11/02/2022

Kỳ vọng diện mạo mới của thủ đô

Hà Nội phấn đấu đạt được những mục tiêu cao đã đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Năm 2021 là thời gian đặc biệt khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng TP Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội. Những kết quả đạt được trong năm 2021 là tiền đề quan trọng để thành phố phục hồi và bứt phá trong năm 2022 với những mục tiêu cao hơn.

Nhiều điểm sáng

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết năm 2021, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục tạo chuyển biến mới. Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (tổng diện tích 2.710 ha), 1 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, 19 đồ án đang thẩm định…

Diện mạo thủ đô ngày càng khang trang

Hà Nội đã nhận bàn giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; mở mới 14 tuyến xe buýt; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt… Thành phố đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 5 dự án tái định cư; tiếp tục triển khai, hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh với gần 300.000 cây các loại, trong đó có trên 100.000 cây đô thị.

Ngoài ra, cải cách hành chính ở Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế – xã hội cũng như tuyên truyền phòng chống Covid-19… Nhờ đó, thành phố đã bảo đảm tiến độ công việc trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác.

Kinh tế – xã hội của Hà Nội tiếp tục phát triển. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 2,92%, cao hơn bình quân chung cả nước (2,58%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 12,3% dự toán trung ương giao, vượt 5,3% dự toán HĐND TP Hà Nội giao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Hà Nội có nhiều đổi mới; an ninh – quốc phòng được giữ vững. Hà Nội vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố gặp khó khăn. 100% xã ở Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới, 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Không chỉ thực hiện tốt chính sách chung của Chính phủ, Hà Nội còn ban hành chính sách riêng hỗ trợ thêm 10 nhóm đối tượng…

Phấn đấu phát triển toàn diện

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết năm 2022, thành phố sẽ tập trung kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hành động và sáng tạo với 22 chỉ tiêu phát triển để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7%-7,5%. Trong đó, tập trung 5 nhóm trọng tâm thích ứng linh hoạt, phục hồi phát triển từng ngành, lĩnh vực.

Năm 2022 sẽ là năm Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện; là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai các kế hoạch quan trọng như: “Kiến trúc chính quyền điện tử TP Hà Nội”, “Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; hoàn thiện Đề án “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”.

Về những chủ trương, dự án lớn mà Hà Nội quyết tâm triển khai thực hiện thời gian tới, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, ngoài các giải pháp chung với quyết tâm vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%-7,5%, thành phố còn đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực. Cụ thể: nâng cấp hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, xây dựng một số bệnh viện ở cửa ngõ thành phố; phát triển giáo dục – đào tạo để Hà Nội xứng đáng là trung tâm giáo dục của cả nước; tập trung phát triển văn hóa, đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị của 5.922 di tích trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho hay Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 để tạo động lực phát triển mới cho thủ đô, thúc đẩy phát triển những vùng còn khó khăn như khu vực phía Nam thành phố. Hà Nội cũng sẽ quyết tâm thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm chỉnh trang đô thị, đặc biệt là nâng cao đời sống, bảo đảm an toàn cho người dân…

“Năm 2022, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021 là rào cản thực sự đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước cũng như của thủ đô. Mục tiêu của TP Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân” – Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nhiều dự án, kế hoạch trọng điểm

Trong năm 2022, Hà Nội sẽ hoàn thiện nhiều dự án, kế hoạch trọng điểm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô.

Theo dự kiến, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội, đoạn đầu của tuyến Nhổn – Hoàng Mai (tuyến đường sắt số 3) phần nổi dài 8,5 km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng ngay, còn phần ngầm phải hoàn thành vào năm 2025. Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – được khởi công từ tháng 10-2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng – dự kiến vào quý IV/2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư trên 2.500 tỉ đồng – nhằm khép kín tuyến Vành đai 2, tăng cường kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc – dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022.

Bạch Huy Thanh/Người lao động