31/05/2017

Luật Quy hoạch: Nên ưu tiên cách tổ chức phân quyền, tránh tập quyền

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Tại phiên họp toàn thể QH ( kỳ họp thứ 3)  diễn ra từ ngày 26/5/2017 vừa qua các đại biểu quốc hội nhìn chung đều ghi nhận sự công phu, trách nhiệm, cẩn trọng của cơ quan soạn thảo, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, song dường như điều khiến nhiều ĐBQH băn khoăn, lo ngại với dự luật này là  tính khả thi của Luật. Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Hà Thị Lan ( Đại biểu tỉnh Bắc Giang) đã chỉ ra 3 nội dung lớn mà Luật Quy hoạch cần đạt tới trong quá trình hoàn chỉnh sửa hoàn thiện.

lan

Trên cơ sở nghiên cứu 69 điều của dự thảo Luật Quy hoạch (DT-LQH), Tôi nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý DT-LQH  của UB Thường vụ Quốc Hội Để hoàn thiện Luật tôi xin tham gia 1 số nội dung sau:

Hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia

Qua nghiên cứu Điều 41. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia: Đây là nội dung mới cập nhật công nghệ nhưng chưa tiên tiến, nên sẽ không  đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Trong phân tích sự cần thiết soạn thảo Luật Quy hoạch đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hàng vạn bản quy hoạch chất lượng kém là do: thiếu thông tin, thông tin thiếu chính xác và thông tin phân tán, cát cứ độc quyền trong công tác quy hoạch. Trong DT-LQH tại điều 41 vẫn tiếp tục  duy trì  hệ thống thông tin phân tán do các bộ ngành, địa phương xây dựng , quản lý và cung cấp, nó tiếp tục bị chậm trễ và thiếu khách quan.

Thông tin KT-XH biến động từng giờ , từng phút tác động trực tiếp do vậy dựa vào hệ thống thông tin qua bộ máy dẫn đến thông tin chủ quan, sai lạc, không có giá trị .

Nếu thông tin tổng hợp do Quốc gia ban hành thì cần xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia thống nhất , căn cứ điều hành toàn bộ  động kinh tế xã hội thì phải được công bố chính thống bởi cơ quan Chính phủ

Nếu là thông tin thực tế biến động KT-XH trong nước và quốc tế thì đó là Hệ thống thông tin toàn cầu được cập nhật thời gian thực đang là công cụ phát triển của nhân loại và đang phổ cập tại Việt Nam với 70% dân số sử dụng internet, 40 triệu người sử dụng Smart phone …Trong khi DT- LQH  đưa ra việc cung cấp thông tin đa ngành được xây dựng bởi 4 cấp cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Trong khi dịch vụ đo đạc quang điện tử đã chuyển sang radar, vượt qua trở ngại không gian và thời gian, biên giới đã mở rộng toàn cầu và cung cấp dịch vụ trực tuyến với giá rẻ, còn các thông tin đa ngành khác cũng đang được cập nhật từng giây bởi thế giới không dây… Tất cả nội dung trên không phản ánh và không khuyến khích trong các điều của DT- LQH . Chuyển toàn bộ công việc này  sang như một loại dịch vụ , tạo sự cạnh tranh để có sự thay đổi căn bản về công nghệ cũng như thể chế một loại hình dịch vụ, tạo sự chuyển hóa độc quyền , trì trệ thành cạnh tranh lành mạnh và tiến bộ …

Về đánh giá hoạt động quy hoạch,

Điều 58. Nội dung đánh giá thực hiện quy hoạch: Mới quy định đánh giá theo quy trình  hành chính, thiếu đề cập đến một nội dung quan trọng là đánh giá hiệu quả Kinh tế – Xã hội do Quy hoạch đem lại.

Không có bộ tiêu chí đánh giá QH sẽ có kết quả đánh giá rất chủ quan / tùy tiện . Nên chăng điều luật này cần chỉ ra nguyên tắc  xây dựng Bộ tiêu chí thống nhất hoặc mỗi Dự án QH phải đặt ra các tiêu chí đạt được để đánh giá .

Vai trò của Bộ KHĐT và Bộ XD và các Bộ ngành khác trong hoạt động QH

DT-LQH, Điều 29 Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và điều 30. Hội đồng thẩm định quy hoạch trong đó đề cập Bộ KHĐT là thường trực Hội đồng thẩm định là chưa khoa học. Nên ưu tiên cách tổ chức phân quyền / tránh tập quyền. Những vấn đề có nội dung tổng thể quốc gia phải do Chính phủ quyết định. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quốc gia, vùng  do Thủ tướng là Chủ tịch và giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng, thành viên là các bộ có vai trò ngang nhau. Bộ KHĐT là thành viên Hội đồng có nhiệm vụ tập hợp /tổng hợp các hoạt động QH trong đó có thẩm định.

Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cũng do Chính phủ giao nhiệm vụ. Bộ KHĐT, Tài nguyên và Môi trường và các bộ khác là thành viên Hội đồng thực hiện  nhiệm vụ do Chính phủ giao

Từ điều 61 đến 67 xác định Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, nội dung mới của Luật QH, nhưng nếu đã đề cập tới Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tham mưu, tổng hợp, thường trực bộ máy hoạt động QH thì nội dung các điều này có thể thay đổi

Kết luận

Dự thảo Luật QH đã có nhiều nội dung mới tiến bộ hơn bộ luật QHĐT nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại, trong đó nổi lên các nội dung cần soạn thảo lại mới đáp ứng mục tiêu sự cần thiết của Bộ Luật này. Đặc biệt là phải cập nhật những thành tựu tiến bộ của loài người trong kỷ nguyên số, kinh tế toàn cầu giai đoạn phát triển lần thứ Tư ( 4.0) mới đạt được sự trông đợi, kỳ vọng của đất nước, dân tộc Việt Nam

Do là Luật khung, các Bộ, ngành dựa vào đó để xây dựng mới hoặc điều chỉnh các Luật chuyên ngành …Do vậy cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Bộ KHĐT và Bộ XD và các Bộ ngành khác trong hoạt động QH .

BBT