06/06/2018

Kiến trúc cảnh quan góp phần quan trọng tạo dựng mỹ quan đô thị

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo quốc tế: “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam”, do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (VUDPA) tổ chức tại Hà Nội, ngày 5/6.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà quy hoạch và kiến trúc đều có nhận thức chung rằng việc bố trí hợp lý không gian, kiến trúc cảnh quan trong cấu trúc đô thị sẽ góp phần tăng mỹ quan đô thị.

Chủ tịch VUDPA Trần Ngọc Chính cho biết: Trên thế giới, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị được đặc biệt chú ý. Tại các đô thị có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, việc nghiên cứu và quản lý không gian kiến trúc cảnh quan rất được coi trọng và thực hiện nghiêm ngặt, đề cao giá trị bảo tồn và phát huy giá trị trong quá trình phát triển.

Tại Việt Nam, công tác tổ chức và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan tại các đô thị cũng đã được quan tâm, cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật cũng như tại các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đã góp phần tạo dựng hình ảnh mỹ quan đô thị và giá trị về văn hóa, lịch sử của khu trung tâm.

Thẳng thắn nhìn vào thực trạng kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) nhận định: Thực tế cho thấy các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng không gian đô thị cũng như cảnh quan môi trường. Phần lớn các đô thị còn tồn tại kiểu kiến trúc phát triển tự phát, thiếu định hướng khiến bộ mặt đô thị lôn xộn. Bởi vậy, đô thị thiếu bản sắc và quản lý lỏng lẻo, chưa làm chủ được tình hình phát triển…

Để khắc phục tình trạng này, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị đã được Bộ Xây dựng coi là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch, xây dựng đô thị và đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cơ sở để quản lý phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị là quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Bởi vậy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Cùng đó, đồ án quy hoạch và quy chế quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ quy định cụ thể các chỉ tiêu kiểm soát phát triển, phân khu chức năng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, lộ giới, hạn tuyến, tầng cao…

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, kiến trúc sư (KTS) Salvador Perez Aroyo – Giáo sư danh dự trường Đại học Luân Đôn, Chủ tịch HĐQT Cty tư vấn thiết kế SDesign cho rằng: Mục tiêu quan trong nhất ở Việt Nam hiện nay là nên khôi phục tất cả những khoảng không thiên nhiên và tích hợp chúng vào trong thiết kế của thành phố. Đơn cử, 2 đô thị lớn của Việt Nam có cảnh quan ấn tượng là sông Hồng của Hà Nội và sông Sài Gòn của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số lưu vực của 2 con sông này lại đang xây dựng nhiều khu công nghiệp và trở thành tụ điểm gây ô nhiễm. Trong khi đó, cả 2 con sông này đều rất lớn, có nhiều dân cư sinh sống dọc theo bờ, hoàn toàn có thể tận dụng để tạo ra cho thành phố những khoảng không gian đẹp mới và ấn tượng trải dài.

KTS Salvador Perez Aroyo nhấn mạnh: Cảnh quan phải được thiết kế và triển khai đồng bộ với một chính sách liên tục về bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo được vệ sinh sạch và kiểm soát tác động môi trường. Không thể quên đi mối quan hệ giữa những địa bàn mới của các công trình và hệ thống giao thông bởi cùng lúc sẽ có những tác động lớn đến cảnh quan của thiết kế đường, thiết kế mạng lưới kết nối. Những khu dân cư mới trong các thành phố cần được tăng thêm diện tích xanh nhưng điều quan trọng nhất là nghiên cứu địa hình và kết nối với mạng lưới giao thông.

Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại Hội thảo.

Một nội dung quan trọng khác được các chuyên gia tại Hội thảo tập trung phân tích là mối quan hệ mật thiết giữa không gian kiến trúc cảnh quan với hạ tầng đô thị. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này trong bài viết tiếp theo.

Quý Anh/BXD