24/06/2015

Kinh nghiệm làm việc cùng Kts Jean Francois Milou tại Singapore

Các công trình văn hóa, bảo tồn di sản kiến trúc là một trong những thể loại đặc biệt trong kiến trúc. Bản thân tôi đã từng mơ ước được tham gia vào những dự án mang tính chất đặc thù như vậy vì biết chắc rằng mình sẽ được tiếp cận và học hỏi rất nhiều thông qua từng dự án. Và rồi, khi cơ hội đến, tôi đã quyết định nhanh chóng – Đó chính là lý do hiện tại tôi làm việc cho Văn phòng StudioMilou (Singapore) và trực tiếp tham gia các dự án cùng ông Jean François Milou, Tổng Giám đốc – người sáng lập StudioMilou Architecture (SMA) trụ sở tại Paris và StudioMilou Singapore (SMS).

Sự đơn giản trong thiết kế, quan tâm tới cảm xúc của công chúng Jean François Milou là một KTS đề cao tính đơn giản trong thiết kế. Để có được sự đơn giản đó, chúng tôi phải làm việc và nghiên cứu rất nhiều nhằm giữ được triết lý thiết kế mà vẫn tuân theo các quy chuẩn bắt buộc cho công trình hiện đại. Thực tế cho thấy rằng: Sự đơn giản nhưng tinh tế trong xử lý không gian sẽ mang lại giá trị lâu dài cho công trình và người sử dụng. Tôi rất ấn tượng với một trong số những công trình văn phòng đã thiết kế: Bảo tàng khảo cổ học ở Bougon (1991). Tuy vừa kỷ niệm gần 30 năm ngày khánh thành nhưng hình ảnh công trình không hề lạc hậu với thời điểm hiện tại – Đó là một điều đáng để suy nghĩ.

ST_20140809_LVGALLERY094H4B_561947e

Bên cạnh đó, tham gia vào các dự án bảo tàng, bảo tồn hay chuyển đổi mục đích sử dụng của các công trình di sản cũ, thực sự là những trải nghiệm thú vị. Những điều này tôi chưa từng được học khi còn là sinh viên, cũng chỉ biết qua sách báo. Nhưng đây lại là một thể loại trong thiết kế kiến trúc mà tôi rất yêu thích. Là những công trình yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, sẽ là thách thức lớn nếu đó lại là dự án chuyển đổi mục đích sử dụng của một công trình di sản. Ngoài ý tưởng chung của dự án, nhiệm vụ của KTS ở đây là làm sao đưa ra được giải pháp thiết kế để giấu đi toàn bộ những điều phức tạp ấy, mang lại cho công chúng một không gian tĩnh lặng để đắm mình vào tác phẩm nghệ thuật. Trải nghiệm và cảm xúc của công chúng với các công trình công cộng luôn được đặt lên hàng đầu, là điểm cốt lõi của mọi giải pháp thiết kế.

Nghiêm túc, tận tâm và có trách nhiệm về sản phẩm của mình với xã hội

Tôi được chia sẻ rằng: Một công trình đúng công năng mới chỉ là 30% công việc đương nhiên một KTS phải làm, phần lớn còn lại đó là giá trị thẩm mỹ và thông điệp mà công trình truyền tải tới công chúng. Để làm tốt phần việc còn lại này đòi hỏi KTS phải làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc. KTS yêu nghề có thể nói là những người may mắn vì chúng ta được hằng ngày làm việc với niềm đam mê, nhờ đó mà chúng ta có thể đối mặt với các thách thức trong công việc đôi khi khiến mình nản lòng hoặc tự thỏa hiệp.

Luôn có trách nhiệm với sản phẩm của mình là điều chúng tôi luôn được nhắc nhở. Những sản phẩm nói đến ở đây không chỉ là những thiết kế kiến trúc mà nó còn là những sản phẩm chất lượng trong các cuộc thi, mô hình dự án thể hiện chính xác ý đồ, hay nhỏ nhất là những bức thư được gửi tới các đối tác cũng phải được chăm chút câu chữ, bố cục văn bản… Tôi đã từng chứng kiến JFM yêu cầu thay lại toàn bộ cây trong mô hình công trình do kích cỡ không thể hiện đúng ý đồ thiết kế và ông trực tiếp thử từng mẫu cây để lựa chọn loại có tỷ lệ phù hợp nhất nhằm đảm bảo sản phẩm đến với ban giám khảo hoàn hảo nhất có thể. Sự cẩn trọng và trách nhiệm luôn cần thiết trong công việc, những sản phẩm đó tưởng như bình thường nhưng là vô giá bởi nó là sự nhìn nhận của mọi người về giá trị thương hiệu của văn phòng, mang lại những điều đôi khi không thể đoán trước được.

Một trong những công trình của StudioMilou

Một trong những công trình của StudioMilou

Từ ngạc nhiên đến thách thức và tới ước mơ

Một trong những điều thú vị khi tôi làm việc cho SMS, điều tôi không hề biết trước khi sang đây đó là được thiết kế các dự án tại Việt Nam. Cùng làm việc với JFM cho các dự án tại Việt Nam đã thức tỉnh tôi nhiều điều mà trước đây mình chưa nhận ra.

“Mọi công trình kiến trúc đều xấu xí nếu thiếu đi cây xanh và cảnh quan“ đó là điều JFM nói với tôi khi cùng làm việc với ông. Và đó cũng là xuất phát điểm khi bắt đầu một dự án mới. Dự án đầu tiên mà tôi được thực hiện cùng JFM tại Việt Nam là Trung tâm khoa học và giáo dục đa ngành (ICISE – Quy Nhơn, Bình Định). Đó là một công trình khiêm nhường ẩn mình trong thiên nhiên và hòa hợp với cảnh quan xung quanh. Công chúng đến với công trình phần lớn đều có cảm nhận một không gian yên bình, yên tĩnh, nơi chúng ta có cảm giác gần hơn với thiên nhiên, điều đang rất thiếu trong nhịp sống đô thị gấp gáp. Thành thật chia sẻ, chúng tôi đã muốn làm được nhiều hơn thế nhưng điều kiện thực tế không cho phép. Tuy nhiên, đó là những kinh nghiệm quý báu với tôi cho những dự án tiếp theo tại Việt Nam.

Cá nhân tôi luôn hy vọng có thể sử dụng những kinh nghiệm và tư duy thiết kế mà mình thu nhận được để góp một phần nào đó cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam. Điều này không đơn giản bởi môi trường làm việc cho KTS tại Việt Nam còn rất nhiều bất lợi. Tôi khâm phục các KTS tại Việt Nam đang theo đuổi các hướng đi mới với các sản phẩm chất lượng, họ thực sự là những người yêu nghề, làm việc nghiêm túc, tận tâm và có trách nhiệm với những sản phẩm của mình.

KTS Nguyễn Thành Trung TCKT số 05-2015