04/06/2021

Kinh nghiệm về định hướng và chính sách kiến trúc ở châu Âu và Mỹ

(KTVN 234) – Năm 2002, Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg, đề ra một số giải pháp về phát triến kiến trúc. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, kiến trúc đô thị và nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất và lượng, không gian cảnh quan kiến trúc ngày một đẹp hơn, được hoàn thiện, nâng cao, thích ứng môi trường đô thị, phát triển bền vững.

Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019 tạo công cụ pháp lý có hiệu lực điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc, phát huy vai trò của KTS, các tổ chức và cá nhân. Một trong những nguyên tắc cơ bản hoạt động của Luật Kiến trúc là phải phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, phù hợp quy hoạch đô thị và nông thôn…

Hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, hoàn thiện Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2050 phù hợp với Luật Kiến trúc để thay thế Định hướng kiến trúc năm 2002. Bài viết nhằm chia sẻ kinh nghiệm và chính sách về kiến trúc ở một số nước châu Âu và Mỹ.

Các đô thị Việt Nam có nên phát triển hình thái kiến trúc "nhà ống", với nền kinh tế vỉa hè nữa hay không khi kinh doanh đã chiếm trọn không gian đi bộ?

Các đô thị Việt Nam có nên phát triển hình thái kiến trúc “nhà ống”, với nền kinh tế vỉa hè nữa hay không khi kinh doanh đã chiếm trọn không gian đi bộ?

CHÍNH SÁCH KIẾN TRÚC Ở CÁC NƯỚC CHÂU ÂU

Diễn đàn châu Âu về chính sách kiến trúc (viết tắt là EFAP)

Năm 1997 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên về chính sách kiến trúc toàn châu Âu dưới thời chủ tịch EU là Hà Lan, bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức văn hóa, nghề nghiệp. Năm 1999 – chủ tịch EU là Phần Lan tiếp tục cuộc họp lần 2, trình Hội đồng Bộ Văn hóa EU “Thành lập mạng lưới truyền bá văn hóa kiến trúc, nâng cao nhận thức ra quyết định, khuyến khích tham gia cộng đồng”. Mạng lưới sau đó phát triển thành diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện chính sách về kiến trúc (viết tắt là EFAP). Năm 2000, Chủ tịch EU là Pháp, diễn đàn EFAP tổ chức tại Paris đưa ra dự thảo Nghị quyết về chất lượng kiến trúc trong môi trường đô thị, nông thôn. Tháng 11/2000, các Bộ trưởng của EU thông qua dự thảo Nghị quyết, chính thức vào ngày 12/2/2001.

Các diễn đàn EFAP tiếp tục được tổ chức 6 tháng một lần. Năm 2006, thành lập Hiệp hội Phi lợi nhuận quốc tế, trụ sở tại Brussels (Bỉ), hỗ trợ các hoạt động của EFAP. Hiện nay, EFAP có hơn 70 thành viên từ khắp các nước châu Âu, bao gồm các cơ quan chính phủ, chuyên môn, tổ chức văn hóa và các thành viên cá nhân. EFAP đưa ra Nghị quyết về chất lượng kiến trúc – là tài liệu toàn diện về chính sách kiến trúc. Năm 2005, EFAP đã thực hiện một cuộc khảo sát để xem xét tác động của nghị quyết về chất lượng kiến trúc. Năm 2011, 6 năm sau cuộc khảo sát đầu tiên, EFAP khảo sát lần 2 đánh giá tác động của nghị quyết về chất lượng kiến trúc.

Nghị quyết số 1 của Hội đồng Châu Âu về chất lượng kiến trúc (Council Resolution on Architectural Quality) năm 2001

Kiến trúc mang những nét cơ bản của lịch sử, văn hóa và sự sắp đặt cuộc sống tại mỗi quốc gia, là đại diện cho phương tiện biểu đạt nghệ thuật thiết yếu cuộc sống và tạo nên di sản cho tương lai; Chất lượng kiến trúc là bộ phận cấu thành bao gồm cả môi trường ở nông thôn và thành thị. Cần xem xét đến các xu hướng văn hóa và chất lượng xử lý không gian vật thể trong chính sách liên kết tới khu vực cộng đồng; kiến trúc là hoạt động trí tuệ, văn hóa, nghệ thuật và nghề nghiệp. Do đó, dịch vụ kiến trúc phải là dịch vụ chuyên nghiệp mang đặc điểm văn hóa và kinh tế.

Kiến trúc gắn kết, song hành với tầm quan trọng của tính liên tục lịch sử, chất lượng khu vực công cộng, sự hòa trộn xã hội, sự phong phú và tính đa dạng đô thị; Cải thiện và nâng cao môi trường, quan hệ giữa nhân dân với môi trường sống, bao gồm nông thôn và thành thị, đóng góp hiệu quả gắn kết xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế.

Khuyến khích các quốc gia thành viên: (1) Tăng cường nỗ lực nâng cao kiến thức, quảng bá kiến trúc, thiết kế đô thị, tạo quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền với cộng đồng để có nhận thức tốt trong đánh giá văn hóa kiến trúc, đô thị và cảnh quan; (2) Xem xét bản chất đặc thù của dịch vụ kiến trúc trong các quyết định và biện pháp được đưa ra; (3) Thúc đẩy chất lượng kiến trúc bằng các chính sách xây dựng công trình công cộng kiểu mẫu, điển hình; (4) Thúc đẩy trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc.

Các yêu cầu Ủy ban: (1) Đảm bảo chất lượng kiến trúc, những đặc thù của dịch vụ kiến trúc phải được xem xét trong chính sách, biện pháp và chương trình; (2) Tham vấn các Quốc gia thành viên, đưa ra quy tắc quản trị phù hợp đối với quỹ kiến trúc với phương thức đảm bảo áp dụng rộng rãi khi xem xét chất lượng kiến trúc và bảo tồn di sản văn hóa; (3) Thúc đẩy các biện pháp quảng bá, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa kiến trúc đô thị, tôn trọng sự đa dạng văn hóa; (4) Tạo điều kiện hợp tác, kết nối các tổ chức nhằm nâng cấp di sản văn hóa kiến trúc và hỗ trợ các sự kiện quy mô mới triển khai; (5) Khuyến khích đào tạo, huy động sinh viên và các chuyên gia và qua đó thúc đẩy thực hiện kiến thức thực hành.

Tại đô thị cổ VIệt Nam, mái ngói đang thay bằng mái tôn. Tình trạng này liệu có tiếp diễn?

Tại đô thị cổ VIệt Nam, mái ngói đang thay bằng mái tôn. Tình trạng này liệu có tiếp diễn?

Nghị quyết số 2 của hội đồng Châu Âu về chất lượng kiến trúc (Council Resolution on Architectural Quality) năm 2008

Nghị quyết của Hội đồng năm 2001 đã thất bại trong việc áp dụng các chương trình nghị sự phát triển bền vững, do đó năm 2008, hội đồng thông qua tài liệu thứ hai về chính kiến sách trúc (Council Conclusions on Architecture: Culture’s Contribution to Sustainable Development – 2008/C 319/05).

Những điểm quan trọng: Kiến trúc là một ngành liên quan đến sáng tạo, đổi mới văn hóa, bao gồm bộ phận công nghệ, là minh chứng quan trọng về những gì văn hóa đóng góp cho sự phát triển bền vững đối với xu hướng văn hóa thành phố, cũng như đối với nền kinh tế, sự gắn kết xã hội và môi trường; Kiến trúc là ví dụ về bản chất xuyên suốt của văn hóa, bị ảnh hưởng bởi một số chính sách công chứ không chỉ chính sách văn hóa.

Những vấn đề cẩn trọng cần xem xét: Các thành phố ngày nay đối mặt những thách thức thay đổi nhân khẩu học tác động tới sự mở rộng đô thị, các vấn đề môi trường giảm thiểu biến đổi khí hậu, duy trì gắn kết xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi kinh tế và văn hóa, cũng như bảo vệ phát triển di sản kiến trúc và văn hóa.

Phát triển đô thị bền vững: Chú ý đến chất lượng, tính đa dạng kiến trúc như là khía cạnh đa dạng văn hóa; Bảo tồn, nâng cao di sản và bản sắc riêng của cảnh quan tự nhiên hoặc đô thị; Quá trình quản lý các dự án sử dụng và chuyển đổi đất đai các công trình, đất hoang công nghiệp, kiểm soát các nguồn năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm; Phản ánh, thông qua các phương pháp tiếp cận sáng tạo đối với kiến trúc và quy hoạch đô thị, sự phát triển lối sống dân cư, đặc biệt các vấn đề về di chuyển thay đổi nhân khẩu học, cũng như các mục tiêu về gắn kết hòa hợp xã hội, đối thoại giữa các nền văn hóa và sự tham gia của dân cư.

Kiến trúc đóng một vai trò tích hợp và đổi mới trong việc thực hiện phát triển đô thị bền vững: Khuyến khích sáng tạo kiến trúc chất lượng cao như biện pháp kích thích kinh tế, thu hút khách du lịch, dung hòa các yêu cầu khác nhau về xây dựng, bảo tồn cảnh quan và kiến tạo đương đại hoặc nguyện vọng chính đáng của cư dân và phát triển đô thị thiếu kiểm soát; Đóng góp sự đa dạng, chất lượng và tính sáng tạo vào sự phong phú văn hóa, chất lượng cuộc sống người dân; Sự sống động liên quan đến kinh tế, thương mại và du lịch, đóng vai trò tạo lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cuối cùng, tạo cơ hội cho sáng tạo, đổi mới, làm mới các phong cách kiến trúc; Lấy và biểu đạt lại thực tiễn truyền thống.

Lưu ý về lợi ích: Sáng kiến thành phố, đặc biệt thủ đô văn hóa châu Âu, sử dụng văn hóa, kiến trúc như một phương tiện tái tạo chính; Xuất hiện thành phố sáng tạo, phát triển đô thị bền vững dựa trên các yếu tố cạnh tranh, bao gồm chất lượng cơ sở hạ tầng tương tác giữa văn hóa và công nghiệp.

Kêu gọi các quốc gia thành viên và Ủy ban: Trong lĩnh vực cạnh tranh, tôn trọng tuân thủ nguyên tắc phân cấp giữa các thành viên và ủy ban, hỗ trợ kiến trúc với các tính năng đặc thù, đặc biệt trong khía cạnh văn hóa và các chính sách liên quan, trong nghiên cứu, gắn kết kinh tế – xã hội, phát triển bền vững và chính sách giáo dục; Kiến trúc, ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật, phải gắn kết các mục tiêu kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường; Khuyến khích đổi mới, thử nghiệm phát triển bền vững trong kiến trúc, quy hoạch đô thị và cảnh quan, trong khuôn khổ các chính sách, chương trình châu Âu khi vận hành các công trình công cộng; Nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kiến trúc và đóng góp vào phát triển bền vững; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của kiến trúc và quy hoạch đô thị trong việc tạo ra môi trường sống chất lượng cao, khuyến khích tham gia của cộng đồng vào phát triển đô thị bền vững; Xem xét tính khả thi, sự hợp tác các chuyên gia và dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia thành viên tham gia “sự kiện kiến trúc châu Âu” hàng năm.

Các nước châu Âu tham gia khảo sát

Các nước châu Âu tham gia khảo sát

Trách nhiệm của các nước thành viên: Nỗ lực để kiến trúc đóng vai trò tích hợp và đổi mới trong quá trình phát triển bền vững, bắt đầu từ giai đoạn thiết kế các dự án kiến trúc, quy hoạch đô thị, cảnh quan và cải tạo; Giúp phát triển tăng trưởng kinh tế và tiềm năng việc làm của kiến trúc như một ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo; Thúc đẩy giáo dục về kiến trúc và di sản trong môi trường sống, đặc biệt thông qua giáo dục nghệ thuật và văn hóa; Thúc đẩy đào tạo ban đầu và tiếp theo các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan liên quan đến phát triển bền vững; Làm nổi bật kiến trúc trong việc thực hiện năm sáng tạo và đổi mới châu Âu (2009); Áp dụng phương thức phối hợp mở cho văn hóa những nơi thích hợp;

Trách nhiệm của Ủy ban: Tính đến kiến trúc trong việc chuẩn bị sách xanh về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Can thiệp mạng lưới các chuyên gia và nhà thực hành kiến trúc khu vực công và tư nhân như diễn đàn chính sách kiến trúc châu Âu, tham gia làm và tham vấn về các vấn đề liên quan đến kiến trúc; Hợp tác với các mạng lưới trên và các trường kiến trúc châu Âu, khuyến khích, cung cấp thông tin, chia sẻ thực hành và nghiên cứu giữa các KTS, nhà phát triển và người tiêu dùng; Đào tạo các KTS trẻ, các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan trong phát triển bền vững, thúc đẩy công việc và cho phép tiếp cận với các ủy ban công hoặc tư.

Ba nhóm chính sách lớn về kiến trúc ở các nước châu Âu

Các dạng tài liệu về chính sách kiến trúc ở châu Âu

Các dạng tài liệu về chính sách kiến trúc ở châu Âu

Thúc đẩy kiến thức và nhận thức: Hỗ trợ các tổ chức văn hóa; Hỗ trợ các sáng kiến văn hóa; Hỗ trợ các dự án nghiên cứu; Ấn phẩm (sách); Hướng dẫn và sổ tay; Xây dựng các website cơ sở dữ liệu về kiến trúc; Giải thưởng kiến trúc; Các chương trình giáo dục; Các chương trình học tập chuyên nghiệp; Lễ hội và sự kiện kiến trúc; Hỗ trợ kiến trúc sư trẻ; Hỗ trợ các tổ chức quốc tế.

Cải thiện các chính sách xây dựng công: Hướng chính sách thứ hai – hướng tới việc cải thiện các chính sách xây dựng công cộng. Khuyến nghị của hội đồng EU đối với: Cơ quan tư vấn kiến trúc (quốc gia); KTS nhà nước; KTS đoạt giải thiết kế các trụ sở hành chính; KTS khu vực (Phần Lan); Cơ quan tư vấn kiến trúc (địa phương); KTS thành phố; Dự án nghiên cứu (mua sắm); Hướng dẫn và sổ tay (mua sắm); Giải thưởng công trình công cộng; Các cuộc thi thiết kế…

Khuyến khích phát triển bền vững: Các dự án thí điểm bền vững; Các ấn phẩm, sổ tay và hướng dẫn (tính bền vững); Website dành riêng cho kiến trúc bền vững; Trợ cấp cho xây dựng tiết kiệm năng lượng; Tính bền vững là tiêu chí trong các cuộc thi quốc tế; Giải thưởng về kiến trúc và tính bền vững; Yêu cầu về năng lượng cao hơn cho mỗi công trình; Nhãn hiệu Eco cho các công trình.

CHÍNH SÁCH KIẾN TRÚC Ở MỸ

Mỹ là một quốc gia phát triển với nhiều giá trị kiến trúc thuộc địa. Kiến trúc Mỹ thể hiện nhiều phong cách và hình thức xây dựng trong lịch sử hơn hai thế kỷ độc lập quốc gia, sự cai trị của người Tây Ban Nha và của người Anh. Kiến trúc Mỹ được định hình bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cùng sự phân biệt giữa các vùng miền, thể hiện một truyền thống chiết trung và đổi mới đa dạng, phong phú.

Biển quảng cáo che kín mặt tiền nhà phố - Giải bài toán này thế nào?

Biển quảng cáo che kín mặt tiền nhà phố – Giải bài toán này thế nào?

Luật pháp liên quan đến kiến trúc

Xét về tổng thể, Mỹ không có riêng định hướng kiến trúc trực tiếp. Các KTS đăng bạ có toàn quyền sáng tác tự do trên khu đất được đầu tư phát triển. Khi thiết kế xây dựng, các KTS phải tuân thủ theo luật pháp và quy chế sau:

– Luật tiêu chuẩn phân vùng các Bang từ năm 1921/Standard State Zoning Enabling Act”;
– Luật tiêu chuẩn quy hoạch thành phố năm 1927/Standard City Planning Enabling Act;
– Thiết kế đô thị thành phố;
– Quy chuẩn xây dựng thành phố;
– Luật bản quyền;
– Nguyên tắc 3 điểm hướng dẫn kiến trúc liên bang (khuyến nghị).

Yêu cầu chuyên môn đối với KTS ở mỗi nơi khác nhau, nhưng thường bao gồm ba yếu tố: bằng đại học hoặc bằng giáo dục nâng cao, thời gian thực tập hoặc đào tạo tại văn phòng và kỳ thi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan thẩm quyền liên quan đến cấp phép và định hướng chính sách kiến trúc

Hội đồng đăng ký kiến trúc quốc gia (NCARB)

Vị trí, vai trò của hội đồng: Hội đồng đăng ký kiến trúc quốc gia (NCARB) là tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các hội đồng đăng ký kiến trúc của 50 tiểu bang, Quận Columbia, Guam, Quần đảo Bắc Mariana, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ của Hội đồng:

– Hợp tác với hội đồng các tiểu bang, tạo điều kiện cấp phép, chứng nhận đăng bạ KTS;
– Đề xuất luật mẫu, quy định mẫu và các hướng dẫn khác để các thành viên áp dụng, nhưng mỗi Bang đưa ra luật và yêu cầu riêng;
– Phát triển, quản lý và duy trì chương trình trải nghiệm kiến trúc (AXP), Kỳ thi Đăng ký KTS (ARE), tạo điều kiện hỗ trợ qua lại giữa các bang thông qua Chứng chỉ NCARB;
– Tạo thuận lợi trao đổi thông tin về kiểm tra, cấp giấy phép và quy định KTS;
– Thúc đẩy thống nhất trong luật hành nghề và cấp phép;
– Tạo điều kiện cho việc cấp phép đối ứng;
– Thảo luận giá trị của các phương pháp kiểm tra khác nhau cũng như phạm vi và nội dung của kỳ thi cấp phép;
– Cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục chung của nghề kiến trúc ở Hoa Kỳ.

Định hướng kiến trúc quy hoạch đô thị Phú Quốc có nên bê tông hóa bờ biển để mưa,  nước không thể thoát ra được bờ biển hay không?

Định hướng kiến trúc quy hoạch đô thị Phú Quốc có nên bê tông hóa bờ biển để mưa,
nước không thể thoát ra được bờ biển hay không?

Cơ quan dịch vụ tổng hợp/The General Services Administration (GSA)

Là cơ quan độc lập của Chính phủ, thành lập vào năm 1949 giúp quản lý và hỗ trợ hoạt động cơ bản của các cơ quan liên bang. GSA cung cấp các sản phẩm và thông tin cho Văn phòng Chính phủ, cung cấp phương tiện đi lại và không gian văn phòng cho nhân viên liên bang, đưa ra các chính sách giảm thiểu chi phí về chi tiêu của Chính phủ và các nhiệm vụ quản lý khác, trong đó có thiết kế các công trình kiến trúc đầu tư công.

Nguyên tắc hướng dẫn thiết kế kiến trúc tại các công trình liên bang (1962)

Năm 1962 GSA đưa ra 03 nguyên tắc hay chính sách về thiết kế kiến trúc đối với các công trình đầu tư công.
(1) Yêu cầu cung cấp cơ sở vật chất cần thiết, đầy đủ theo phong cách và hình thức kiến trúc riêng biệt, phản ánh tính trang nghiêm, táo bạo, mạnh mẽ và tính ổn định của Chính phủ. Nhấn mạnh việc lựa chọn thiết kế thể hiện tư tưởng kiến trúc Mỹ đương đại. Chú ý đến khả năng kết hợp chất lượng thiết kế phản ánh kiến trúc truyền thống khu vực. Sáng tác mỹ thuật nên được đưa vào thiết kế, trọng tâm là tác phẩm các nghệ sĩ Mỹ đang hành nghề. Thiết kế tuân theo thực tiễn xây dựng, sử dụng vật liệu, phương pháp, thiết bị chứng minh đáng tin cậy. Công trình phải tiết kiệm xây dựng, vận hành, bảo trì, người khuyết tật phải tiếp cận được.

(2) Tránh phát triển một phong cách kiến trúc duy nhất. Thiết kế phải chuyển từ tính chất nghề nghiệp kiến trúc sang Chính phủ chứ không phải ngược lại. Chính phủ sẵn sàng trả thêm một số chi phí để tránh sự đồng nhất quá mức trong thiết kế các công trình liên bang. Khi thích hợp, phải tổ chức thi thiết kế các công trình liên bang. Hợp đồng thiết kế quan trọng nên được thông qua tư vấn các KTS nổi tiếng.

(3) Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nên được xem là bước đầu trong quá trình thiết kế. Sự lựa chọn này cần được thực hiện với sự hợp tác của cơ quan địa phương. Cần chú ý đến quần thể xung quanh đường phố và địa điểm mà công trình liên bang sẽ là một thành phần. Công trình nên đặt ở những nơi mà cảnh quan xung quanh có thể mở rộng.

Nhà hình ống trong khu phố cổ Geneva - Thụy Sỹ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17, mặt tiền giữ nguyên, bên ngoài không cho phép chiếm không gian đi bộ,  bên trong trùng tu phục vụ cuộc sống hiện đại  phải chăng là định hướng kiến trúc cho các khu Phố cổ Việt Nam hướng tới?

Nhà hình ống trong khu phố cổ Geneva – Thụy Sỹ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17, mặt tiền giữ nguyên, bên ngoài không cho phép chiếm không gian đi bộ, bên trong trùng tu phục vụ cuộc sống hiện đại phải chăng là định hướng kiến trúc cho các khu Phố cổ Việt Nam hướng tới?

Chỉ đạo điều hành định hướng kiến trúc (2020)

Ngày 21/12/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp định hướng các công trình liên bang trong tương lai phải đẹp và khuyến khích thiết kế theo hình thái kiến trúc theo phong cách Hy Lạp – La Mã cổ điển.

Sắc lệnh phê phán các công trình liên bang sau thập niên 1950, nhất là ở Thủ đô Washington, có hình thái kiến trúc pha trộn không hài hòa, do vậy Chính phủ đã dừng cấp phép xây dựng.

Sắc lệnh chỉ trích những “nguyên tắc hướng dẫn kiến trúc liên bang 1962”, đã thay thế thiết kế truyền thống bằng những thiết kế hiện đại của những năm 1950;

Sắc lệnh thành lập hội đồng về sửa đổi kiến trúc liên bang, nhằm cập nhật các chính sách của GSA để sửa đổi thiết kế các công trình kiến trúc liên bang, giúp nâng cao nhận thức công chúng. Nhiệm vụ của hội đồng sẽ chấm dứt vào ngày 30/9/2021, trừ khi được tổng thống gia hạn;

Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump được những người yêu chuộng phong cách cổ điển ủng hộ, trong khi Viện Kiến trúc và Tổ chức Bảo tồn di tích lịch sử quốc gia phản đối. Giám đốc điều hành Robert Ivy của Viện Kiến trúc đã phát biểu rằng, cộng đồng phải có quyền và trách nhiệm tự quyết, thiết kế kiến trúc phải phù hợp với nhu cầu của người thiết kế. Ông Robert Ivy sẽ thảo luận điều này với chính quyền nhiệm kỳ mới.

Nhà phê bình kiến trúc đoạt giải Pulitzer, Paul Goldberger, cho biết sắc lệnh của Tổng thống Trump “chủ yếu mang tính tượng trưng”. Ông Goldberger nói với tờ báo “The Guardian” rằng: Vấn đề ở đây không phải là ở kiến trúc cổ điển mà phong cách đó không hoàn toàn phù hợp với tính dân chủ tự do của thế kỷ XXI.

Thành viên Đảng Dân chủ tại quốc hội Dina Titus đã gửi thư cho GSA, nói rằng: “Việc áp đặt phong cách kiến trúc cho các cơ sở liên bang đi ngược lại truyền thống dân chủ và còn tệ hơn nữa khi cố gắng thực hiện mà không thông qua quốc hội, và không có bất kỳ một thông báo hay một phiên điều trần công khai nào”./.

TS Lý Văn Vinh