29/05/2017

Luật Quy hoạch: Những vấn đề làm “nóng nghị trường”

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, sáng 26/5 tại Hội trường, nhiều Đại biểu đã bày tỏ những ý kiến khác nhau về quy hoạch xây dựng, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch xây dựng thực chất trùng với quy hoạch đô thị.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Dự án Luật Quy hoạch là một luật mới nên nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch đã nêu khá đầy đủ các vấn đề được đông đảo đại biểu, chuyên gia và nhân dân quan tâm. Đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề lớn của dự án luật, bao gồm: Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc lập quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định việc phê duyệt quy hoạch.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình và làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Quy hoạch.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc tích hợp quy trình phối hợp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch và lấy ý kiến về quy hoạch. Đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau về quy hoạch xây dựng. Cơ quan soạn thảo cho rằng quy hoạch xây dựng thực chất trùng với quy hoạch đô thị. Trên thế giới không có quy hoạch xây dựng mà chỉ có quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đề nghị các vị sẽ thảo luận sâu thêm về vấn đề này tại Khoản 3, Điều 27 liên quan đến quy hoạch vùng. Về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của luật. Ngoài các vấn đề lớn cần tập trung thảo luận, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về các nội dung khác để dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – TP. Cần Thơ cho rằng: Về Điều 3 giải thích thuật ngữ. Tôi thống nhất với khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tiếp cận theo hướng tầm nhìn lâu dài, dài hạn. Vì lẽ này các khái niệm quy hoạch vùng, tỉnh không nên dùng thuật ngữ “cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia”. Điều này dễ dẫn đến sự rập khuôn hoặc quy hoạch quốc gia có gì thì quy hoạch tỉnh, vùng có đó. Tôi đề nghị nên thay thuật ngữ “cụ thể hóa” bằng thuật ngữ “căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia và tính đặc thù của vùng, tỉnh” sẽ đúng hơn.


Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – TP. Cần Thơ

Về thời kỳ quy hoạch, ở Điều 8, tôi đề nghị có quy định về thời kỳ quy hoạch cho từng cấp quy hoạch cụ thể. Thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia vùng phải dài hơn quy hoạch cấp tỉnh. Ở Điều 3 có khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, cần phải có thời kỳ đủ dài để làm cơ sở cho các quy hoạch cấp thấp hơn. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình nhiều, lý do chọn quy hoạch 10 năm đề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Mười năm do biến động kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế v.v…

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đề nghị, quy hoạch chiến lược cấp quốc gia chỉ 10 năm là tầm nhìn quá ngắn trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế phát triển rất nhanh như hiện nay. Thậm chí quy hoạch chưa được thực hiện hết thời kỳ hay tỉnh, vùng quy hoạch chưa lâu thì đã phải điều chỉnh. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tầm nhìn xa, định hướng ổn định, nhất định trong một thời kỳ đủ dài thì mới có thể có hiệu quả, tôi đề xuất cấp quốc gia là 20 năm, tầm nhìn 30 năm cấp vùng tỉnh là 10 năm và tầm nhìn 20 năm.

Tại Điều 19 về đánh giá tác động môi trường chiến lược trong lập quy hoạch. Điều này có ba khoản quy định, thực ra phù hợp với quy hoạch hay một dự án cụ thể nhưng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia hay quy hoạch vùng, tỉnh tôi e rằng sẽ rất khó phù hợp. Ví dụ, ở Khoản 2 quy định, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược phải được thẩm định, đồng thời với quá trình lập thẩm định quy hoạch. Tôi cho rằng, không thể có đầy đủ các dữ liệu để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cho quy hoạch quốc gia, vùng hay tỉnh. Tôi đề xuất nên có dự báo tác động môi trường là một nội dung trong báo cáo quy hoạch sẽ hợp lý, tính khả thi cao hơn.

Cũng tại Điều 30 về hội đồng thẩm định quy hoạch, tôi thống nhất cấp quốc gia và vùng thì Thủ Tướng là Chủ tịch hội đồng nhưng ở cấp tỉnh thì nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên là đại diện các bộ, ngành. Thay vì theo dự thảo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là Chủ tịch của Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Lâm Đồng cho rằng: Về hệ thống quy hoạch quốc gia, theo Khoản 1, Điều 5 của dự thảo luật. Hệ thống quy hoạch quốc gia gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, ngoài các quy hoạch nêu trên, dự thảo còn sử dụng khái niệm hệ thống quy hoạch tại Khoản 2, Điều 5 và tại Khoản 1, Điều 14. Ví dụ, Khoản 2, Điều 5 xác định quy hoạch các đơn vị hành chính, khu kinh tế đặc biệt là quy hoạch trong hệ thống quy hoạch nhưng lại không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia tại Khoản 1. Vậy, ngoài các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia thì còn có quy hoạch nào nữa, hệ thống quy hoạch bao gồm những quy hoạch nào, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ.

Về chi phí cho hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 9. Khoản 1, Điều 9 dự thảo luật quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư công tại các Điều 7, 8, 9 và 10 thì không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó sẽ không thể bố trí kinh phí để thực hiện các loại hoạt động này. Vì vậy, theo tôi cần thiết phải thiết kế lại quy định này theo hướng các chi phí trên được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của Luật ngân sách như dự thảo Luật quy hoạch trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai. Trong trường hợp vẫn giữ như Khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật thì cần thiết phải sửa đổi ngay Luật đầu tư công trong dự thảo Luật quy hoạch thì mới đảm bảo tính thống nhất và khả thi của quy định.


Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Lâm Đồng

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 67 dự thảo luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, giám sát và phản biện xã hội hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại không có điều khoản nào quy định về nội dung này và hình thức phản biện xã hội hoạt động quy hoạch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, đề nghị trong dự thảo luật cần có một điều hoặc khoản quy định về vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Góp ý về dự luật này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng: Đối với điều khoản chuyển tiếp Điều 68, theo Khoản 1, Điều 69 thì dự thảo luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2019 còn Khoản 2, Điều 68 thì đến ngày 31/12/2020, chúng ta mới hoàn thành việc xây dựng các quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khi đó, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 68 thì có rất nhiều quy hoạch không được tích hợp và sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Vậy, trong khoảng thời gian 2 năm từ 01/01/2019 đến 21/12/2020 thì việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực sẽ không có quy hoạch.

Mặt khác, trong khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành trên 100 quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chưa kể đến quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là rất khó khả thi. Về điều khoản thi hành tại Khoản 2 Điều 69 và Phụ lục 2 của dự thảo luật, Phụ lục 2 của dự thảo luật xác định có 32 luật cần sửa đổi để bảo đảm tính phù hợp với Luật quy hoạch.

Góp ý tại hội trường sáng nay, Đại biểu Trần Thị Dung – Điện Biên nói: Theo chương trình kỳ họp chúng ta sẽ thông qua dự án luật này. Cá nhân tôi khi tiếp cận với bản dự thảo Luật quy hoạch trình ra Quốc hội còn nhiều băn khoăn. Vấn đề băn khoăn của tôi tập trung vào Điều 69 về hiệu lực thi hành.

Khoản 2, Điều 69 dự thảo luật quy định “Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của luật này, bảo đảm phù hợp với Luật quy hoạch và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1/1/2019”. Phụ lục 2 của dự thảo luật đã liệt kê các điều luật cần sửa đổi của 32 luật hiện hành.


Đại biểu Trần Thị Dung – Điện Biên

Về vấn đề này tôi nhận thấy: Theo Khoản 2, Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản phần chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực”.

Do đó, danh mục các quy định về quy hoạch cần sửa đổi chỉ liệt kê chung về các điều cần sửa đổi có thể chưa đầy đủ. Đề nghị rà soát lại, nếu không phải sửa đổi toàn diện cả điều mà chỉ phải sửa đổi các điểm, khoản cụ thể thì phải liệt kê chi tiết các điều, khoản nào trong điều luật cần sửa để tránh trường hợp không thuộc phạm vi sửa nhưng vẫn sửa. Ví dụ, sửa đổi Bộ luật hàng hải Việt Nam thì không chỉ các điều liệt kê như danh mục mà phải là Điều 44, Điều 46, Điều 81, Điều 82; Khoản 1, Điều 83; Khoản 1, Điều 101, Điều 102; Khoản 1 Điều 103; Điểm d, Khoản 1, Điều 126. Hoặc sửa Luật giáo dục đại học thì không chỉ các điều liệt kê như danh mục mà phải là Khoản 1, Điều 9, Điều 11; Điểm a, Khoản 1, Điều 22; Khoản 1, Điều 24; Khoản 2, Điều 52.

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Tô Văn Tám – Kon Tum góp ý: Về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch. Dự thảo đã xác định 7 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch ở Điều 4, các nguyên tắc này khá đầy đủ làm cơ sở cho quá trình xây dựng các nội dung của hoạt động quy hoạch được thể hiện ở các chương, điều của dự thảo luật. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch đó là hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.


Đại biểu Tô Văn Tám – Kon Tum

Việc bổ sung này có thể là bổ sung thành một khoản ở Điều 4 và cũng có thể bổ sung vào Khoản 1 của điều này, đó là hoạt động quy hoạch vì sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và phải tuân theo quy định của luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tại nguyên tắc thứ 5 của dự thảo quy định đảm bảo tính khoa học dự báo khả thi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong hoạt động quy hoạch.

Chúng ta thấy rằng hoạt động quy hoạch cần có các nguồn lực để đảm bảo, các nguồn lực này cơ bản được nhà nước đảm bảo, tuy nhiên vẫn có thể huy động các nguồn lực từ xã hội khác trong hoạt động quy hoạch, bởi vậy nên bổ sung vào nguyên tắc này là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và của xã hội trong hoạt động quy hoạch như thế nó sẽ đầy đủ hơn.

Về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Khoản 1 Điều 9 của dự thảo có quy định “chi phí lập thẩm định quy định, quyết định hoặc phê duyệt công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công”. Chúng tôi thấy cần xem xét nghiên cứu lại cho thật phù hợp vì quy trình điều tra khảo sát tổng hợp lấy ý kiến thẩm định hoàn chỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khác nhiều so với quy trình của dự án được quy định theo Luật đầu tư công.

Cũng theo Đại biểu Tô Văn Tám: Một số công việc trong quá trình lập quy hoạch có thể triển khai theo hình thức tự thực hiện như đơn vị lập quy hoạch tự tổ chức khảo sát thu thập số liệu tổng hợp một số nội dung quy hoạch nên việc bố trí vốn đầu tư công cho dự án quy hoạch phải theo đúng như quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ thì sẽ gặp một số vướng mắc phát sinh có thể xảy ra trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn chuẩn bị đầu tư. Để hạn chế vướng mắc này có thể xảy ra thì nên tiếp tục giữ quy định như hiện hành, đó là sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để thực hiện công tác lập thẩm định phê duyệt công bố quy hoạch. Trong trường hợp vẫn sử dụng nguồn vốn đầu tư công như dự thảo thì phải sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công. Trong Phụ lục 32 dự án luật cần phải sửa thì tôi cũng chưa thấy Luật đầu tư công, nếu ta giữ như quy định hiện hành thì chúng ta không phải sửa Luật đầu tư công.

Về dự luật này, Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Quảng Trị cho rằng: Tôi xin không bình luận về quá trình tiếp thu chỉnh sửa về dự luật nhưng cũng khẳng định một điều chắc chắn đó là nhiều đại biểu đã thống nhất đánh giá cao quá trình tiếp thu chỉnh sửa bổ sung của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm định.

Góp ý về dự án luật, Đại biểu Hoàng Đức Thắng nói: Tại Điều 4 đã xác định 7 nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch, trong đó khẳng định rõ hoạt động quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, bảo đảm sự tuân thủ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch. Theo đó có thể hiểu tất cả các nội dung quy hoạch phải tuân theo quy hoạch thống nhất được quy định ở Điều 7 về trình tự trong hoạt động quy hoạch.

Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 6 lại tách riêng việc lập thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng như vậy phải chăng là đưa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này do đó có nghĩa mục đích yêu cầu khi xây dựng Luật quy hoạch này sẽ không được tuân thủ, lại càng không tuân thủ các nội dung trong nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch làm cho tính đồng bộ thống nhất về nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch của dự án luật này bị phá vỡ.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng viện dẫn: Có câu hỏi đặt ra là tại sao khi đã xác định Luật quy hoạch là luật khung, chung nhất thì lại đưa ra nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ra khỏi nội dung điều chỉnh của luật này, phải chăng có vấn đề gì đây, có phải có căn cứ vùng, lĩnh vực hay có vấn đề độc quyền trong hoạt động quy hoạch không. Vì lí do đó, tôi đề nghị cần nhất thiết phải đưa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào nội dung quy hoạch của luật này để đảm bảo sự điều chỉnh chung của Luật quy hoạch.

Cuối cùng, tôi cho rằng việc ban hành Luật quy hoạch là hết sức cần thiết và đây là luật mới, luật khó. Do đó, trong thảo luận có những ý kiến khác nhau là lẽ thường tình. Những ý kiến có tính phản biện cần nghiêm túc xem xét, tiếp thu, bổ sung điều chỉnh để dự án luật được hoàn thiện, sớm được thông qua, ban hành, tổ chức thực hiện.

Thành Nam/Báo Xây dựng