Kỷ lục Việt Nam: Hơn 300 căn nhà ở xã hội bán 15 lần vẫn ‘ế’
Dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) phải mở bán đến lần thứ 15, sau 14 lần mở bán mới chỉ bán được 188/346 căn.
Mở bán 15 lần vẫn “ế” nửa dự án
Mới đây, theo thông báo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự án NƠXH Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) do Công ty cổ phần tập đoàn CEO làm chủ đầu tư phải mở bán lần thứ 15.
Sở Xây dựng cho biết, tổng số căn hộ để bán là 346 căn nhưng bán từ đợt 1 đến 14 mới chỉ được 188 căn. Lần thứ 15 này, chủ đầu tư thông báo bán 158 căn. Riêng số căn hộ cho thuê trong dự án là 86 căn vẫn còn nguyên đến đợt mở bán lần này.
Đợt mở bán lần thứ 14 vào đầu tháng 7/2018 chỉ có 15 đối tượng mua.
Còn tại dự án NƠXH ở Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) do liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai – Công ty cổ phần Vinaconex 21 làm chủ đầu tư cũng thông báo mở bán đến lần thứ 5. Theo đó, tổng số căn hộ bán 432 trong đó có 261 căn đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội từ đợt 1 đến đợt 4. Số căn hộ mở bán đợt 5 là 171 căn.
Dự án NƠXH tại Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư cũng trong cảnh mở bán nhiều lần. Mới đây, chủ đầu tư thông báo mở bán đợt 4 (nhận hồ sơ từ 15/10- 15/11/2018). Theo đó, số căn NƠXH để bán là 405 căn. Số căn hộ đã bán (từ đợt 1 đến đợt 3) được 126 căn; số căn hộ còn lại là 279 căn. Số căn hộ cho thuê còn nguyên 99 căn. Trong danh sách bán đợt 3 lần trước của Cty TNHH Thăng Long gửi lên Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 35 đối tượng mua.
Bán đi bán lại nhiều năm nay còn có dự án NƠXH Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) do Cty Hải Phát làm chủ đầu tư. Tổng số căn NƠXH 1.150 căn nhưng đến nay vẫn còn 421 căn đang bán.
Cung không bám cầu, bán không ai mua?
Có thể thấy, nếu như trước đây, nhiều dự án NƠXH luôn trong cảnh “cháy hàng”, người mua nhà phải chật vật bốc thăm, xếp hàng để có suất mua NƠXH thì nay nhiều dự án lại lâm vào cảnh “ế” hàng thậm chí mở bán hơn chục lần vẫn còn đến một nửa.
Một giám đốc doanh nghiệp làm NƠXH cho rằng, việc NƠXH “ế” cũng do nhiều yếu tố. Có thể kể đến như quy định phải 5 năm (trước đây là 10 năm – PV) người mua nhà mới được bán nhà khiến nhiều người muốn mua NƠXH phải quay ra tìm mua nhà thương mại. Cũng theo vị này, quy định về đối tượng mua NƠXH khiến đầu ra bị thu hẹp, đáng ra dự án đó họ có thể bán cho vài chục ngàn đối tượng quan tâm thì nay chỉ còn vài ngàn người thuộc đối tượng mua NƠXH.
Trong khi đó, thực tế nhu cầu của người dân tại các đô thị lớn trong đó có Hà Nội vẫn rất lớn đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình. Nghịch lý NƠXH dù nguồn cung khan hiếm nhưng vẫn “ế hàng” xảy ra cũng được cho là do các dự án đều nằm ở ngoại thành, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.
Anh Duy (31 tuổi) cho biết, hai vợ chồng trẻ đều ở quê lên Hà Nội làm, hiện đang thuê nhà tại Đống Đa, Hà Nội. Do vốn không có nhiều nên hai vợ chồng cũng xác định tìm mua NƠXH để có thể cân đối được chi phí tài chính. Tuy nhiên, nhiều tháng nay gia đình đi tìm mua NƠXH khu vực Cầu Giấy, Hoàng Mai nhưng không tìm được. Anh Duy chia sẻ: Số tiền hai vợ chồng dành được cũng đủ để mua NƠXH nhưng những dự án trong khu vực nội thành đến nay đã bán hết còn những dự án đang mở bán lại ở quá xa không thuận tiện cho công việc của cả hai vợ chồng.
“Tôi được biết, hiện nay cũng có gói vay lãi suất 4,8% nhưng nguồn vốn hạn chế việc tiếp cận cũng vô cùng khó khăn. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi. Tính đi tính lại bài toán kinh tế vẫn chưa ổn nên giờ vẫn chờ xem có dự án nào phù hợp” – anh Duy cho hay. Đây cũng là rào cản của nhiều gia đình trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân sâu xa những người làm chính sách hiểu rất phiến diện về nhà ở. Nhà ở chỉ là một phần của nơi ở. Cái người dân cần là nơi ở chứ không phải chỉ là nhà ở. Nơi ở phải có hạ tầng chứ đường xá, điện nước không tốt thì cũng không ai ở, thứ hai là môi trường xung quanh phải đáp ứng nhu cầu làm việc, kiếm ăn của con người.
“Bây giờ muốn làm NƠXH rẻ tiền anh xách ra bên ngoài ngoại ô xa tít, đất ở đó rẻ nhưng sau khi mua nhà người dân kiếm ăn ở đâu? Cho nên người dân không ra ở đó, bán không ai mua chỉ có một số ít người gần đấy thì may ra họ mua thôi” – ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, hiện đang có tình trạng làm nhà ở xã hội thoát ly khỏi thị trường.
Ông Liêm phân tích: “Thoát ly khỏi thị trường là anh chọn nơi đất rẻ chỉ lo cung không lo vấn đề cầu. Trong khi đó, thị trường là phải cần bằng cung cầu, có cầu thì có cung. Đằng này anh chỉ lo cung còn ai cầu anh không biết. Đấy là những sai lầm rất lớn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu vấn đề, bây giờ nói việc ở ngoại thành, người ta ở nhà đất xung quanh có vườn rau, nuôi con gà, con vịt cho người ta lên nhà tầng vài chục tầng họ cũng chẳng thích. Bây giờ có cho chưa chắc người ta ở.
Vị này cũng cho rằng, dù thị trường không có nhu cầu NƠXH xa trung tâm nhưng chủ đầu tư vẫn xin đầu tư xây dựng, chỉ cốt có dự án để nhận hàng loạt ưu đãi còn dự án có bán được hay không thì cũng không phải là vấn đề quan tâm.
“Tách vấn đề kiếm sống ra khỏi nơi ở là sai lầm trong chính sách nhà ở hiện nay” – ông Liêm nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2018, đã hoàn thành 100 dự án chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô khoảng 41.000 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 2 triệu m2. Ước tính đến 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu này cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Mới đây, trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, NƠXH trong đó nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp và các hộ nghèo trong đô thị luôn được chúng ta quan tâm và là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.
“Theo chiến lược nhà ở quốc gia, so với yêu cầu về nhà ở cho công nhân và NƠXH mới đạt 3,8 triệu m2 trên 10 triệu m2. Như vậy, thực tế, cung cầu mất cân đối, nguồn cung nhà ở xã hội trong đó nhà cho công nhân các khu công nghiệp đang thiếu gay gắt”, ông Hà cho biết.
Hồng Khanh/Vietnamnet