04/01/2016

Kinh tế xây dựng: Những cải cách mang tính bước ngoặt

Trước xu hướng toàn cầu hoá của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành xây dựng đã kịp thời chuyển đổi chiến lược quản lý phù hợp, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Theo đó, vai trò Nhà nước là chủ thể tạo ra sân chơi, luật chơi và giám sát cuộc chơi theo định hướng phát triển kinh tế thị trường.

Xác định đơn giá theo thị trường

Bước ngoặt đầu tiên phải kể đến là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2007/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 13/6/2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nghị định này chính thức bắt đầu chuyển quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, chi phí dự án phù hợp với yếu tố khách quan của thị trường. Nếu như trước đó, các công cụ quản lý của Nhà nước như thông báo giá VLXD của liên Sở, hệ thống định mức dự toán, đơn giá… áp dụng cứng cho tất cả mọi công trình, trong mọi điều kiện thì từ thời điểm này, Nhà nước quản lý bằng cơ chế, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện. Nhà nước chỉ công bố giá tham khảo để các chủ thể tham khảo và vận dụng nếu phù hợp.

Nghị định 99 cũng bắt đầu hình thành và triển khai thực hiện chỉ số giá xây dựng. Đây là công cụ hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình mà các nước phát triển sử dụng từ những năm 40 của thế kỷ trước nhằm nhận biết xu hướng và định hướng thị trường xây dựng, xác định và điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán chi phí xây dựng công trình, điều chỉnh giá hợp đồng, thanh quyết toán hợp đồng, quy đổi vốn đầu tư… Nếu như trước đây mỗi khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu, giá hợp đồng rất phức tạp, thường bị ách tắc và mất nhiều thời gian thì đến thời điểm này, việc sử dụng công cụ này giúp cho việc điều chỉnh rất dễ, nhanh và hiệu quả.

Bước ngoặt tiếp theo là sự ra đời của Nghị định 112/2009/NĐ-CP, Chính phủ ban hành ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nghị định này đã tiến tới một bước cụ thể hơn. Theo đó, toàn bộ hệ thống giá, bao gồm giá vật liệu, giá nhân công và giá máy thực hiện theo cơ chế thị trường.

Trên thực tế, từ năm 2012, các địa phương đã thực hiện thông báo giá VLXD theo giá thị trường. Đối với giá nhân công, đa số các địa phương bắt đầu thực hiện giá nhân công theo thị trường từ ngày 15/5/2015, theo Thông tư 01/2015/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành. Đơn giá nhân công được xác định đúng, xác định đủ, phù hợp với đơn giá nhân công trên thị trường của từng khu vực, nơi xây dựng công trình. Còn đối với giá máy, do thị trường máy xây dựng của Việt Nam chưa phát triển nên chưa thực hiện điều tra và công bố giá theo thị trường. Tuy nhiên, một số yếu tố chi phí trong giá ca máy đã xác định theo giá thị trường…

Tiệm cận với tiêu chuẩn của thế giới

Một công cụ vô cùng quan trọng nữa trong quản lý dự án đầu tư là hợp đồng xây dựng, đã được cải cách gần 10 năm nay, bắt đầu từ Nghị định 99/2007/NĐ-CP và được hoàn chỉnh nhất tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 07/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2010/TT-BXD, hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các tình huống điều chỉnh trong hợp đồng.

Nghị định 48 đổi mới cốt lõi các quy định quản lý hợp đồng, quy định đủ và rõ về nội dung của hợp đồng xây dựng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai, minh bạch. Đặc biệt, Nghị định 48 làm rõ những nội dung liên quan đến chế tài đối với trường hợp vi phạm hợp đồng, bổ sung nội dung xử lý tranh chấp hợp đồng.

Nghị định 48 góp phần giảm bớt nhiều thủ tục, công việc trung gian, tạo thuận lợi hơn trong thanh quyết toán, tiết kiệm cho xã hội nhiều thời gian và nguồn lực. Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng được giải quyết hài hoà trên cơ sở quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên. Từ đó, rút ngắn được thời gian xây dựng của dự án, giảm được nhiều chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.

Có thể thấy, những chính sách cải cách, đổi mới của lĩnh vực kinh tế xây dựng nói riêng và ngành Xây dựng nói chung đang tiếp tục đi vào cuộc sống là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng hoàn thiện hơn, tiệm cận hơn với cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua việc ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Để tránh lúng túng, không đồng nhất các tiêu chuẩn với các đối tác nước ngoài, làm gia tăng chi phí trung gian, giảm khả năng cạnh tranh, các nội dung dự toán, cơ cấu dự toán và cách thể hiện dự toán sẽ tiếp tục được hoàn thiện để tiệm cận với tiêu chuẩn của thế giới, sẵn sàng chủ động tham gia vào sân chơi chung.

Ngọc Khánh/ Báo Xây dựng