Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Hãy mở lòng với nghệ thuật cộng đồng
“Những dự án nghệ thuật tại phố Phùng Hưng… là những tín hiệu tốt cần khích lệ, báo hiệu bắt đầu một giai đoạn nghệ thuật cộng đồng mới của Hà Nội” – Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh chia sẻ xung quanh những vấn đề tranh cãi về tranh bích họa cộng đồng.
Ông đánh giá như thế nào về việc tranh bích họa đang xuất hiện len lỏi trong các đường làng, ngõ xóm ở Hà Nội?
– Đây là hiện tượng tích cực cho thấy cách thể hiện tình yêu của cư dân TP với nơi chốn của mình. Một số dự án làm đẹp không gian, đường phố, khu dân cư khá thành công nên đã lan tỏa trên quy mô lớn hơn. Đáng chú ý, phần lớn các dự án này được thực hiện một cách tự phát, dựa trên sự đồng thuận, tán thưởng của cộng đồng hoặc một số cư dân có ảnh hưởng tới cộng đồng. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy có nơi làm bích họa khá đẹp nhưng cũng một số nơi còn hạn chế.
Có ý kiến cho rằng, tranh bích họa đang làm phá vỡ không gian của những tuyến phố Hà Nội, không ăn nhập với nét thanh lịch, trầm mặc của TP, ông có đồng tình với ý kiến này hay không?
– Những nhận xét về các dự án này cũng tùy theo cảm xúc của từng cá nhân đối với từng khu vực. Về cơ bản, các dự án đều thể hiện sự nỗ lực cao nhất của các tác giả muốn truyền đạt thông điệp, tình cảm của mình tới khu phố họ đang sinh sống, ngôi trường họ đã từng học hay đơn giản là nơi chốn thân quen từng ghi dấu nhiều kỷ niệm. Vẽ một bức tranh đường phố giống như lời tỏ tình của các nghệ sĩ với nơi chốn của mình. Lời tỏ tình ấy có thể rất tinh tế nhưng có khi vụng dại. Nhưng tất cả điều đó đều đáng trân trọng vì đấy là tình cảm của nghệ sĩ với nơi mình sống. Do vậy, chúng ta hãy mở lòng để đón nhận họ. Vẽ một bức tranh mới trên bức tường phố cũ thì tất nhiên là xung đột về cảm xúc. Nhưng đôi khi xung đột tạo nên sự chú ý, và như vậy còn tốt hơn là sự thờ ơ.
Ông đánh giá thế nào về tranh bích họa trên phố Phan Đình Phùng?
– Xét về mặt thị giác thì những bức tranh trên phố Phan Đình Phùng tạo ấn tượng sinh động hơn một bức tường dài quét vôi một màu tẻ nhạt. Những bức tranh trên phố này có bút pháp khá chuyên nghiệp, nội dung cũng chọn lựa có chủ ý rõ ràng. Tuy vậy, do thực hiện trong thời gian ngắn nên nhiều bức tranh chép lại các bức ảnh tư liệu chưa được kỹ lưỡng nên vẫn dừng lại ở mức phác thảo mà chưa thực sự hoàn chỉnh. Nếu được đầu tư thời gian nhiều hơn thì tôi tin là những tác phẩm có sức truyền tải mạnh hơn. Cá nhân tôi tự nhận mình là một người luôn cổ vũ cho các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng.
Theo ông, cần có biện pháp nào để tránh tình trạng vẽ tranh bích họa mang tính phong trào, trở thành giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống của người dân Thủ đô?
– Hà Nội vốn là TP có nghệ thuật rất phát triển. Nhưng từ cuối thế kỷ thứ XX trở lại đây, chúng ta cũng từng chứng kiến một thời mỹ thuật phong trào ảm đảm và chất lượng thấp đến mức dễ dãi, cẩu thả. Những nhận thức sai lạc về nghệ thuật cộng đồng làm cho công chúng thờ ơ và nghệ sĩ thực sự lảng tránh mỹ thuật công cộng. Những dự án nghệ thuật tại phố Phùng Hưng đã thay đổi và tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ tình nguyện tham gia vào làm đẹp TP. Đây là những tín hiệu tốt cần khích lệ, nó báo hiệu bắt đầu một giai đoạn nghệ thuật cộng đồng mới của Hà Nội.
Tuy vậy, để một dự án nghệ thuật cộng đồng thành công, theo ông cần những gì?
– Đó là tổng thể các giải pháp: Phố nghệ thuật Phùng Hưng đẹp vì có vỉa hè sạch sẽ, an toàn, ghế ngồi, cây xanh bóng mát, xe cộ xắp xếp trật tự, chiếu sáng hợp lý, các hoạt động cộng đồng trên vỉa hè, đường phố được tổ chức sinh động. Trên phố Phan Đình Phùng cũng vậy, đang có phong trào chụp ảnh áo dài bên hoa của chị em, các bà, các cô… họ làm đẹp cho mình và cho cả đường phố Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Lại Tân/Kinh tế Đô thị