KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không chỉ chống ngập mà còn tận dụng ngập
Cứ mưa là ngập, bất chấp các bên đổ lỗi cho nhau nào là do đường ống thoát nước chưa tốt, nào là cốt nền thấp, nào là mưa nhiều… Điều đó tuy không sai, nhưng chưa đủ.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cần đổi mới cách tư duy, cần có cái nhìn tổng thể và khoa học hơn, thì mới giải quyết được vấn đề ngập lụt.
– Người ta tìm ra được năm nguyên nhân ngập sâu sau trận mưa lịch sử vừa qua. Ông nghĩ gì về điều này?
– Tất cả các nguyên nhân đó đều không sai, nhưng đó chỉ là những phần nhỏ của bức tranh toàn cảnh. Vùng thấp ngập đã đành, nhưng vùng cao như Đà Lạt tại sao cũng ngập?
Nhìn toàn cảnh Việt Nam, đô thị nào cũng bị ngập khi phát triển nóng. Đó là do chúng ta phát triển chưa bền vững. Cách tư duy quy hoạch đô thị và tư duy giải quyết ngập lụt hiện nay có rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi.
– Nhiều người tỏ ra thận trọng trong cam kết chống ngập ở TPHCM?
– Đây là vấn đề kéo dài nhiều năm mà muốn cam kết thì phải dựa trên tư duy khoa học. Người dân chỉ nhìn thấy khía cạnh bất tiện, thiệt hại về kinh tế, hạ tầng yếu kém trước mắt. Nhưng nếu để kéo dài thì sẽ xảy ra bao vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như hoạt động thành phố tê liệt, dịch bệnh lan truyền.
Chỉ mới là vấn đề ngập cục bộ mà ta đã loay hoay nhiều chục năm, trên thực tế còn nhiều khó khăn hơn chưa được giải quyết, như chuẩn bị cho nguy cơ biến đổi khí hậu – nước biển dâng.
Tác động đến ngập lụt là vấn đề hoàn toàn của khoa học tự nhiên, có thể số hóa được. Chúng ta hoàn toàn có thể tính được lượng mưa xuống đất bằng hệ thống quan trắc, đo được diện tích mặt bêtông hóa và sử dụng đất, và đo độ dốc của nền đất, khối tích sông hồ kênh rạch.
Tùy theo hiện trạng đô thị cũ – mới mà có giải pháp cho từng khu. Không phải cứ ngập là làm cống hoặc nâng đường, mà còn có thể quy hoạch chỉnh trang và các giải pháp khác.
Ta hoàn toàn có thể thiết kế những khu đô thị mới hoàn toàn không ngập khi dựa trên khoa học tự nhiên, nhưng nếu sau đó quản lý đô thị không nghiêm để cho ngập, thì nó lại trở thành vấn đề xã hội (ví dụ để cho bê tông hóa quá cao, dân xả rác bít đường cống, nhà đầu tư lấp kênh làm dự án).
Vấn đề ngập càng được kéo nghiêng về phía khoa học chừng nào (thiết kế tốt, quản lý tốt), thì càng giải quyết dễ dàng hơn so với khi để nó trở thành vấn đề xã hội.
– Không ít người cho rằng phát triển đô thị ở Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm làm cho bờ Tây TPHCM bị ngập?
– Nói như vậy là thiếu suy xét sâu, là phi khoa học. Nếu phát triển vùng thấp làm cho vùng cao ngập, thì đô thị Nam Sài Gòn phải ngập trước, vì độ cao nền thấp hơn bờ Tây Sài Gòn. Thực tế, khi bờ Tây ngập nặng thì Phú Mỹ Hưng ngập nhẹ hơn nhiều.
Nói vùng thấp là túi chứa nước của toàn vùng lại càng vô lý, vì vùng cao vẫn cần “túi chứa nước” của mình, vì không có đủ nước ngầm thì đất sụt.
Thực tế cho thấy, không thể chỉ xem xét hướng thoát nước của nền từ bắc xuống nam và ra biển, mà trước hết phải thoát nước tốt từ nền đô thị ra sông rạch trước, dù là vùng cao hay thấp, vì đây là không gian chứa nước quan trọng nhất.
Khi vài người có danh đưa ra những lời khuyên phi khoa học mà không ai phản bác, và thông tin lan truyền trên internet, thì cho dù sau đó nhận được các đề xuất khoa học, các nhà lãnh đạo vẫn sẽ bị rối trí, không quyết định được.
Do vậy, nếu họ tiếp tục nói không thể phát triển đô thị vùng thấp vì sẽ gây ngập vùng cao, thì xin hãy yêu cầu họ dẫn chứng một tài liệu khoa học có giá trị đã được thẩm định ở nước ngoài,hoặc một điển cứu đã có trên thế giới?
– Nói như thế thì trên thế giới người ta thường làm như thế nào?
– Trên thế giới, cho dù phát triển vùng thấp hay vùng cao đều phải quy hoạch không gian cho nước ở mọi nơi, không để cho cống thoát hàng mấy cây số mới thoát ra kênh.
Riêng vùng thấp phải dành nhiều diện tích cho cây xanh mặt nước hơn. Có hàng trăm điển cứu phát triển đô thị vùng thấp tốt như vậy, bao gồm London, Boston.
Tuy khả thi, nhưng việc phát triển vùng thấp của TPHCM vẫn nên hạn chế quy mô nhỏ hơn nhiều so với vùng cao, không phải vì nó gây ngập vùng cao, mà vì chi phí xây dựng cao, và vì nguy cơ thiệt hại cao nếu nước biển dâng sau này.
– Đổi mới tư duy khoa học nên bắt đầu từ đâu, theo ông?
– Theo tư duy khoa học, phải nghiên cứu kỹ hiện trạng trước khi đưa ra giải pháp, dựa trên phân tích tổng hợp theo phương pháp khoa học. Ở ta, giải pháp chống ngập còn rất cảm tính, nhìn từng dự án thì thấy hữu lý, nhưng tổ hợp các dự án lại mâu thuẫn nhau do thiếu cơ sở nghiên cứu hiện trạng tổng hợp.
Ở các nước, tất cả các ban ngành đều có hệ thống thông tin được số hóa thống nhất về hiện trạng, từ cao độ nền và công trình, độ dốc thoát nước, độ sâu hệ thống kênh rạch, hệ thống cây xanh,…
Tới nay chưa có thành phố nào của Việt Nam có được hệ thống thông tin số hóa này. Bước đầu tiên là nắm hiện trạng chúng ta chưa có, thì làm sao có cơ sở khoa học để giải quyết hiệu quả vấn đề đô thị, từ ngập lụt, kẹt xe, đến ô nhiễm đô thị.
– Ông nói vẫn còn các khía cạnh khác, như ngập lụt mang đến lợi ích?
– Tư duy tận dụng để ngập lụt đem lợi ích cho đô thị và có giải pháp toàn cục hiệu quả trong điều kiện ngân sách thấp, thay vì chỉ chống ngập, thì tôi chưa thấy được áp dụng ở TPHCM.
Ngập lụt có thể đem lại lợi ích khi được điều hướng, như làm tăng tỷ lệ nước ngọt ngầm dưới đất cho đô thị, làm giảm sụt lún và hiện tượng “hố tử thần”, giảm nhiễm mặn từ biển.
Ngoài ra, có thể chỉnh lý thoát nước để giúp cho đất màu mỡ hơn, giúp rửa sạch bề mặt đô thị, cân bằng sinh thái, và tạo sự di cư cho một vài loài cá.
– Ông nghĩ vì sao thành phố cứ mãi loay hoay như vậy?
– Nếu phát triển đô thị với ý thức trả lại cho môi trường những gì của môi trường thì sẽ làm cho thành phố hết ngập. Tính toán không khéo, điểm ngập chỉ chạy từ điểm này sang điểm khác.
Theo nghiên cứu, thông thường, khi mưa xuống đất thiên nhiên thì 40% bốc hơi, 10% chảy trên bề mặt, 50% thấm vào đất. Đô thị có quy hoạch thì độ thấm vào đất có lẽ chỉ 15%, còn 55% thoát trên bề mặt và theo cống.
Nhưng ở TPHCM, do bêtông hóa quá cao, nên thấm vào đất có lẽ chỉ 5%, làm cho 65% thoát bề mặt, rất dễ gây ngập nếu giải pháp thoát nước không phù hợp.
Do đó, nếu chúng ta chỉ tính toán cống thoát theo vũ lượng tối đa 100 năm thì vẫn không đủ, vì vẫn chưa tính đến các yếu tố khác, như việc bê tông hóa làm nước thoát nhanh từ khu lân cận dồn về, do đó có làm cống to mấy cũng ngập.
– Theo ông, đâu là những điểm căn bản trong chiến lược chống ngập ở thành phố?
– Ta không nên chỉ chống ngập, mà nên quản lý thoát nước ngập (urban flood control), vừa giảm tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích của ngập.
Cần có chiến lược thoát nước cho toàn thành phố để định hướng các dự án nhỏ giúp nước thoát không gây ngập mà chảy dần vào hệ thống sông ngòi kênh rạch và vào mặt đất.
Cần đánh giá, nghiên cứu khoa học cả những khu ngập và không ngập, vì có liên quan đến nhau.
Cần ngừng lại chuyện lấp kênh rạch để thay bằng cống hộp, bởi lượng nước chứa trong kênh và có thể thấm vào đất chắc chắn lớn hơn lượng cống thoát rất nhiều.
Thứ hai, phải tư duy đa ngành, đa chiều. Vấn đề thoát nước nếu nhìn đơn ngành thì chỉ lo làm cống thoát và ngăn triều, nếu nhìn đa chiều thì phải làm sao phối hợp với quy hoạch đô thị và các lãnh vực khác, để thoát nước theo hướng bền vững, vừa không ngập vừa có ích.
Cốt thoát nước, cốt nền đô thị phải quản lý rất chặt. Rất tiếc, ngay thời điểm này, quy hoạch cốt nền hạ tầng và cốt giao thông của thành phố chưa thống nhất được với cốt quy hoạch kiến trúc. Để quản lý được chuyện này phải có tư duy kết hợp nhiều ban ngành.
– Ông có chắc giải pháp chống ngập của mình sẽ khiến thành phố hết ngập?
– Hiện nay, thành phố đang chống ngập sai hướng, nên càng đi xa càng sai và càng tốn kém mà không hiệu quả. Nếu định hướng lại cho đúng thì sẽ chắc chắn đến đích là quản lý được hoàn toàn vấn đề ngập lụt đô thị.
Tiền đề cho giải pháp hiệu quả của một vấn đề bế tắc hàng chục năm và đi sai hướng như vậy, cần có sự thay đổi tư duy, mà trước hết là một định hướng đúng và cơ chế hiệu quả. Về mặt định hướng, cần chuyển đổi tư duy từ “Đơn ngành – thiếu phối hợp – thiếu khoa học” sang “Đa ngành – phối hợp tốt – khoa học”.
Về mặt cơ chế, cần có một nhóm lãnh đạo của nhiều sở và ban ngành đứng đầu bởi một người có quyền hạn phó chủ tịch UBND trở lên, sẵn sàng nhận trách nhiệm và được thành phố tạo quyền hạn tương xứng với trách nhiệm đó, thì việc quản lý ngập lụt đô thị theo mong muốn là một điều hoàn toàn chắc chắn làm được.
Có được hai tiền đề đó, nhiều chuyên gia, bao gồm tôi, sẵn sàng cùng góp phần cùng với các nhà lãnh đạo, cam kết giải quyết dứt điểm vấn nạn ngập lụt này trong một thời hạn xác định.
Theo TGTT (Kim Yến thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung)