Kim tự tháp Ai Cập: Công trình xây dựng đầy bí ẩn - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
04/04/2018

Kim tự tháp Ai Cập: Công trình xây dựng đầy bí ẩn

Kim tự tháp là cách gọi chung của các kiến trúc hình chóp có đáy là hình vuông và bốn mặt bên là tam giác đều. Với người Ai Cập cổ đại, Kim tự tháp là công trình được xây dựng và sử dụng như một lăng mộ dành cho nhà vua.


Kim tự tháp nổi tiếng và bí ẩn nhất thế giới cổ đại.

Cho đến nay, vẫn chưa có một câu trả lời chính thức, đầy đủ, chính xác nào cho những bí ẩn của Kim tự tháp. Không phải ngẫu nhiên mà trong 7 kỳ quan thế giới (cổ đại), Kim tự tháp Ai Cập đứng ở vị trí cao nhất và là kỳ quan cuối cùng còn sót lại cho đến ngày nay.

Bao nhiêu nhân công tham gia xây dựng?

Trong suốt nhiều thế kỷ qua, con người luôn tò mò làm thế nào người Ai Cập cổ xưa có thể xây dựng được Đại kim tự tháp? Bao nhiêu người tham gia xây dựng và họ là những ai?

Dựa trên các tài liệu cổ và dựa trên ước tính khoa học cho biết, số lượng nhân công phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng dao động từ khoảng 20 – 100 nghìn người làm việc liên tục. Số lượng nhân công này sẽ được thay thế thường xuyên bởi xây dựng kim tự tháp là công việc rất khổ ải và làm sức khỏe những nô lệ này kiệt quệ.

Đây là công trình kiến trúc cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 2580 – 2560 trước công nguyên. Khi mới hoàn thành, công trình này có chiều cao là 149,6m. Theo ước tính, kim tự tháp Giza được xây từ 2,3 triệu khối đá, với tổng trọng lượng lên tới 5,9 triệu tấn. Khối lượng nhân công hẳn là rất khổng lồ được huy động để xây dựng khu lăng mộ này.

Công trình quả là kỳ diệu khi đưa đá lên cao. Các nhân công phải đưa những hòn đá này vào đúng vị trí của nó. Tùy vào kim tự tháp, thứ tự sắp đặt các viên đá, họ sẽ tạo nên các cấu trúc bên trong khác nhau. Sau khi hoàn thành việc đặt các viên đá để tạo nên hình dáng của Kim tự tháp, người ta phải tiến hành trau chuốt mặt ngoài và mặt trong của Kim tự tháp. Công việc chau chuốt được thực hiện từ trên xuống dưới.

Sử dụng nguyên liệu gì?

Hàng ngàn năm kể từ khi được xây xong, công trình này vẫn làm ngạc nhiên người xem và nó là công trình nhân tạo cao nhất trên trái đất cho tới tận thời Trung Cổ. Các nhà sử học từ lâu đã tranh cãi cách mà người cổ đại có thể vận chuyển hàng trăm tấn nguyên liệu mỗi ngày đến địa điểm xây dựng. Quả là kỳ tích.

Các Kim tháp được xây dựng từ các khối đá thiên nhiên nguyên khối, hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta dùng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá khổng lồ có khi gồm hàng chục tấn được đẽo gọt và ghép lại với nhau. Những khối đá đó vô cùng vững chắc, hoàn hảo và trường tồn với thời gian.

Các khối đá được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng. Loại đá này không phải được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn ki-lô-mét. Cách mà người ta chuyển được những tảng đá nặng hàng tấn này vào những vị trí chính xác để hòan thành kim tự tháp còn là điều bí ẩn.

Nguyên liệu được sử dụng được lấy chủ yếu từ mỏ đá nằm cách không xa Kim tự tháp này. Tuy nhiên, lớp đá bọc ngoài kim tự tháp phải lấy từ sông Tura về đến nơi xây dựng Kim tự tháp. Mỗi khối đá nặng chừng 2,5 – 8 tấn được di chuyển vượt sông, vượt hàng trăm ki-lô-mét để về đến nơi xây dựng. Quá trình này thật đáng kinh ngạc vì sử dụng hoàn toàn sức người. Họ sử dụng các thanh trượt bằng gỗ, kéo bằng dây thừng đến công trường.

Hiệu ứng nhiệt ra sao?

Qua nghiên cứu nhóm các nhà khoa học do Narimannov dẫn đầu đã đưa ra kết luận: Trong tòa kiến trúc kiểu Kim tự tháp, sự phân bố nhiệt độ, lưu thông không khí khác hẳn trong các công trình xây dựng khác. Trong Kim tự tháp, tốc độ bốc hơi của nước chanh, vật phẩm mau chóng bị mất thủy phần, khiến xác động vật dễ dàng biến thành xác khô không bị mục rữa. Không khí trong Kim tự tháp khô hanh, nước bốc hơi phân tán nhanh, khó bám vào về mặt kim loại nên các vật thể kim loại không bị ôxy hóa gây sét gỉ.

Trên thực tế, người Ai Cập hiểu về hiệu ứng nhiệt và một số yếu tố mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể làm rõ. Không gian bên trong các kim tự tháp đảm bảo điều kiện hoàn hảo về nhiệt độ, độ ẩm… để giúp bảo quản xác một cách tốt và hoàn hảo nhất. Và mọi lý giải chỉ mang tính tương đối, bí ẩn vẫn còn bỏ ngỏ.

Tỷ lệ kích thước?

Kim tự tháp cũng chứng minh là người Ai Cập đã biết đến số Pi. Kim tự tháp luôn có một tỷ lệ kích thước rất chuẩn dựa trên việc tính toán được số Pi. Đây được coi là tỷ lệ chuẩn và hiệu quả nhất để xây dựng những kiến trúc như thế này. Kim tự tháp cũng được làm chi li đến mức dù được ghép từ các khối đá lớn, riêng biệt nhưng chúng ta thậm chí không thể luồn một lưỡi dao sắc mảnh vào giữa hai phiến đá. Tại kim tự tháp Kheops, chiều cao chênh lệch giữa hai cạnh đối diện ở mức dưới 2cm – một độ chính xác nhất trong điều kiện người Ai Cập không có các máy móc đo đạc như hiện nay.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự hiểu biết đáng kinh ngạc về thiên văn, các chòm sao và các định hướng xuất sắc của người Ai Cập. Chỉ bằng cách quan sát các vì sao, họ đã định hướng một cách chính xác gần như tuyệt đối (sai số dưới 3 độ).

Kim tự tháp là niềm tự hào của người dân Ai Cập. Sự vĩ đại của Kim tự tháp thể hiện sự sáng tạo của người dân Ai Cập mà cho đến nay, những bí ẩn của nó vẫn là một câu hỏi lớn của nhân loại.

Khánh Phương