Làm sao bảo tồn được các giá trị, di sản của đô thị trong quá trình phát triển là đề tài được giới kiến trúc sư “mổ xẻ” tại Hội thảo Pháp – Việt về kiến trúc và quy hoạch đô thị diễn ra ngày 9/5.
Hội thảo do Cơ quan thương mại và đầu tư Pháp phối hợp với Hội Kiến trúc sư Pháp có hoạt động tại nước ngoài (AFEX)… và Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị (PADDI) tổ chức tại TPHCM.
(Ảnh: Hiroyuki Oki)
Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, ông Emmanuel Ly- Batallan, khẳng định: “Bảo tồn giá trị di sản kiến trúc là bảo tồn lịch sử của đô thị”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các công trình có giá trị của đô thị Sài Gòn – TPHCM đang bị mất dần – để nhường chỗ cho các công trình mới – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM Nguyễn Trường Lưu đặt câu hỏi: Làm sao để cân bằng được mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn?
Đại diện Công ty AREP Việt Nam cho rằng, để dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị di sản và yêu cầu phát triển đô thị cần phải có: (i) công cụ pháp lý về bảo tồn; (ii) kế hoạch trùng tu các công trình di sản; và (iii) phát huy giá trị di sản để phục vụ du lịch – như là một đòn bẩy về kinh tế để cải tạo đô thị và gắn kết đô thị quá khứ và tương lai.
Theo KTS người Pháp Thierry Van De Wyngaert, giá trị di sản đô thị ở Việt Nam không chỉ có các công trình kiến trúc cũ có giá trị mà còn là không gian văn hóa, không gian địa lý (vùng sông nước) và đặc điểm kinh tế. Vì vậy, bảo vệ di sản không chỉ là bảo vệ các công trình biệt thự thời Pháp thuộc mà phải bảo vệ được dòng sông Sài Gòn, làng hoa Sa Đéc, văn hóa vỉa hè Hà Nội…
Bởi vậy, chuyên gia quy hoạch đô thị Christine Larousse từ Công ty Interscene cho rằng, cần giữ gìn, bảo tồn bản sắc của vùng lãnh thổ đô thị thông qua các dự án quy hoạch phát triển đô thị. Cụ thể, trong các đồ án quy hoạch cần chú ý đến yếu tố bảo tồn các giá trị di sản, đặc biệt là làm sao nâng cao được giá trị kinh tế của các di sản đó.
Muốn vậy, theo bà Larousse, phải đánh giá hiện trạng vùng quy hoạch, nghiên cứu các tài liệu về lịch sử phát triển của vùng quy hoạch, trực tiếp trao đổi với người dân trong khu vực để cùng hình dung ra tương lai của đô thị rồi mới quyết định bảo tồn cái gì, cải tạo cái gì và đầu tư phát triển mới cái gì.
Và, tất nhiên, trong những công trình kiến trúc mới, không gian công cộng mới cũng cần phải xác định công trình nào là công trình có ý nghĩa lớn về lịch sử để nó trở thành di sản trong tương lai. Như bà Larousse nói: “Không chỉ bảo tồn mà phải tạo ra di sản cho đô thị”.
Quang Chung
(TBKTSG)