31/05/2017

Luật Quy hoạch: Vì lợi ích quốc gia

Quốc hội  còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Việc dành nhiều thời gian hơn so với các dự luật thuộc chương trình xem xét, thông qua của QH, đã phần nào cho thấy tính chất phức tạp của dự luật này.

Hiếm có dự luật nào mà tranh luận, thậm chí là gay gắt giữa các cơ quan của Chính phủ lại dai dẳng như đối với dự án Luật này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, kể từ sau khi trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phải tổ chức làm việc riêng với 8 bộ còn ý kiến khác nhau; chủ trì đối thoại liên bộ giữa cơ quan soạn thảo với các bộ hữu quan; làm việc riêng giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH và các chuyên gia; gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, lấy ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách…

Nguồn: ITN

Vất vả và kỳ công như vậy, nhưng cho ý kiến lần cuối trước khi trình dự thảo Luật ra QH tại Phiên họp thứ Chín, các Ủy viên UBTVQH vẫn chưa thể yên tâm. Bởi ngay tại Phiên họp này, người đứng đầu Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa thống nhất quan điểm về những nội dung cơ bản của dự luật như: Khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; có tích hợp được quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể quốc gia hay không; có nhân lực để thực hiện việc tích hợp không; có đủ thời gian sửa đổi, bổ sung tới mấy chục đạo luật liên quan để bảo đảm Luật Quy hoạch có hiệu lực vào năm 2019 hay không?…

Vì thế, để cân bằng giữa các luồng quan điểm, tìm ra hướng đi khả dĩ cho đạo luật được đánh giá là quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của quốc gia nhưng cũng dẫn đến va chạm và xung đột lợi ích bậc nhất giữa các bộ, ngành, địa phương… cơ quan tiếp thu, chỉnh lý đã phải xử lý theo hướng vừa là luật khung vừa là luật nội dung.

Công tác quy hoạch đang được thực hiện bằng phương pháp cũ kỹ, lạc hậu kiểu chia bánh, giành phần khiến cho các quy hoạch bị phân tán, xé lẻ hoặc triệt tiêu động lực phát triển của nhau là hiện thực bức xúc và xót xa mà ở ngành nào, địa phương nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Trả lời Báo Đại biểu Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng chỉ rõ: “Quy hoạch tích hợp là việc rất khó khăn nhưng không làm ngay từ bây giờ thì sẽ không bao giờ bắt đầu được và đất nước sẽ mất đi những cơ hội phát triển; quy hoạch tích hợp không chỉ cần mà phải làm ngay”. Nhưng tính toán của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, để xử lý được câu chuyện tích hợp quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể như dự thảo Luật Quy hoạch thì phải mất ít nhất là 7 đến 8 năm. Hơn nữa, sẽ phải bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, đổi mới nhưng nếu mơ hồ thì hệ quả sẽ rất nặng nề.

Đến thời điểm này, câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục cho các vấn đề cơ bản nêu trên của dự thảo Luật Quy hoạch có lẽ vẫn còn phải chờ ở sự tranh luận của các ĐBQH và sự giải trình từ phía các cơ quan liên quan trong Phiên họp toàn thể sáng nay.

Ngay cả trong trường hợp dự thảo Luật có thể thuyết phục được đa số ĐBQH thì còn có một câu chuyện khác cũng phải được xem xét ngay tại Kỳ họp này, không thể chậm trễ hơn. Đó là việc sửa đổi, bổ sung 32 đạo luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Dù quyết tâm “phải làm ngay” nhưng dự kiến Chương trình lập pháp 2018 đã không đề cập đến việc sửa đổi bất cứ nội dung nào trong danh sách 32 đạo luật này. Điều này đã khiến nhiều ĐBQH ngạc nhiên và cả e ngại. Vì thế, tại Phiên họp Tổ chiều 23.5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã phải kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nếu quyết tâm thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp này để có thể triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể từ năm 2020 như dự kiến thì Chính phủ phải sớm báo cáo QH về kế hoạch sửa đổi các đạo luật liên quan. Ông Tùng cũng khuyến nghị, phải đặt quyết tâm chính trị ở mức cao nhất thì mới có thể hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn này.

Chúng ta có tham vọng và duy ý chí hay không nếu muốn giải quyết tất cả những “khuyết tật” của công tác quy hoạch hiện nay chỉ trong thời gian ngắn ngủi vài, ba năm? Nếu không đủ tham vọng, không đủ ý chí, liệu chúng ta có thể xóa bỏ được thói quen cũ không hiệu quả để tạo đà và khai thông cho sự phát triển của đất nước? Sự đổi mới, nếu có vết dấu của sự nôn nóng hay mơ hồ liệu có đem lại thành công như kỳ vọng?

Sứ mệnh kiến tạo sự phát triển quốc gia của Luật Quy hoạch chỉ có thể đạt được khi từng điều khoản của dự luật này được xem xét bằng cái “đầu lạnh”, trên cơ sở chia sẻ và thấu hiểu quan điểm của các bên. Đồng thời, phải tạo lập một “không gian” pháp lý đồng bộ, thống nhất để bảo đảm tính khả thi của Luật. Điều quan trọng là, phải “gạt” đi những cấn cá về lợi ích cá nhân, lợi ích bộ, ngành, địa phương để thực sự nghĩ cho lợi ích của quốc gia.

Bạch Long/Theo Đại biểu nhân dân