Lụt ở miền Trung
Người đàn ông cao và gầy, đôi mắt thêm sâu sau đêm mất ngủ, chỉ lên vách tường. Tôi nhìn theo: vết ướt làm bằng chứng cho mực nước ngập gần một mét. “Tôi lao ra khỏi cửa. Nước đã ngập tới ngực nhưng phải bì bõm lội đi gõ cửa từng nhà xung quanh vì ai cũng đang ngủ say”, anh Thảo kể về sáng ngày 9/12.
Đêm hôm đó, cả xóm nhỏ này nháo nhác. Tiếng mưa dội xuống mái tôn át hết tiếng người gọi nhau chạy lụt giữa đêm. Người phụ một tay khiêng tivi, tủ lạnh. Bảy người cả người già và trẻ nhỏ trong nhà anh Thảo phải dời lên chiếc gác xép chật chội. Đứa bé bị ốm chốc chốc lại khóc thét. Người lớn không dám ngủ.
Lượng mưa của Đà Nẵng trong 19h ngày 8/12 đến 19h ngày 9/12 năm nay đã lập kỷ lục mới. Sáu trăm ba lăm milimet, nó đã phá kỷ lục cũ vào ngày 3/11/1999. Người Đà Nẵng lần đầu tiên (kể từ khi khá giả) đối mặt với cảnh nhìn hàng loạt xe hơi đắt tiền chìm trong nước, còn chủ nhân phải bỏ của chạy lấy người. Các tỉnh lân cận cũng chứng kiến nhiều mức nước cao ngất. Chín người chết và mất tích. Sau những hoảng loạn, cuộc sống đảo lộn.
Tôi hỏi anh Thảo về trận lụt lịch sử năm 1999. Anh kể những con số rành mạch: năm ấy, anh đã nâng nền nhà lên thêm 30cm so với mặt kiệt. Ổ điện cũng được lắp cách nền 1,2m để “nếu có ngập cũng không bị điện giật”.
Sau cú sốc tang thương năm 1999, cả một cộng đồng đã thay đổi cách tiếp cận với những trận lụt. Năm ấy, một người Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng lúc đó là trưởng chi cục thủy lợi, đã nghĩ ra ý tưởng “cột mốc báo lũ”. Chiếc cột cao quá đầu người được dựng ở nhiều nơi, kẻ rõ mực nước ngập sau cơn hồng thủy. Người dân mỗi lần nghe báo lũ có thể so sánh và tìm cách ứng phó, thay vì những bản thông báo toàn những con số rất khó hình dung. Nhiều địa phương lân cận sau này học làm theo.
Nhưng năm 2018 này, cũng sau một “kỷ lục” và sau một cơn hoảng loạn, hỏi người dân rằng họ phải làm gì thì không có câu trả lời. Sau trận mưa kỷ lục của năm 2018, bất chấp hiểm họa được nhìn thấy, không thấy những thảo luận hay ý tưởng như ông Thắng năm xưa. Và nguyên nhân có lẽ không phải là bởi vì 3 ngày sau đó đội tuyển Việt Nam sẽ đá chung kết lượt đi trên đất Malaysia. Lý do, là bây giờ… quá khó đưa ra giải pháp.
Bàn đến chuyện nâng nền như năm xưa, anh Thảo lắc đầu. “Kiệt chỉ rộng hơn hai mét. Nhà nhà làm nhà sát mép kiệt. Nâng nền lên thì không thể chạy xe máy vào nhà được”. Đà Nẵng có hàng ngàn kiệt hẻm như thế. Diện tích đất vài chục mét cũng được cắt ra làm nhà, bán mua.
Nhưng cơn mưa lớn không chỉ gây ra thiệt hại cho hàng vạn người dân, mà còn làm lộ ra bất cập về quy hoạch đô thị: hệ thống thoát nước chưa khớp nối giữa những khu đô thị mới và đô thị cũ làm giảm khả năng thoát nước; hồ điều tiết lấp dần để phân lô bán nền; 85 tỷ đồng thành phố chi cho hoạt động nạo vét mương cống hàng năm nhưng 300 tấn rác thải ùn ứ phía trong đã chảy tràn ra biển qua các cửa xả…
Chân tôi sau hai ngày ghi nhận hiện trường, đã nổi mẩn đỏ. Khi mưa ngập, rác thải sinh hoạt trào ngược từ dưới cống lên. Ở các bãi biển, mùi hôi từ rác thải sinh hoạt và xác động vật chết xộc vào mũi. Mỗi ngày, người dân toàn thành phố đang thải ra 900 đến 1.000 tấn rác và thành phố từng được vinh danh về môi trường đang đối mặt với nguy cơ thiếu nơi chôn lấp rác. Tất nhiên, 85 tỷ đồng nạo vét là con số đáng kể, nhưng cũng phải thừa nhận rằng những cái cống tắc có nguyên nhân từ chính lối sống của người dân.
Biến đổi khí hậu đang ngày một tác động tiêu cực Trước đây, mùa mưa kéo dài hai tháng. Còn năm nay đến gần cuối mùa mưa vẫn không đủ nước đẩy mặn cho nhà máy nước Cầu Đỏ, một triệu cư dân thành thị phải đối mặt với thiếu nước sinh hoạt suốt ba ngày. Cuối mùa mưa, nước đổ ập xuống gây ngập lụt.
Tôi không có ý định so sánh trận mưa năm 2018 với trận lụt lịch sử năm 1999. Nhưng rất dễ nhìn thấy rằng cùng với việc giàu lên, mật độ đô thị tăng lên, không gian phản ứng với những “cú sốc” từ thiên tai càng giảm xuống. Khắp nơi đã được bủa vây bằng bê tông, có cái xây theo quy hoạch, có cái xây bằng sức mạnh kim tiền, có cái xây tùy ý người dân. Tròn 10 ngày sau cơn mưa ngập, hôm qua (18/12) chuyện mưa ngập lên bàn tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố. Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, nhưng những giải pháp vẫn rất trìu tượng: “rà soát lại quy hoạch hệ thống nước thải”, “phân kỳ đầu tư đồng bộ”, “có giải pháp chống ngập”.
Câu hỏi đặt ra, là trong hơn hai thập niên bùng nổ kinh tế và phát triển đô thị qua, chúng ta đã làm gì để một người dân năm 2018 tỏ ra cam chịu hơn một người dân năm 1999 trong việc phòng chống lũ. Họ không nghĩ ra cách gì nữa. Đó là một câu hỏi quan trọng, vì nó không chỉ dành cho Đà Nẵng, mà dành cho mọi đô thị tại Việt Nam – vì phương pháp phát triển đô thị về cơ bản là giống nhau.
Câu hỏi tiếp theo là trong hai mươi năm tới, chúng ta sẽ làm gì tiếp khi lượng rác tăng lên (và thói quen với rác của cả chính quyền lẫn người dân không cải thiện) và khối lượng bê tông tăng lên (và thói quen xây dựng của cả người dân lẫn quy hoạch của chính quyền không cải thiện). Lụt ở miền Trung không chỉ là chuyện của miền Trung.
Nếu còn là phóng viên, và nếu các đô thị vẫn đang phát triển theo hướng “đầy tự hào” như hiện nay, có lẽ năm 2038, tôi sẽ không mất công hỏi rằng anh chị tính sao sau trận lụt lịch sử nữa. Họ sẽ bó gối.
Để kết bài, tôi xin dùng nhận định của lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng: “Mưa lớn nằm ngoài khả năng kiểm soát của cả hệ thống chính trị thành phố”. Câu này, có thể lưu lại để dùng cho cả Hà Nội và TPHCM, hay nhiều đô thị tại Việt Nam về sau.
Nguyễn Đông