Lễ phát động Cuộc thi Thiết kế công trình cột mốc Km0 tại Khu vực Hồ Hoàn Kiếm – Cuộc thi tạo dấu ấn lịch sử
Sáng nay, ngày 03/06/2020 tại Trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, đã diễn ra Lễ Phát động Cuộc thi Thiết kế Công trình Cột mốc Km0 (Thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm) do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có TS.KTS Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; Ths.KTS Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cùng các đại diện từ Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cùng đông đảo các Nhà điêu khắc, Họa sỹ, Kiến trúc sư, Sinh viên các trường Mỹ thuật, Kiến trúc và các đơn vị tư vấn tham dự cuộc thi.
Ở nhiều nước trên thế giới, km0 là một địa điểm văn hóa, không chỉ là cơ sở để thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của TP, quốc gia mà còn là một điểm đến đặc biệt có tính biểu tượng cao.
Từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng cột mốc Km0. Đến tháng 5/2020, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tổ chức cuộc thi mở rộng nhằm tìm giải pháp thiết kế tốt nhất để xây dựng Cột mốc Km0, một trong những hạng mục quan trọng – điểm nhấn không gian, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Km0 là một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan thủ đô.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Km0 là hạng mục quan trọng. Quy mô không lớn nhưng giá trị về mặt lịch sử, tính biểu tượng rất quan trọng. Chúng tôi đặt ra yêu cầu với tác phẩm phải có kết cấu bền vững, mang ý nghĩa về mặt thời gian, nói lên được giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội nhưng không gây xung đột với cảnh quan xung quanh”
Chính vì vậy, cuộc thi dành cho các tổ chức nghề nghiệp là đơn vị tư vấn, thiết kế, các trường và viện; công dân Việt Nam là nhà điêu khắc, họa sỹ, kiến trúc sư, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, kiến trúc. Theo thể lệ cuộc thi, nhiệm vụ thiết kế mở nên không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình cột mốc Km 0. Người dự thi tự do đề xuất giải pháp đáp ứng các yêu cầu:
- Người dự thi chỉ đề xuất phương án thiết kế Cột mốc Km0 tại các vị trí xây dựng theo thể lệ cuộc thi.
- Về mặt bằng tổng thể: Thỏa mãn yêu cầu chức năng của công trình Km 0, dễ tiếp cận, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ với không gian cảnh quan xung quanh và phải phù hợp với Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã được phê duyệt.
- Về tạo hình: Có ý tưởng sáng tạo độc đáo, mang tính thời đại để tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật của không gian hồ Hoàn Kiếm, vừa đáp ứng tính biểu tượng đặc biệt của công trình cột mốc Km0, vừa thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội, khơi gợi cảm xúc của người dân Thủ đô và du khách;
- Về vật liệu và kỹ thuật: Sử dụng vật liệu và kỹ thuật thi công đảm bảo tính bền vững và khả thi.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết thêm: “Cuộc thi này rất đặc biệt, được bảo trợ bởi cả Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Mỹ Thuật Việt Nam, vì ý tưởng thiết kế là sự hoà trộn giữa mỹ thuật và kiến trúc. Hồ Hoàn Kiếm là vị trí linh thiêng, nên khi chúng ta tác động vào đó, cần đặt thêm tình cảm và tâm huyết vào nữa.”
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng cũng thống nhất quan điểm này. Theo ông, cột mốc là sự kết hợp giữa kiến trúc và mỹ thuật, đó là sự không giới hạn trong thiết kế. Cột mốc sẽ là cầu nối, định vị không gian, điểm bắt đầu cho một dấu ấn quan trọng tại hồ Hoàn Kiếm.
S. KTS Emmanuel Cerise – Viện PRX vùng thủ đô Paris – Thành viên nước ngoài duy nhất trong Hội đồng Ban Giám khảo cũng chia sẻ ý kiến của mình về cuộc thi. Ông cho rằng: “Chúng ta đã biết, Hà Nội là thành phố ngàn năm văn hiến, tuy nhiên, khi thiết kế, chúng ta cần hướng đến một dự án – một mốc khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử mới. Ở Paris, khi cột mốc được xây dựng năm 1984, những đứa trẻ ở Pháp được dạy rằng, đó là trung tâm của nước Pháp. Hy vọng, dự án sẽ là một mốc quan trọng của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.”
Kết thúc buổi lễ, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng, đã đánh 3 hồi chuông, chính thức phát động cuộc thi.
Lễ phát động đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ngoài trao đổi về nội dung và quy chế cuộc thi, quan trọng hơn, Ban tổ chức đã gợi lại cho chúng ta tình yêu về Hà Nội, tình yêu đất nước. Cảm ơn sự quan tâm tham dự của khách mời, ban tổ chức tin rằng, cuộc thi tuy không lớn, nhưng sẽ chạm đến trái tim cảm xúc mỗi con người.
Tại lễ phát động, ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về vị trí thiết kế cột mốc Km0. Theo đó, với 3 vị trí được đề xuất, người tham gia sẽ khó phát huy được hết ý tưởng sáng tạo của mình, vì vậy cần mở rộng thêm vị trí, để cuộc thi có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa.Tiếp nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia tại Lễ phát động Cuộc thi thiết kế công trình Cột mốc Km 0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Ban tổ chức điều chỉnh bổ sung mục Tính chất và vị trí xây dựng công trình trong Thể lệ cuộc thi, vị trí 4 (Người dự thi có thể để xuất 1 vị trí cho cột mốc km0 trong khuôn khổ dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm), chi tiết xem tại Thể lệ cuộc thi: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/thiet-ke-cong-trinh-cot-moc-km-0.html