Luật Kiến trúc sẽ tác động như thế nào tới kiến trúc nông thôn Việt Nam
(Tạp chí KTVN 225) – Luật Kiến trúc đã được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thông qua, trong đó có riêng Điều 7 “Ngày Kiến trúc Việt Nam” là ngày 27/4 – ngày Bác Hồ gửi thư tới Hội nghị thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam (27/4/1948) nay là Hội KTS Việt Nam. Trong thư Bác viết “Nhân dịp này, tôi gửi lời thân ái chào các đại biểu. Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ… Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền.” Như vậy, ngay trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc Kháng chiến (1946-1954), giữa bộn bề gian nan, khói lửa chiến tranh, Bác Hồ đã nhắc nhở giới KTS phải quan tâm “đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê” và trong bộ Luật Kiến trúc 2019 cũng có riêng một điều – Điều 11 “Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn”. Thế mới biết kiến trúc nông thôn quả là vấn đề hệ trọng và đòi hỏi trách nhiệm của giới KTS rất cao. Sau hơn 70 năm nhận thư Bác Hồ, giới KTS Việt Nam cần nhìn lại mình đã làm gì và sẽ làm gì cho nông thôn Việt Nam sau khi có Luật Kiến trúc?
Kiến trúc sư với kiến trúc nông thôn Việt Nam?
Thực tế cho thấy kiến trúc nông thôn luôn bị để lại phía sau trong tiến trình phát triển kiến trúc nói riêng, đô thị hóa Việt Nam nói chung trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Công trình kiến trúc hiện đại có nghiên cứu về kiến trúc dân gian (nông thôn) Việt Nam đầu tiên còn tồn tại đến hôm nay chính là dãy nhà học 1 tầng trường Mỹ thuật Việt Nam, do KTS Ernest Hébrard (1875-1933) thiết kế năm 1924, ngay sau khi tới Hà Nội đảm trách vai trò Giám đốc Sở Kiến trúc Quy hoạch Đông Dương (1923).
Theo nghiên cứu của TS Trần Hậu Yên Thế: dãy nhà lấy ánh sáng từ dãy cửa sổ mở trên cao bức tường các phòng học, phía trước là hành lang rộng với mái hiên và hàng cột đỡ mảnh mai – lấy ý tưởng của những tấm giai che nắng được chống lên các cột gỗ nhẹ nhàng. Thay vì mở lên đóng xuống, mái hiên của những ngôi nhà ở nông thôn miền Trung Việt Nam, chuyển hóa thành vật liệu bê tông cốt thép rất tài tình, đảm bảo các phòng học luôn mát mẻ, khô ráo và ánh sáng phù hợp vào các mùa mưa nắng – yếu tố vô cùng quan trọng cho thầy trò trường Mỹ thuật – Kiến trúc đầu tiên của toàn xứ Đông Dương.
Chính tại ngôi trường này, phong cách kiến trúc Đông Dương được hình thành và phát triển. Do vậy, nhiều thế hệ KTS Việt Nam ưu tú đã đi sâu vào nghiên cứu kiến trúc dân gian (nông thôn) Việt Nam, nổi bật là KTS Nguyễn Cao Luyện cùng với KTS Hoàng Như Tiếp, từ năm 1936-1939 đã đề xuất mô hình “Nhà ánh sáng” để cải thiện nhà ở cho người lao động nghèo tại bãi Phúc Xá (Hà Nội), khi ấy tá túc trong các dãy nhà tranh vách đất dột nát, ẩm thấp. “Nhà ánh sáng” làm bằng vật liệu rẻ tiền nhưng bền chắc. Khung cột bằng bê tông đúc sẵn, vách bằng tre nứa, mái lợp tranh, bàn ghế bằng trúc, mây. Thiết kế hợp vệ sinh và hiện đại, mỗi hộ có một khu vệ sinh ở trong nhà, ứng dụng theo kiểu cách của Hà Lan… Hướng nghiên cứu này có ảnh hưởng tới giới KTS nhiều năm sau, một trong số đó là tác phẩm “Nhà sàn của Bác Hồ” của KTS Nguyễn Văn Ninh.
Tuy vậy, rất hiếm những nghiên cứu về kiến trúc nông thôn có giá trị như của KTS Nguyễn Luận với chủ đề “Nhà ở – như một đơn vị cân bằng sinh thái” Giải thưởng của ACCT (UNESCO) Paris 1978. Nhiều KTS khác cũng đã tìm tòi mô phỏng kiến trúc dân gian, nhưng phần lớn sa đà vào chủ nghĩa hình thức, duy mỹ, hay là những biến thể thương mại nên không đóng góp thực tiễn gì cho kiến trúc nông thôn. Phần lớn KTS Việt Nam có xuất thân từ nông thôn, nhưng chưa bao giờ họ coi người nông dân với thu nhập khiêm tốn là khách hàng tiềm năng, do vậy nông thôn Việt Nam là cánh đồng kiến trúc tự phát, hoang dại quy mô lớn.
Trong Luật Kiến trúc, Điều 11 “Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn” chia thành 2 khoản đô thị và nông thôn. Đối với kiến trúc đô thị có 7 nội dung thì sang đến phần kiến trúc nông thôn có 5/7 nội dung giống đô thị, có thêm 3 điểm riêng cho kiến trúc nông thôn. Tổng 8 điểm liên quan đến kiến trúc nông thôn, nổi bật lên những yêu cầu quy định về hình thức/cấu trúc bên ngoài của kiến trúc.
Tuy nhiên, thiết chế kiến trúc nhà ở nông thôn cần chạm tới con người/nguồn cơn tạo nên kiến trúc: đó là căn tính của người nông dân Việt Nam tạo nên kiến trúc nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đi sâu vào bằng sự so sánh/khác biệt cơ cốt lõi giữa kiến trúc đô thị và nông thôn. Đó là không gian kiến trúc nông thôn không thể tách rời không gian ở với không gian sản xuất nông nghiệp, lấy đơn vị nhỏ nhất là hộ gia đình, cộng đồng lớn hơn là làng xã. Cho dù thay đổi nhiều mô hình: HTX quy mô toàn xã, pháo đài kinh tế cấp huyện, cánh đồng lớn, chuỗi sản xuất theo vùng, trang trại liên kết… những mô hình mới nhanh chóng xuất hiện và cũng nhanh chóng tan biến thì cuối cùng hộ gia đình nông dân, nông thôn, nông nghiệp và ngôi làng gắn kết họ lại với nhau vẫn là không gian bền chặt – thứ mà cả cộng đồng vẫn níu kéo khi các nền tảng vật chất của nó đã bị tan rã. Vậy những hình thức cũng như công năng nhà ở nông thôn nào sẽ là lâu dài để ta định hướng?
Nếu lấy “việc kiến trúc là một việc rất quan hệ” (thư Bác Hồ) thì nói đến kiến trúc không thể tách rời với đất đai – nơi kiến trúc tọa lạc. Điểm chung là đất đai đô thị và nông thôn Việt Nam đều do “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đất đai đô thị hay đất ở nông thôn chỉ là một trong 10 loại trong nhóm đất phi nông nghiệp (còn có 8 loại thuộc nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng). Đất đai tạo nên môi trường định cư sinh sống của con người, kiến trúc là sản phẩm của quá trình đấy, nhưng đất đai trong Luật Đất đai đã được phân loại theo mục đích sử dụng.
Đất đai vốn là sản phẩm của tự nhiên, qua lịch sử đấu tranh sinh tồn, con người đã dựa vào những điều kiện thiên tạo và nhân tạo mà sử dụng nó để duy trì tồn tại. Trong Luật Đất đai đã đặt ngay vai trò định đoạt về quyền sở hữu và mục đích sử dụng nên đã bỏ qua nội dung quan trọng nhất là đất đai nông thôn hay đô thị vốn hình thành để làm cho con người sinh sống an toàn, bền vững và mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Để khắc phục sự hạn chế của bộ Luật Đất đai 2013, ngay trong năm nay (2019), Luật Đất đai đã được dự thảo thay đổi – nó sẽ tác động tới nhiều bộ luật khác mà Luật Kiến trúc cần nhận ra để có nội dung thông tư hướng dẫn phù hợp.
Bài học quốc tế cho thấy, mỗi bộ luật cần làm rõ mục tiêu của mình, ví dụ Đạo luật Quy hoạch sử dụng đất quốc gia Nhật Bản 1950 phần mở đầu ghi rằng “Đất đai quốc gia này là một nguồn tài nguyên hạn chế nhưng được chia sẻ, tạo thành một nền tảng chung cho cuộc sống và sinh kế của người dân… Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng với mục tiêu tiếp tục sử dụng đất phối hợp trong khi ưu tiên cho phúc lợi công cộng và tìm cách bảo vệ môi trường tự nhiên từ quan điểm toàn diện, lâu dài”. Điều đó cho thấy một bộ Luật có quan hệ đến cuộc sống người dân, đất đai và kiến trúc ảnh hưởng trực tiếp tới “Bốn điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ…” (thư Bác Hồ).
Kiến trúc nông thôn có yêu cầu gì khác với kiến trúc đô thị?
Trong Luật Kiến trúc, yêu cầu về kiến trúc đô thị phải “Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên”. Như vậy, giới định đô thị và nông thôn cần được cụ thể hóa khái niệm “giáp ranh”, để mỗi vùng có phương thức tiếp cận khác nhau – Bởi lẽ hiện thật khó xác định ranh giới rõ ràng giữa đô thị và nông thôn.
Trong điểm b, khoản 2 Điều 11 Luật Kiến trúc: “Bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc”. Như vậy, với khu vực nông thôn: nơi ở và không gian sản xuất nông nghiệp không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay không chỉ thuần nông nghiệp mà còn đa dạng hơn nhiều. Trong nông thôn đã có sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp đã phân vùng theo địa hình vùng núi, trung du, đồng bằng, ven sông, ven biển và cả trên sông, biển, hải đảo. Trong các ngành nghề dịch vụ, nông thôn ven biển gắn bó với hạ tầng ngư nghiệp, vận tải biển; Nông thôn ven khu công nghiệp, trường học, trung tâm y tế đã hình thành các dịch vụ nhà trọ cho thợ thuyền, sinh viên hay người nhà bệnh nhân; Nông thôn ven đô là khu nhà cho lao động nhập cư với đủ loại ngành nghề… Đối mặt với sự đa dạng hệ hình, đối tượng này, các nội dung quy định cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ trong thông tư hướng dẫn tiếp theo?
Việt Nam có 63 triệu người đang sống ở nông thôn trong tổng số 96 triệu người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những người nông dân là “lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, có vai trò quan trọng với dân tộc”. Nhưng hôm nay, họ thường xuyên gánh chịu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa? Là giai cấp chủ nhân đầu tiên của lịch sử Việt Nam nhưng bị thu hồi những bờ xôi ruộng mật để được đền bù bằng số tiền nhỏ nhoi, lam lũ cơ cực nhưng cứ mãi nghèo… Chắc ai cũng thấy nông dân là tầng lớp nghèo nhất và đang chịu nhiều thiệt thòi nhất so với mọi nhóm khác. (“Làm Nông”, Nguyễn Lân Dũng – VN Express). Như vậy, làm thế nào để tạo dựng mô hình kiến trúc nông thôn Việt Nam? Để nơi đó không chỉ là nơi cư trú an toàn mà còn là không gian sản xuất nông nghiệp bền vững? Đó không chỉ là những ngôi nhà lòe loẹt trưng bày trong các cuộc thi mà nó là một bộ phận của cỗ máy sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với những đổi thay của biến động kinh tế, chính trị và thiên nhiên môi trường toàn cầu?
Nếu chỉ tính riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, diện tích 15.000km2, từ năm 1930 khi có 6,5 triệu dân, các nhà khoa học địa lý nhân sinh đã cảnh báo là nơi mật độ dân số quá đông, không đủ không gian sản xuất, thì ngày nay dân số đã tăng hơn 3 lần (21 triệu – 2016) mà cũng không thiếu đói, nhưng đã xuất hiện nhiều nguy cơ mới: Thiếu nước sạch, thừa rác thải và nước thải ô nhiễm độc hại do thủy hệ sông hồ bị san lấp bừa bãi và nguy cơ khô hạn biến đổi dòng chảy/hệ thống thủy nông bị chia cắt, thoái biến; Thiếu lao động trẻ, có chuyên môn nên nhiều vùng hoang hóa; Thiếu vốn đầu tư và mô hình sản xuất bền vững; Các hoạt động văn hóa – xã hội tại nông thôn đang dần trở nên đáng lo ngại khi các lễ hội biến tướng thương mại, kết cấu cộng đồng từng bước bị phá vỡ – dẫn đến các nguy cơ tệ nạn phát triển…
Đối mặt tầng tầng lớp lớp các thách thức tới kiến trúc nông thôn, Luật Kiến trúc yêu cầu về kiến trúc nông thôn phải “Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến;… và đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”. Cần có riêng một Nghị định làm rõ những vấn đề cần thiết phải luật hóa trong lĩnh vực kiến trúc nông thôn.
Kiến trúc nông thôn Việt Nam đang trông đợi gì?
Theo các báo cáo về phong trào xây dựng nông thôn mới thì nông thôn Việt Nam đang thay đổi từng ngày… Nhưng rõ là không thể xây dựng nông thôn mới khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Vậy nông nghiệp nước ta có hiện đại không khi hai vùng châu thổ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ bên ngoài? Và nông nghiệp có thể tồn tại khi không có nước? Nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh được không nếu trông vào mấy nhà máy chế biến thực phẩm sạch khi con giống và thức ăn gia súc phụ thuộc vào bên ngoài. Vài dự án trang trại nông nghiệp công nghệ mang tính thương mại hay mấy hợp đồng xuất khẩu rau quả nhỏ lẻ có là nền tảng của nông nghiệp khi hạt giống và phân bón nhập khẩu? Những hình ảnh quảng cáo thương mại không thay thế được bức tranh thực sự của ngành kinh tế, vài ví dụ minh họa mô hình mới không thay đổi được số phận của 63 triệu dân và khi cả nền nông nghiệp vẫn ở mức lạc hậu thì nông thôn mới vẫn chỉ là viễn cảnh xa vời.
Đặt nhiệm vụ cho một bộ Luật Kiến trúc có tác động, nhằm hiện đại hóa nông nghiệp là việc không thể nhưng có tác động tới kiến trúc nông thôn là nhiệm vụ của bộ Luật này.
Kiến trúc nông thôn Việt Nam tương lai có thể dần nhạt phai hình ảnh cây đa bến nước sân đình, bởi lẽ căn cớ hình thành đã tan biến. Có thể nó vẫn được trân trọng lưu giữ như một kỷ niệm trong cộng đồng dân cư vẫn còn tràn đầy kiêu hãnh về gốc gác của mình; Có thể nó sẽ là những biến thể kỳ quặc của một bộ phận có chút tiền bạc nhưng thiếu hiểu biết, hoặc giả nó sẽ tàn lụi dần theo năm tháng bởi sự vô tâm lan tràn. Lũy tre thì đã phá bỏ lâu rồi, ngôi nhà ba gian hai chái nay đã không chịu nổi nóng bức, ngột ngạt, khói bụi ô nhiễm… cũng dần dà trở thành di sản hiếm hoi.
Kiến trúc nông thôn mới Việt Nam đang loay hoay với chính tương lai của mình. Vậy Luật Kiến trúc sẽ tác động như thế nào để “Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến;” (điểm a, khoản 2, Điều 11 Luật Kiến trúc). Luật Kiến trúc xác định “Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội”. Căn cứ vào Nguyên tắc hoạt động kiến trúc: “Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.”
Những hoạt động tại các địa phương có thể tiến hành các công tác phát triển kiến trúc nông thôn của địa phương mình dựa trên nguyên tắc trên. Hãy lấy bối cảnh Hà Nội, Luật Kiến trúc sẽ có vai trò gì trong tác động tới kiến trúc nông thôn ngoại thành trong bối cảnh sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới đồng thời với mở rộng địa giới hành chính, thực hiện quy hoạch chung Hà Nội (2011-2021)?
Ngoài 4 huyện nông nghiệp của Hà Nội cũ, Hà Nội mở rộng gộp thêm cả tỉnh Hà Tây vốn có 11 huyện nông nghiệp, làng nghề, cảnh quan kiến trúc đặc sắc trước đây. Là vùng văn hóa lịch sử Xứ Đoài rất đặc trưng bên cạnh Hà Nội – Kẻ Chợ. Nằm trong châu thổ sông Hồng, còn có các dòng sông Đà, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ và thủy hệ sông Bùi, sông Con, Hoàng Long và vô số sông đào, kênh mương dày đặc. Chạy dọc theo hướng Bắc Nam là cả vùng ruộng trũng/hành lang thoát lũ đảm bảo an toàn cho Hà Nội nhưng trù phú cho kinh tế nông nghiệp địa phương – một vùng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nông nghiệp hiện đại kề bên thị trường tiêu dùng nông sản mạnh mẽ.
Luật Kiến trúc với những công cụ tiềm năng của mình sẽ có cơ hội thể hiện sức mạnh của mình trong việc thực hành giải pháp kiến tạo nông thôn mới Hà Nội hiện đại về công nghệ; Bền vững về môi trường phát triển; Tiết kiệm về năng lượng và đầu tư; Thích ứng với những cơ hội và thách thức mới của kiến trúc đô thị và nông thôn Hà Nội; Luật Kiến trúc có trở thành công cụ thiết yếu và mạnh mẽ hay không, chúng ta hy vọng ngay thông qua tình huống cụ thể này, Luật Kiến trúc sẽ có lời giải thuyết phục!./.
Trần Huy Ánh – Uỷ viên BCH Hội KTS Hà Nội