Lãng phí gió sông Sài Gòn
Xưa: Người ta quy hoạch để gió sông Sài Gòn thổi sâu vào TP; nay: Những tòa nhà chọc trời tạo nên bức tường thành chắn hết gió sông.
Khi nói đến giá trị của một vùng đất “vàng” thường thì người ta nói đến các yếu tố góp phần làm nên giá trị đó. Chẳng hạn như vị trí, địa thế, địa hình, địa mạo và các quan hệ với tổ chức không gian kiến trúc, xã hội, hệ thống dịch vụ lân cận… của vùng đất đó. Nhưng có một điều rất hệ trọng nữa làm nên “vàng” là không khí, độ ẩm và ánh sáng. Một vùng đất cái gì cũng có nhưng bức bối, nóng nực và không khí không đối lưu được thì giá trị thương mại cũng như giá trị xã hội bị giảm đi rõ rệt, thậm chí không hút được ai đến.
Trong trường hợp sông Sài Gòn thì quả thật gió là một “đặc sản” vô cùng quý báu.
Những trục đường và mái phố bậc thang hứng gió
Sớm nhận thức được điều này nên các nhà quy hoạch người Pháp đã dành cho nó một sự quan tâm đặc biệt mà nhiều nhà quy hoạch ngày nay nói đó là “tầm nhìn xuyên nhiều thế kỷ”.
Trong bản quy hoạch đầu tiên của Coffyn đệ trình lên thống đốc Nam Kỳ (ngày 30-4-1862), những ý tưởng quy hoạch này đã được thể hiện rõ. Sau này, các nhà quy hoạch lừng danh như các ông Betraux, Pugnaire tiếp tục triển khai và hiện thực hóa thành công ý tưởng đó vào thực tế. Tất cả con đường ở khu vực bờ tây sông Sài Gòn (khi đó gọi là phố Tây) đều được thiết kế trực chỉ và bắt đầu từ sông Sài Gòn như các đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các con đường này rất rộng và thẳng băng đảm bảo đón được tối đa gió từ sông để đưa vào sâu trong nội địa, tạo ra sự thông gió cho TP.
Nhìn vào các tấm ảnh chụp các trục đường này vào những năm 1930 sẽ thấy rõ một điều: Phố đi bộ Nguyễn Huệ hôm nay đã trả lại không gian mà nó vốn có trước kia.
Đồng thời, về mặt hình thái học và thiết kế đô thị, các công trình kiến trúc trước 1975 được xây dựng theo lớp giật cấp từ thấp đến cao. Các lớp nhà gần sông Sài Gòn đều thấp tầng, tối đa chỉ có hai tầng cao không quá 12m (như khách sạn Majestic, khách sạn Riverside, trụ sở hải quan, sau đó đến lớp kế tiếp có độ cao tương đương với ba tầng như trụ sở UBND TP, thương xá Tax, bưu điện, tòa án, BV Nhi đồng 2…).
Chính nhờ thiết kế giao thông và công trình xây dựng như thế mà TP luôn luôn thoáng mát, kể cả những lúc giao mùa nóng nhất.
Giờ thay bằng những bức tường chắn gió
Trước 1990, gió từ sông Sài Gòn có thể thổi sâu vào trong TP đến 3 km, thậm chí đứng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi cũng tận hưởng được gió từ sông Sài Gòn.
Nhưng từ sau 1990, tình hình đã thay đổi, vì nhiều lý do khác nhau mà yếu tố “gió” đã không còn là đặc sản ban phát cho người dân Sài Gòn nữa. Bắt đầu từ sự thay đổi trên các trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi bằng một loạt công trình (tính từ sông Sài Gòn lên) như cao ốc Petro, khách sạn Park Hyatt, cao ốc Diamond Plaza, cao ốc Metrpolitan, cụm các công trình cao ốc Kumho Asiana Plaza, khách sạn Sofitel… Tương tự như thế, một loạt công trình cao ốc mọc lên trên các trục đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi như tòa tháp Bitexco Financial, Sài Gòn Center, cao ốc Times Square…
Hơn 150 cao ốc, khách sạn to lớn và cao lừng lững này đã tạo nên các cụm công trình, các bức tường chắn gió làm cho Sài Gòn ngày nay bức bối hơn xưa. Chỉ một thời gian nữa, một loạt cụm công trình tiếp tục mọc lên sẽ tiếp tục phân cách người dân với “đặc sản gió” của sông Sài Gòn.
* * *
Vẫn biết phát triển là phải trả giá. Nhưng gió từ biển, từ sông là thứ tài sản vô giá, trời cho. Nếu không biết giữ gìn và phát huy thì không những đánh mất cơ hội hưởng thụ mà còn phải trả giá nhiều hơn cho sử dụng năng lượng làm mát từng căn hộ, từng ngôi nhà và cả TP.
Hầu hết những TP lớn trên thế giới ra đời và lớn lên từ dòng sông, chúng mang tên của chính dòng sông ấy. Do vậy, việc quý trọng, giữ gìn sông như một tài sản vô giá là trách nhiệm của thế hệ hôm nay dành cho con cháu mai sau.
TS Nguyễn Minh Hòa
Theo Pháp luật TP.HCM