27/09/2018

Làm thế nào để quản lý tốt chất thải rắn tại các đô thị Việt Nam?

Có thể nói, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) tại các đô thị Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, trước thềm hội thảo về quản lý CTR, UN-Habitat gợi mở một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Quản lý CTR tại các đô thị Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của UN-Habitat (Tổ chức Định cư và Quyền con người của Liên Hiệp Quốc), trong vòng ba thập kỷ trở lại đây, quá trình đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Tỷ lệ đô thị hóa được dự báo sẽ tăng từ 33% vào năm 2014 lên 40% vào năm 2020.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số thách thức cho các đô thị như bất bình đẳng thu nhập, phát triển phi chính thức, thiếu hụt hạ tầng và dịch vụ cơ bản, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Báo cáo năm 2010 của UN-Habitat chỉ ra rằng, quản lý chất thải rắn luôn là một trong năm thách thức lớn nhất đối với các nhà quản lý đô thị, tác động đến tăng trưởng bền vững, nhưng lại ít được quan tâm hơn so với các vấn đề khác.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần 70% các thành phố xác định quản lý chất thải rắn là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường. Chỉ tính chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở các đô thị đã chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước mỗi năm.

Phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp, ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt mới có gần đây. Hoạt động tái chế rác thải vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Có thể nói, việc quản lý CTR tại các đô thị Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc như thiếu vốn và công nghệ, ý thức người dân chưa cao, quy hoạch đô thị không đồng bộ, hệ thống pháp lý cần được tăng cường hơn về phân công, phân cấp, năng lực quản lý kỹ thuật của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của các dự án công nghệ với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng vẫn còn là dấu hỏi lớn. Công nghệ nước ngoài phần lớn không phù hợp do điều kiện không phù hợp về chất thải rắn (thời tiết, thói quen sinh hoạt). Nguồn lực trong nước còn gặp nhiều bất cập phải hoàn thiện công nghệ mới có khả năng nhân rộng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn

UN-Habitat cho rằng, xu hướng tiêu dùng, sản xuất, vòng đời sản xuất sản phẩm, hành vi công chúng, hệ thống quản trị đô thị, năng lực của lãnh đạo thành phố và các mô hình tài chính sáng tạo đều là một phần giải pháp quản lý chất thải rắn.

Ngoài ra, sự tham gia một cách minh bạch, hợp pháp của các chủ thể, bao gồm bên phát thải, bên tái chế và bên thu gom cũng là một yếu tố quan trọng. Lồng ghép tái chế rác thải phi chính thức trong nền kinh tế, kết hợp với đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người thu gom rác thải sẽ tạo nên thay đổi cho công việc phi chính thức và nguy hiểm này. Xây dựng thị trường cho các sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn được làm từ rác thải sẽ góp phần lồng ghép ngành rác thải phi chính thức vào trong nền kinh tế.

UN-Habitat đề xuất xây dựng giải pháp dựa trên nguồn lực, thế mạnh của mỗi đô thị, bất kể là chính thức, phi chính thức hay là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt sẽ giúp các thành phố học hỏi được lẫn nhau.

Hơn nữa, UN-Habitat còn thúc đẩy “Khung quản lý Chất thải rắn Tổng hợp”, bao gồm: dịch vụ thu gom rác thải; bảo vệ môi trường thông qua xử lý, thải rác hiệu quả, kết hợp với quản lý tài nguyên; các giải pháp hiệu quả về mặt chi phí, giá rẻ và hòa nhập, công nhận vai trò của khu vực phi chính thức và doanh nghiệp quy mô nhỏ trong mục tiêu hướng tới tỷ lệ tái chế cao.

Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng. UN-Habitat cho rằng, chính quyền địa phương có thể phối hợp với các tổ chức xã hội hay các nhóm vận động chính sách để thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức trong trường học, đây là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn.

Cẩm Anh/Môi trường và Đô thị