05/06/2017

Kỳ vọng ngành vật liệu xây dựng

Với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản và chủ trương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, kỳ vọng ngành vật liệu xây dựng sẽ phát triển thuận lợi hơn.

w620h405f1c1-files-articles-2017-1201168-mg-4127-out-1496627085689-crop-1496627093396

Với việc Chính phủ tiếp tục có chính sách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng sẽ tiếp tục phát triển. Hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng đã được khởi công trong thời gian qua, đặc biệt gần đây nhất là đường cao tốc Bắc – Nam đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư và vài ngày tới sẽ được trình Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ ba.

Trong khi đó, ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn khi có tác động lan tỏa tới nhiều ngành khác cũng giúp nhu cầu xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng tăng cao hơn, gián tiếp tác động tới sự tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng.

Tính đến năm 2016, theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì ngành du lịch đóng góp trực tiếp 6,1% và gián tiếp 14% vào GDP. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần đây đang có dấu hiệu nóng trở lại, đặc biệt tại những tỉnh – thành phát triển mạnh về du lịch với lượng du khách tăng trưởng cao qua các năm.

Thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2016, tốc độ đô thị hóa đạt 33,08%, trong khi các thành phố lớn bị quá tải do sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành thị, từ đó gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, dẫn đến nhu cầu phát triển các đô thị vệ tinh. Điều này sẽ làm cho giá nhà đất và nhu cầu xây dựng ở các vùng ven các thành phố lớn tăng mạnh.

Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, các chủ đầu tư cũng khắt khe và chặt chẽ hơn trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, dẫn đến sản phẩm có chất lượng đảm bảo sẽ tăng, trong khi các mặt hàng làm giả, làm nhái sẽ dần mất thị trường. Đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản gia tăng thị phần và tăng trưởng tích cực hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức không dễ vượt qua. Thứ nhất là thuế nhập khẩu nhiều loại vật liệu xây dựng đã giảm về 0% theo quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, do đó hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực sẽ tràn vào ồ ạt, khiến các doanh nghiệp trong nước chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu một số mặt hàng có xuất xứ từ châu Âu cũng sẽ được giảm về 0% từ năm 2018. Cùng với việc đồng EUR đang yếu cộng với thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp các mặt hàng từ châu Âu có thể giảm giá đáng kể và chiếm thị phần không nhỏ tại Việt Nam.

Thứ hai là với công nghệ phát triển nhanh, ngành vật liệt xây dựng trong nước có thể gặp khó khăn do không đủ điều kiện để cập nhật kỹ thuật mới, từ đó sản phẩm có thể trở nên lỗi thời, giá thành cao và không đáp ứng được các điều kiện về môi trường. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh, nhiều nhà máy chuyển dần sang tự động hóa với việc thay thế công nhân bằng robot, doanh nghiệp nào không bắt kịp sự thay đổi sẽ rất dễ bị đào thải.

Ngành vật liệu xây dựng là một trong những ngành kinh tế sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên không thể tái tạo được như khoáng sản, cát, đá, sỏi và tiêu thụ năng lượng điện rất lớn. Với việc sử dụng nhiều nguyên liệu, tiêu thụ nhiều năng lượng và thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường nên nếu ngành vật liệu xây dựng không sớm có các giải pháp hữu hiệu thì khoáng sản sẽ nhanh cạn kiệt và môi trường càng ô nhiễm nặng.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, phát triển vật liệu xây dựng xanh được quan tâm nhiều hơn, theo đó nhiều công trình trên thế giới đã ưu tiên sử dụng các sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường.

Nếu như ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo cách truyền thống như hiện nay,không sớm có những thay đổi thì sản phẩm xanh sẽ thay thế dần, đó cũng là một trong những thách thức của ngành này trong tương lai không xa.

Theo KHÁNH PHƯƠNG

Doanh nhân Sài Gòn