03/11/2020

Làng Cựu phát triển giá trị văn hóa kiến trúc – du lịch làng nghề

Làng Cựu thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40km về phía Nam. Từ một làng thuần nông nghèo những năm đầu thế kỷ 20, người làng Cựu đã phát triển và nổi tiếng trên đất Kinh Kỳ với nghề may vào những năm 1930, 1940. Làng Cựu còn được biết đến với việc sở hữu nhiều biệt thự tráng lệ, kiến trúc giao thoa giữa truyền thống và ảnh hưởng kiến trúc Châu Âu. Hiện nay làng Cựu vẫn còn giữ nguyên được nhiều ngôi nhà có giá trị kiến trúc, các công trình tín ngưỡng và không gian công cộng như đình làng, sân đình, giếng làng,… là đặc trưng kiến trúc của vùng Đồng bằng sông Hồng. Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc làng nghề truyền thống trong nông thôn mới vẫn là bài toán khó quy hoạch cho các địa phương.

Theo nghiên cứu mới nhất nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển mô hình làng nghề du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng” của trường Đại học Xây dựng có nghiên cứu về làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng Cựu được xem như một điển hình, bao gồm tài nguyên vật thể (kiến trúc cảnh quan truyền thống), giá trị nghề, và tài nguyên sinh thái có thể phát triển thành làng nghề du lịch, là điểm đến cho các du khách thích trải nghiệm, khám phá những không gian cổ kính.

Kiến trúc cảnh quan làng Cựu

Làng Cựu vẫn còn giữ nhiều ngôi nhà có giá trị kiến trúc văn hóa đặc sắc thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Các thiết chế không gian công cộng vẫn được lưu giữ bao gồm đình làng, cổng làng, giếng làng. Đình làng Cựu nằm ở vị trí đầu làng, là tổ hợp kiến trúc bao gồm đình làng, sân đình, cây bồ đề cổ thụ, ao sen. Đình làng Cựu không chỉ là công trình tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, mà còn là không gian cộng đồng.

Định hướng quy hoạch chung xã Vân Từ

Không gian kiến trúc cảnh quan làng Cựu

Không gian kiến trúc cảnh quan làng Cựu

Cổng làng bề thế, được xây dựng theo lối quyển thư, tựa như cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách.Vọng gác của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghe đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính, thể hiện sự bề thế của một ngôi làng trù phú. Tổ hợp không gian giếng làng bao gồm khu vực sân phía trước giếng, cây bàng vẫn được lưu giữ ở giữa làng.Giếng làng có cốt thấp hơn mặt đường 2m, có cầu thang dẫn xuống tiếp cận giếng. Cây bàng trước giếng được nhận diện là một trong hai cây cổ thụ (cùng với cây bồ đề trước đình làng) có giá trị cảnh quan cao. Giếng làng Cựu là không gian đa chức năng, vừa là nơi họp chợ, vừa là không gian cộng đồng tụ họp dân làng. Ngoài ra, hệ thống đường làng ngõ xóm vẫn được giữ khá nguyên vẹn thể hiện được tính xác thực cảnh quan, đặc biệt tại các ngõ vẫn giữ được nét đặc biệt qua vật liệu lát đá xanh.

Định hướng quy hoạch chung xã Vân Từ

Định hướng quy hoạch chung xã Vân Từ

Các công trình kiến trúc nhà ở được xây dựng những năm 1920-1945 thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Những người thợ may của làng Cựu xưa kia đi làm ăn xa đã học được cách làm nhà theo kiến trúc Hoa và kiến trúc Pháp tạo nên những công trình có giá trị kiến trúc. Không gian ở tại làng Cựu vẫn giữ nguyên các quan niệm xây dựng nhà truyền thống. Ngôi nhà chính quay về phía Nam, được bao xung quanh bởi khuôn viên sân vườn. Nhà chính (3 gian 2 chái) và nhà phụ tách biệt. Cửa nhà không mở trực tiếp ra đường, việc tiếp cận nhà chính từ đường thông qua khoảng không gian đệm (có thể là sân, hiên, hoặc lối đi giữa nhà). Các chi tiết trang trí kiến trúc pha trộn phong cách Đông Tây vẫn được giữ nguyên vẹn.

Giá trị văn hóa nghề

Nghề trưng diện cho người đời là điểm khởi đầu để những người nông dân làng Cựu phất lên, trở thành những người thợ may đệ nhất Hà Thành từ những năm 20 của thế kỷ XX. Hai người đầu tiên bước chân vào nghề may là anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng. Dần dần nhờ sự cần mẫn và khéo léo của mình từ những nền tảng của cha ông để lại những người thợ làm nghề may truyền thống Vân Từ đã tự thiết kế và cắt ra những sản phẩm mang tính thời đại là những bộ comple phục vụ chủ yếu cho người Pháp và lớp người giàu Hà Nội làm vừa lòng những vị khách khó tính nhất. Sau năm 1945, những thợ may tay nghề cao của làng Cựu ly tán khắp nơi, người ở Hà Nội, người phát triển nghề may vào tận Sài Gòn – Chợ Lớn, cũng có người sang Mỹ, Pháp làm ăn nhưng làng Cựu vẫn được biết đến với thương hiệu may comple có tiếng trong vùng.

Sự suy giảm không gian kiến trúc cảnh quan

Khác với các làng truyền thống nằm tại vùng nội đô và ven đô, nơi sự xuống cấp của cảnh quan lịch sử gây ra bởi sự gia tăng dân số dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc làng truyền thống và hạ tầng không đáp ứng, vấn đề hiện nay làng Cựu đang đối mặt là sự di cư của người làng. Mặc dù số lượng dân cư trong độ tuổi lao động chiếm trên 50%; nhưng do vị trí ở cách trung tâm Hà nội khá gần (40km), người lao động có xu hướng làm việc tại trung tâm thành phố, do đó thường trực trong làng là người già và trẻ em.Hệ quả là số lượng lớn các ngôi nhà để trống. Theo kết quả khảo sát, hơn 50% quỹ nhà cổ hiện nay bị bỏ hoang hoàn toàn, chủ nhà chỉ giữ đất tổ tiên để làm nhà thờ.

Bảo tồn - phát triển các không gian xanh - mặt nước quanh làng

Bảo tồn – phát triển các không gian xanh – mặt nước quanh làng

Sự biến đổi của các giá trị kiến trúc cảnh quan do quá trình xây mới, xây chen, cải tạo của cả chính quyền và người dân địa phương. Ví dụ: việc bê tông hóa các con đường thay cho lớp đá xanh, hệ thống hạ tầng thoát nước xây dựng từ đầu thế kỷ 20 bị thay bằng hệ thống cống xây ngầm, hệ thống cột treo đèn cũng bị dỡ bỏ thay thế bằng cột điện thông thường, việc xây bổ sung các cổng mới có kiến trúc không phù hợp để cho ô tô tiếp cận.

Bài toán bảo tồn và phát triển làng Cựu

Giữ nguyên cấu trúc khu vực làng cổ, giữ nguyên hiện trạng dân cư gồm 9 thôn và 1 cụm dân cư, chỉnh trang để nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Hệ thống đường: Giữ nguyên cơ cấu của hệ thống giao thông cũ, không thay đổi vị trí, bề rộng hệ thống đường đi hiện có trong làng, chỉ thay đổi nền, lớp mặt với những đoạn đường xuống cấp , vật liệu tôn tạo phù hợp với cảnh quan chung.

Hệ thống cây xanh cảnh quan: giữ gìn tối đa thảm thực vật, mặt nước hiện có, đặc biệt bảo tồn các luỹ tre làng, các cây cổ thụ trong di tích, các ao hồ…, bảo tồn hệ thống đồng ruộng , cảnh quan sinh thái đồng ruộng hiện có.

Hệ thống các công trình kiến trúc: Giữ nguyên hình dáng cấu trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, các công trình công cộng, cho phép cải tạo nội thất để phù hợp với

chức năng mới. Bổ sung các khu vực mới bên ngoài làng, thận trọng trong việc giữ quỹ không gian mặt nước và cây xanh để đảm bảo giá trị sinh thái. Tận dụng cải tạo các không gian cây xanh bỏ hoang, có góc nhìn, cảnh quan tự nhiên đẹp thành các không gian nghỉ ngơi, vui chơi. Với các không gian mặt nước cải tạo, thêm các dịch vụ câu cá, làm điểm tham quan chụp ảnh , ngắm cảnh trò chuyện.

Cần quy hoạch tốt để bảo tồn và phát triển những không gian xanh cho làng

Cần quy hoạch tốt để bảo tồn và phát triển những không gian xanh cho làng

Với quỹ biệt thự cổ bao gồm gần 50 nhà, đây cũng là hướng nhằm khai thác không gian, song hành là việc tăng vốn để tái đầu tư vào bảo tồn và phát huy giá trị biệt thự cổ. Từ vốn nhà cổ bảo tồn và cải tạo, sử dụng thích nghi nhằm sử dụng hiệu quả không gian, tăng giá trị kinh tế, ví dụ như trở thành các showroom nghề truyền thống, nhà hàng, không gian thử nghiệm nghệ thuật, homestay.

Khôi phục lại thương hiện may tại làng Cựu: (1) Duy trì nghề may, tìm thêm các thị trường xuất khẩu, tạo nên thu nhập ổn định cho người dân; (2) Đào tạo và phát triển dòng sản phẩm thời trang để tạo nên thương hiệu mang tên Làng Cựu, thiết kế và may đều tại làng Cựu, do người dân làng Cựu thực hiện.

Làng Cựu được xem như một điển hình về làng nghề và không gian kiến trúc cảnh quan cũng như nhà ở cổ. Việc bảo tồn và tôn tạo các giá trị làng nghề truyền thống, làng cổ là việc cần làm ngay khi có chủ trương quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, nhằm phát một cách bền vững.

Quỳnh Chi

 

ntm (2)