KTS Bill Bensley: “Sun Group là một trong số các chủ đầu tư… ‘không quá phổ biến’”
KTS Bill Bensley, ông hoàng resort của thế giới, phỏng vấn rất sâu mỗi khách hàng trước khi quyết định nhận một công trình nào đó trên thế giới. Với ông, trong vô số khách hàng của mình trên thế giới, Sun Group là một trong số các chủ đầu tư… “không quá phổ biến”.
“Nhiều cũng không bao giờ là đủ”
Bill Bensley nổi tiếng với những công trình nhiều chi tiết, đến mức ông được đóng khung là một “maximalist” (người theo trường phái tối đa) – đối lập với phong trào minimalism (tối giản). Nhưng Bill tin rằng đó là cách để ông đối thoại với văn hóa Việt Nam, cụ thể là những điều ông nhìn thấy từ những mái đình làng.
– Trong những bài học đầu tiên mà các sinh viên sẽ được dạy ở Đại học Kiến trúc Hà Nội, sẽ có câu của KTS Ludwig Mies Van Der Rohe, “Less is More” – “Ít đi là nhiều lên”, và một nguyên tắc khác, “Form Follow Function” – “Hình thức đi theo công năng”.
Bill Bensley (BB): Hãy nhìn kiến trúc những ngôi chùa và đình Việt Nam. Đó có phải là “Less is More” không hay là “More is never enough” – “Nhiều hơn cũng không bao giờ là đủ”?
– Trong quan điểm của tôi thôi nhé, nó vẫn là “Less is More”. Nếu chúng ta so sánh chùa và đền Việt Nam với những ngôi chùa của Trung Quốc, thì chúng tôi có ít chi tiết hơn rất nhiều.
-Ít hơn? Tôi đã đến những ngôi chùa Việt, và nhìn thấy tầng tầng lớp lớp các chi tiết kiến trúc. Nếu so với Van Der Rohe thì nó là ít hay là nhiều?
-Rất nhiều người Việt Nam thích kiến trúc hiện đại, thích sự tối giản. Như tôi chẳng hạn. Ông sẽ nói gì để thuyết phục những người đó đến với các khách sạn của mình?
BB: Tôi không muốn đóng khung rằng mình là một maximalist. Có rất nhiều dự án chúng tôi đi theo trường phái tối giản. Tôi muốn được làm cái mới và không muốn bị đóng khung vào một phong cách nào.
Nói về phong cách thuộc địa, mặt tiền của khách sạn Capella Hà Nội lấy cảm hứng từ dấu ấn của người Pháp ở Việt Nam. Cách đấy không xa là Opera House Hanoi – và Capella kể câu chuyện về một thời đại cách đây hơn một thế kỷ của opera, với những tâm hồn nghệ sĩ.
Với rất nhiều chi tiết kiến trúc, tôi lựa chọn cho InterContinental Danang bởi ấn tượng về những ngôi đình Việt Nam. Chúng tôi đã đi đến khoảng 30 ngôi đình chùa khắp đất nước. Khi đến một đất nước mới, điều đầu tiên tôi thường làm là đến nơi thờ tự của họ. Trong một xã hội, nơi chốn mà con người đặt nhiều năng lượng nhất, về mặt kiến trúc, chính là nơi thờ tự.
– Thế chi tiết kiến trúc nào ông ưng ý nhất trong số những thứ đã đặt vào InterContinental Danang?
BB: Đơn cử, như những tấm đầu giường (headboard) ở khách sạn này, lấy cảm hứng từ chi tiết tôi nhìn thấy trong sân một ngôi đình ở Bát Tràng, Hà Nội. Có hàng trăm ví dụ như thế, khi chúng tôi lấy một hình thái cụ thể, rồi chuyển đổi nó vào trong một cái ghế, một ngọn đèn hay một cái bàn. Và cách làm đó, theo một lối hiện đại, cho công trình ở Đà Nẵng một cảm quan rất Việt Nam.
-JW Marriott Phu Quoc mang ý tưởng về một trường đại học giả tưởng, Đại học Larmack, với mỗi khối chức năng lại mang tên một khoa đại học. Ông có đi thăm một trăm trường đại học Việt Nam cho công trình này không?
BB: Không, haha. Tôi học Harvard và rất yêu quãng thời gian sinh viên của mình. Tôi nghĩ thật tuyệt nếu chúng ta tái tạo việc quay trở lại trường học, mà không cần phải trở lại nơi mình đã học.
Tôi rất thích thiết kế khách sạn nhỏ. Càng nhỏ nó càng cao cấp. Ý tưởng về trường đại học giúp cho tôi, bất chấp quy mô lớn của một khu resort, có thể chia nó thành các khách sạn nhỏ: Khoa Nông nghiệp, Khoa Mỹ thuật, Hóa học… Lần này, rất nhiều chi tiết của JW Marriott Phu Quoc lại đến từ Hội An.
– Hội An trong trí nhớ của tôi là màu vàng và xám. Còn công trình ở Phú Quốc nhiều màu hơn thế: có xanh lá, nó có hồng.
BB: Nghĩ tới Hội An, tôi nghĩ đến những chiếc đèn lồng, chứ không chỉ có những bức tường. Hội An trong ký ức của tôi là một thành phố cầu vồng.
– Thế còn các chi tiết của Capella Hanoi, ông lấy từ đâu?
BB: Mặt bằng của khách sạn này là một mặt bằng được xây từ thời Pháp. Ở các khách sạn châu Âu, đặc biệt là ở những ngày đầu của thế kỷ 20, các căn phòng nhỏ hơn bây giờ. Nhưng chúng tôi biến các căn phòng nhỏ hơn rất nhiều, thành các lounge. Các chi tiết nội thất vì thế phải được thiết kế rất tỉ mỉ.
-Ông dành bao nhiêu thời gian cho việc nghiên cứu? Ông mất 2 năm để vẽ công trình này, vậy tôi cho rằng việc nghiên cứu sẽ kéo dài một năm?
BB: Tôi mất 2 năm để vẽ. Nhưng việc nghiên cứu thì không bao giờ dừng lại. Mỗi căn phòng ở đây đều kể về một nhân vật của kịch nghệ. Việc sưu tập những hiện vật để đưa vào các căn phòng đó kéo dài từ năm này qua năm khác. Tôi đã nhờ chị tôi ở Mỹ mua đồ sân khấu từ những năm 1907. Hay tôi mua rất nhiều đồ ở Paris, cho vào trong va li cá nhân và đem về.
“Không phải ai cũng yêu công trình của họ”
Không tự nhận là một ngôi sao, nhưng Bill Bensley rất khắt khe khi lựa chọn khách hàng. Ngoài tiêu chí về việc yêu tự nhiên và nghĩa vụ bảo tồn tự nhiên, thì sự tin tưởng và tình yêu với chính công trình mà ông đang xây dựng, là điều quan trọng nhất.
– Trân trọng các chi tiết mình đã tạo ra như thế, nhưng tôi nghe đồn là ông đang định nâng cấp InterContinental Danang?
BB: Cũng không phải là nâng cấp. Đã 10 năm kể từ ngày resort này khai trương, chúng tôi quay trở lại và khoác cho nó một tấm áo mới. Cũng có rất nhiều vật liệu mà thời tiết đối xử với chúng khá nghiệt ngã. Sun Group cũng là một trong số các chủ đầu tư, tôi nói thật, là không quá phổ biến, trong ngành của tôi, thực sự chăm sóc cho công trình.
– Ông vừa nói là “không phổ biến”? Nhưng ông chỉ làm việc với các chủ đầu tư lớn nhất trong ngành bất động sản toàn cầu cơ mà?
BB: Đúng. Tôi đã xây 150 khu nghỉ dưỡng trên toàn cầu. Và trong sự nghiệp của tôi, một trong những điều quan trọng nhất, là người ta được đến và xem thực tế công trình, rằng tôi đã xây cái gì. Đó là lý do tôi trân trọng Sun Group, một công ty dành nỗ lực để giữ khách sạn của họ luôn đẹp, ở mọi thời điểm.
– Có một tiêu chí đặc biệt nào để ông lựa chọn khách hàng không?
BB: Thứ tôi đề cao nhất, có một tiêu chí: việc bảo tồn.
Tiêu chí thứ hai, tôi muốn biết khách hàng của mình có phải người theo chủ nghĩa bảo vệ tự nhiên hay không; và phải thật lòng yêu thương dự án.
Tôi còn cần một chủ đầu tư có thể cho tôi tự do để làm những điều mình muốn nữa. Ông Trường (ông Đặng Minh Trường – chủ tịch HĐQT Sun Group-PV) không còn là khách hàng của tôi nữa, mà đã trở thành bạn. Với tiêu chí “cho tôi tự do”, ông Trường làm tốt hơn bất cứ khách hàng nào trên thế giới. Ở một tiêu chí khác, Sun Group dành tâm huyết để giữ gìn, bảo dưỡng công trình mà tôi đã xây dựng. Họ đổ thêm tiền vào công trình ngay cả sau khi nó đã được xây xong.
Tôi tin rằng nếu chúng ta đi theo trái tim mình, yêu và làm một thứ đến tận cùng, rồi mọi người khác cũng sẽ yêu quý nó. Nếu bạn tìm cách thiết kế một công trình cho tất cả mọi người, thì thiết kế của bạn sẽ chẳng dành cho ai cả. Bạn muốn có một thiết kế mà không ai nói rằng họ không thích, bạn sẽ thiết kế ra một cái hộp cơ bản. Một cái hộp trơn tuột thì sẽ chẳng ai có thể nói rằng họ không thích nó cả.
Xin cảm ơn ông!