mô hình. Nhiều không gian phải được thiết kế, tạo lập có bản sắc theo mục tiêu phục vụ khách du lịch.

Có tối thiểu 16 loại hình không gian du lịch cần được thiết lập, gắn kết với đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn.

image010

Minh họa cách tổ chức cảnh quan du lịch đường làng, cầu, quán

Trong nhóm các không gian này, Trung tâm dịch vụ du lịch là loại hình hầu như chưa có ở các làng, vì vậy phải có quỹ đất dự kiến trong quy hoạch để hình thành.

Các không gian đường làng, không gian khu bán hàng lưu niệm, không gian trải nghiệm trong hộ gia đình…đều phải được thiết kế tạo lập bản sắc, phù hợp với yêu cầu của bộ sản phẩm du lịch.

– Hình thành bộ máy quản lý phù hợp, cách thiết lập phù hợp

Có 2 mô hình thiết lập và quản lý, vận hành mô hình có thể lựa chọn

Mô hình dạng A: Mô hình tập trung (tham khảo mô hình du lịch làng quê của làng Yên Đức – Đông Triều, Quảng Ninh)

Trung tâm dịch vụ du lịch có vai trò điều phối toàn bộ hoạt đông du lịch của làng, do một doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp quản lý tất cả các tua thăm quan, phân bố khách đến các điểm dịch vụ. Là người đầu tư chính cho việc tổ chức các không gian du lịch. Quản lý chất lượng du lịch tại tất cả các điểm thăm quan.

Việc đầu tư ban đầu hạ tầng chung của làng do chính quyền địa phương và Trung tâm cùng phối hợp.

Mô hình này có ưu điểm là có sự kiểm soát tốt về chất lượng, sự đầu tư hệ thống sản phẩm, chủ động về khách do có một doanh nghiệp du lịch lớn (Công ty du thuyền Đông Dương) tạo lập, kết nối khách từ Hà Nội – Hạ Long đi qua.

Nhược điểm: Số lượng hộ gia đình thực sự làm du lịch chưa nhiều. Doanh nghiệp có vai trò quyết định nên nếu một doanh nghiệp đó đổi mô hình hoạt động có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mô hình. Các nơi khác khó học tập được mô hình này. Nguồn khách chưa đa dạng, các sản phẩm du lịch còn thiếu (đồ lưu niệm, các sản phẩm OCOP)

Mô hình dạng B: Mô hình Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch

Thiết lập HTX dịch vụ du lịch, huy động các gia đình, doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp lữ hành tham gia. HTX đề ra các quy định hoạt động chung, hỗ trợ đầu tư giữa các thành viên, kiểm soát chất lượng chung.

+ Đầu tư thiết lập các bộ sản phẩm du lịch. Đầu tư cơ sở vật chất ban đầu tại cơ sở du lịch. Do từng đơn vị doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư. HTX có vai trò kết nối, tổ chức thực hiện theo đề án phát triển.

+ Đầu tư hạ tầng và duy trì chất lượng các không gian du lịch chung: Do chính quyền địa phương phối hợp HTX, các đơn vị dịch vụ du lịch.

+ Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch: HTX là đầu mối kiểm soát chất lượng chung.

Trung tâm dịch vụ du lịch trong HTX có vai trò điều phối các tua chính. Các tua khách lẻ do các điểm dịch vụ tự quản lý. Các điểm dịch vụ cùng HTX xây dựng thị trường khách hàng.

Mô hình này có ưu điểm huy động được nhiều thành phần cộng đồng dân cư tham gia, không bị phụ thuộc vào một doanh nghiệp. Tuy nhiên phải có đề án phát triển rõ ràng, có sự đầu tư ban đầu của doanh nghiệp nòng cốt và chính quyền địa phương.

Mỗi một mô hình quản lý đều liên quan đến hiệu quả khai thác không gian và vận hành du lịch. Việc lựa chọn mô hình nào cần có sự trao đổi cụ thể với địa phương, cộng đồng để có giải pháp phù hợp. Dù là mô hình nào cũng phải đảm bảo hình thành được nhiều nhất các sản phẩm du lịch, khai thác được hết các tiềm năng về di sản, làng nghề.

Minh họa không gian thăm quan và trải nghiệm nghề trong hộ gia đình

Minh họa không gian thăm quan và trải nghiệm nghề trong hộ gia đình

– Kết nối vùng và liên kết trong quy hoạch du lịch vùng, tỉnh

Trong quá trình lập đề án phát triển phải có kế hoạch, mục tiêu kết nối với các tua, tuyến điểm du lịch trong vùng và trong tỉnh. Gắn kết trong quy hoạch du lịch vùng, tỉnh. Trong những giai đoạn đầu khi chưa có thương hiệu, việc kết nối tuyến điểm du lịch với các Khu du lịch lớn đô thị lớn như Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Sa Pa rất quan trọng để đảm báo có lượng khách thường xuyên.

Việc kết nối các sản phẩm vùng, trong một tổng thể quy hoạch du lịch cũng để đảm bảo các sản phẩm du lịch trong một tỉnh không bị trùng lặp giữa các làng, mỗi làng phải phát triển theo thế mạnh, tạo bản sắc, thương hiệu du lịch riêng.

Kết luận

Chuyển đổi một phương thức hoạt động kinh tế từ nghề nông, nghề thủ công đơn thuần của các làng nghề truyền thống sang kết hợp hoạt động du lịch, một phương thức hoạt động kinh tế văn hóa đòi hỏi phải có nghiên cứu, thiết lập mô hình rõ ràng, có đầu tư và quản lý vận hành bền vững.

Mô hình Làng nghề – Du lịch với các nguyên tắc phát triển, khai thác được các thế mạnh của nghề, của làng, của văn hóa làng, văn hóa vùng cùng với các mô hình quản lý phù hợp sẽ là một mô hình bền vững, đủ cơ sở để có thể thiết lập đề án phát triển du lịch cho các làng cụ thể có nhiều tiềm năng.

Rất cần sự quan tâm đầu tư của nhà nước, chương trình phát triển nông thôn, của các địa phương có làng nghề nhiều tiềm năng, xây dựng thí điểm theo mô hình để từ đó có thể nhân rộng trong vùng ĐBSH.

PGS.TS Phạm Hùng Cường – Đại học Xây dựng

Banner_NTM_1