13/07/2022

Lấy ý kiến điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050

(KTVN) –  Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô – QHCXD Thủ đô) trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Trên cơ sở QHCXD Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành (hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội), quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (Số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009).

Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc như điều chỉnh vị trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, trung tâm thể dục thể thao, một số tuyến đường chính đô thị, các khu chức năng đô thị,… Có thay đổi so với định hướng QHCXD Thủ đô, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung. Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã có những vấn đề mới, đề xuất mới cần phải nghiên cứu khớp nối và xem xét trên tổng thể Quy hoạch chung toàn Thành phố và kết nối liên vùng.

Cùng với tiến trình phát triển đô thị, một số vấn đề chưa được đề cập tại QHCXD Thủ đô mà nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị như: đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh; khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị, nhất là không gian công cộng ngầm, gắn kết với công trình theo mô hình TOD; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị,… và các yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch năm 2017, những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, cấp Vùng và phát triển đô thị, nông thôn ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 08/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; định hướng phát triển tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên, Long Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 463/TTgCN ngày 11/4/2018); định hướng phát triển các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng trở thành quận;… Đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, UBND Thành phố đang triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) theo Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn toàn Thành phố, gắn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Do đó, cần thiết phải triển khai công tác lập Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô để đảm bảo việc nghiên cứu triển khai đồng thời, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô đang nghiên cứu, các quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với những yêu cầu thực tiễn nêu trên, Thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận chủ trương Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại văn bản số 383/TTgCN ngày 26/3/2021. UBND Thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức triển khai lập báo cáo rà soát đánh giá việc thực hiện QHCXD Thủ đô và lập Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định pháp luật về Quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật có liên quan là rất cần thiết và cấp bách.

Để hoàn chỉnh Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng động dân cư tham gia góp ý kiến tại đường link.

VP