Lý do thu phí khí thải của Bộ Tài chính có thuyết phục?
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của cơ quan này là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và để nâng cao chất lượng sống của người Hà Nội.
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã lên tiếng lý giải về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường của cơ quan này với khí thải, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, Vụ Chính sách thuế cho biết việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ngày 26.11.2018 của Bộ Tài chính xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, do Ban dân nguyện – Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Tài chính tại văn bản số 251/BDN ngày 15.6.2018 và UBND TP.Hà Nội đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Tuy nhiên, theo thông tin từ VNN, cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp. Cụ thể là việc đề nghị xem xét quy định đối với việc thu phí đối với khí thải công nghiệp; xem xét có cơ chế trích nguồn thu từ hoạt động trong khu công nghiệp để đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường bảo vệ môi trường cho khu công nghiệp.
Nguyên nhân của đề xuất là trên địa bàn tỉnh Lào Cai có một số khu công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trước ý kiến của cử tri Lào Cai, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời rằng đang phối họp vói các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai để báo cáo Chính phủ quy định phù hợp.
Lý giải về đề xuất thu phí khí thải, Bộ Tài chính còn viện dẫn vấn đề gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường sống của người dân.
Theo bộ này, UBND TP. Hà Nội đã báo Thủ tướng về việc lập đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
“Đây chỉ là một bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí Bảo vệ môi trường đối với khí thải, để thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đồng thời cũng phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phí và lệ phí, Luật Bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính nêu.
Vậy liệu lý do trên có thể được hiểu rằng: Nếu nghị định về thu phí khí thải được ban hành thì công dân cả nước sẽ phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm mục đích là nâng cao chất lượng sống của người Hà Nội?
Hơn nữa, giới chuyên gia cho rằng việc thu phí ô nhiễm môi trường với khí thải có cần xem lại bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí 2 lần.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản đề nghị một số bộ ngành xây dựng khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu, nộp phí, quản lý, sử dụng phí. Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.
Đề xuất này của Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận, trong đó đa phần là phản đối vì lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “thuế chồng thuế, phí chồng phí”.
Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải của Bộ Tài chính gây nhiều tranh cãi, bởi sắp tới từ ngày 1.1.2019, thuế bảo vệ với môi trường với xăng dầu sẽ được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít. Trong khi đó, thu nhập của người dân chưa cao mà lại phải “gánh” nhiều loại thuế phí sẽ tạo áp lực rất lớn về việc đồng thuận cũng như vấn đề áp lực tăng lạm phát.
Tuyết Nhung/Một Thế giới