01/04/2021

Loại bỏ ga ngầm Metro cạnh Hồ Gươm cần được tính tới

Hà Nội lo ngại việc thay đổi vị trí hoặc bỏ ga C9 cạnh hồ Gươm có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả của tuyến metro số 2, tuy nhiên, chuyên gia không nghĩ vậy.

Trước việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) bảo lưu quan điểm xây dựng ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ xâm hại đến quần thể bảo tồn tại hồ Gươm, UBND Hà Nội đã đưa ra 3 phương án yêu cầu các đơn vị chức năng của TP nghiên cứu, đánh giá.

Bên cạnh lựa chọn giữ nguyên như thiết kế ban đầu, 2 phương án còn lại là bỏ hẳn ga C9 hoặc tịnh tiến ga ra khỏi vùng bảo vệ của di tích, tránh ảnh hưởng đến khu vực bảo tồn. Song qua nghiên cứu, BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho rằng việc giữ nguyên vẫn là khả thi nhất và đề xuất TP tiếp tục thực hiện theo phương án này.

Không có phương án hoàn hảo

Theo đại diện MRB, việc tịnh tiến ga ngầm C9 ra khỏi khu vực bảo vệ của hồ Gươm và phụ cận có thể tăng tình trạng lún bề mặt do ga ngầm được dịch chuyển gần một số công trình cao tầng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vị trí ga có thể phải lập, trình và duyệt lại quy hoạch, nguy cơ ảnh hưởng cả dự án trong thời gian khá dài.

Đơn vị này cũng lo ngại việc thay đổi hướng tuyến, vị trí ga có thể nảy sinh khiếu kiện do hành lang tuyến đường sắt thay đổi theo, nâng tổng mức đầu tư của dự án (con số dự kiến là 479 tỷ đồng).

Sau nhiều năm, Hà Nội và các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất được vị trí xây ga ngầm C9. Ảnh: Việt Hùng

Sau nhiều năm, Hà Nội và các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất được vị trí xây ga ngầm C9. Ảnh: Việt Hùng

Đối với phương án bỏ hẳn ga ngầm C9, từ ga C8 đi thẳng đến C10, BQL dự án đường sắt đô thị cho rằng đây cũng không phải là phương án tối ưu, đặc biệt về khía cạnh hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị số 2.

Cụ thể, đơn vị này nhận định bỏ ga ngầm C9 có thể khiến hành khách sụt giảm 95% trên toàn tuyến do khoảng cách ga C8 và C10 xa (2,4 km), không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của khách du lịch và tham quan tại hồ Hoàn Kiếm. Bỏ ga C9 cũng đồng nghĩa với bỏ khu vực hồ Gươm khỏi phạm vi phục vụ của đường sắt đô thị, gây lãng phí và giảm hiệu quả của hệ thống metro nói chung.

Song, điểm cộng của việc phương án là hạn chế đáng kể được tác động của việc xây dựng, hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 2 lên khu vực hồ Gươm và phụ cận, tránh vi phạm Luật Di sản và đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn theo khuyến nghị của Bộ VHTT&DL.

Bên cạnh đó, MRB cũng cho biết phương án bỏ ga ngầm có thể tiết kiệm 745 tỷ đồng (do chỉ phải xây hầm, hệ thống thông hơi, lối thoát hiểm… thay cho cả hạng mục ga).

Vì những lý do trên, MRB kiến nghị TP xin ý kiến của Thủ tướng, cho phép tiếp tục xây dựng ga ngầm C9 theo phương án thiết kế ban đầu. Để giảm thiểu tác động đến quần thể di tích, MRB đề xuất không sử dụng cửa lên xuống số 3 của ga (ngay cạnh hồ) để giảm lưu lượng hành khách.

Chưa thuyết phục

Trao đổi với Zing, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhìn nhận Hà Nội đang gặp phải bài toán rất hóc búa trong lựa chọn vị trí đặt ga ngầm cạnh hồ Gươm. Các phương án đưa ra, không có cái nào hoàn hảo và việc cân đo, đong đếm phải hết sức cẩn trọng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định phương án xây ga ngầm C9 lấn vào khu vực bảo tồn hồ Gươm nên được loại bỏ. Thứ nhất, ông Liên cho rằng đây là di tích quốc gia đã được xếp hạng, cần được bảo tồn và giữ gìn nguyên trạng, nếu xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường khu vực này.

Thứ hai, phương án tịnh tiến ga ngầm ra vị trí khác hoặc bỏ hẳn đều rất đáng cân nhắc bởi nó giải quyết được việc bảo tồn các di sản tại quần thể này. Và giải pháp về kỹ thuật đối với các phương án này cũng không quá phức tạp.

Vị trí ga ngầm C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Việt Hùng.

Vị trí ga ngầm C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Việt Hùng.

“Tịnh tiến ga ngầm không phải cái gì đó quá phức tạp, các nước khác có mật độ xây dựng cao tầng còn lớn hơn ta rất nhiều, nhưng vẫn có thể làm được. Ở đây, chúng ta chỉ cần dịch chuyển vừa đủ để ga ngầm không ảnh hưởng đến vùng bảo tồn của di tích”, ông Liên nói.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh nếu Hà Nội mạnh dạn bỏ hẳn ga ngầm C9 thì có thể tiết kiệm chi phí, vừa loại bỏ hoàn toàn được các tác động của việc xây dựng đối với khu vực di tích tại trung tâm thủ đô.

“Còn việc lo ngại sụt giảm hành khách tôi cho rằng không thuyết phục. Bỏ một ga ngầm mà hành khách giảm đến 95% thì rất vô lý. Chưa kể các nước cũng đang hướng đến đô thị với nhiều không gian đi bộ hơn, thì khoảng cách 1-2 km giữa các nhà ga không phải là xa”, vị giáo sư nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hà Nội và Bộ VHTT&DL sẽ làm việc trực tiếp

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần đề nghị UBND Hà Nội nghiên cứu, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ không gây ảnh hưởng bất lợi đến khu vực bảo vệ các di tích.

Bộ nhận định công trình ga ngầm C9 gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hóa và sinh thái khu vực do nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút 36 m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách 1 m, Bộ Văn hóa cho rằng khi thi công sẽ phải đào đất, làm rào chắn, di dời toàn bộ cây xanh khu vực ven hồ khiến khu vực di tích bị ảnh hưởng.

Bộ Văn hóa cũng lo ngại việc thi công nhà ga sẽ tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Ngoài ra, việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm còn gây tắc nghẽn giao thông khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng quy hoạch ban đầu đã được phê duyệt. UBND Hà Nội và Bộ VHTT&DL dự kiến sẽ có buổi làm việc trong thời gian tới để giải quyết những khúc mắc đối với dự án này.

UBND Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, trong đó 9 km ngầm. Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng.

Gần 9 năm qua, dự án vẫn loay hoay ở khâu phê duyệt quy hoạch. Vị trí các ga khác đã được phê duyệt tư lâu nhưng riêng ga C9 vẫn “bế tắc” do nằm sát di tích hồ Hoàn Kiếm.

Theo phương án được TP Hà Nội lựa chọn, vị trí ga ngầm C9 dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, kích thước dài 150 m, rộng hơn 21 m, sâu trên 17 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Sơn Hà/Zing News