Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh: Từ chính sách đến thực thi
(KTVN) – Hưởng ứng Tuần lễ công trình Xanh Việt Nam 2022 do Bộ Xây dựng phát động, ngày 11/10/2022, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia phối hợp với Công ty CP Đầu tư và xây dựng VILANDCO tổ chức Hội thảo: “Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người”. Đây cũng chính là mục tiêu cơ bản mà mỗi công trình xanh đều hướng đến.
Tới dự Hội thảo, có đại diện cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng), Ban lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và các nhà tư vấn thiết kế. Đặc biệt, hội thảo đã thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp công nghệ, vật liệu thông minh như: Công ty Vilandco, Công ty Airtech, Công ty Terraco, FPT Smart Home…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) đã đánh giá cao sự tham gia tích cực hưởng ứng Tuần lễ Công trình Xanh năm 2022 do Bộ Xây dựng phát động của Viện Kiến trúc Quốc gia qua hội thảo này. Chủ đề: Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người là nội dung rất cụ thể và thiết thực.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh đã chia sẻ bức tranh tổng thể trong phát triển công xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam và thế giới với các tác động, nội hàm, mục tiêu được thể hiện rất cụ thể, đặc biệt là các văn bản pháp quy ở cấp Chính phủ.
Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa khoản 4 Điều 10, trong đó đưa ra nguyên tắc về công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, khẳng định bước tiến rõ nét trong phát triển công trình xanh: “Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; Hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; Phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thịnh đánh giá, thế giới đã tiến đến công trình phát thải thấp, công trình cân bằng năng lượng và hiện nay là công trình phát thải ròng bằng “0”. Trong khi Việt Nam chưa có công trình phát thải ròng bằng “0” nhưng phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 (khoảng 27 năm nữa) đạt phát thải ròng bằng “0” của cả quốc gia. Nếu cả quốc gia đạt phát thải ròng bằng “0” thì mỗi tế bào, mỗi bộ phận của quốc gia phải đạt được phát thải ròng khi Việt Nam mới bắt đầu từ con số “0”Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có định nghĩa về phát thải ròng bằng “0”. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức, đơn giá cũng chưa có. Do vậy, việc thực hiện sẽ trở nên khó khăn và cần thiết có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Đình Thành – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh, để thúc đẩy và hiện thực hóa phát triển đô thị tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả ở Việt Nam. Chính phủ cũng như ngành Xây dựng đã có những chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường. Đây cũng là trách nhiệm của các Bộ – Ngành, các đơn vị tập thể và cả các cá nhân nỗ lực và có hành động cụ thể để ngày càng hoàn thiện trên lộ trình xây dựng công trình xanh bền vững.
Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển CTX, công trình năng lượng Liên hiệp quốc và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này. Thúc đẩy và phát triển công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và đã được thể hiện là một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Tại các quốc gia có sự phát triển mạnh về công trình xanh thì đều có sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của tất cả các chủ thể trên thị trường bao gồm: Các cơ quan Nhà nước ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách; Các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; Các doanh nghiệp đầu tư và sự đòi hỏi trách nhiệm môi trường của toàn xã hội…
Trình bày tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thùy Dung – Phó trưởng Phòng Đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Kiến trúc Quốc gia) chia sẻ những kết quả đạt được của một số nước trong khu vực, từ đó đặt ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chủ đề làm thế nào để kiến tạo môi trường sống xanh hơn, thông minh hơn cho con người được diễn giả đưa ra theo nhiều khía cạnh khác nhau xuất phát từ thực tiễn. Singapore có hơn 4.000 công trình xanh đã được cấp chứng nhận, trong khi 10 năm trước nước này chỉ đặt mục tiêu 80% công trình đạt chứng nhận xanh vào năm 2030. Do đó, hiện nay Singapore có rất nhiều mục tiêu khác xanh hơn. Hay như ở Malaysia và Thái Lan đạt khoảng 400 – 500 công trình xanh trong 10 năm qua…
Để đạt được kết quả này, mỗi nước đều quy định những chính sách mang tính khuyến khích hay là điều kiện bắt buộc liên quan đến chính sách thuế, Giấy phép xây dựng cũng như nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, người sử dụng…
Bà Nguyễn Thùy Dung cũng đặt ra vấn đề về chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh, trong đó khẳng định so với công trình xây dựng thông thường, chi phí cho công trình xanh không quá vượt trội, tại Việt Nam để đạt Chứng chỉ VGBC hạng cao nhất cũng chỉ chênh tầm 10%, đối với các chứng nhận khác là dưới 10%. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và phát triển công trình xanh cần một chính sách sách rõ nét hơn đặc biệt là các chính sách ưu đãi.
Trong vai trò là đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư đạt chứng nhận công trình xanh, ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Đất Việt (VILANDCO) chia sẻ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tiện nghi, hiệu suất lao động…đã có những bước tiến trong chứng nhận công trình xanh.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tập trung vào năng lượng, môi trường… Từ đó đặt ra các vấn đề liên quan đến con người như sức khỏe và tiện nghi. Con người dành đến 93% thời gian hoạt động trong công trình, do đó cần có sự quan tâm đúng mức đến môi trường trong công trình bao gồm không khí, ánh sáng… để gắn kết với môi trường trong công trình với môi trường tự nhiên tốt hơn.
Ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, Chứng nhận LEED có tất cả 9 yếu tố, trong đó có một số yếu tố liên quan đến tiện nghi. Tuy nhiên, chứng nhận WELL tập trung vào sức khỏe và tiện nghi. Chứng nhận WELL tập trung nhiều vào chất lượng không khí, cấp gió tươi, đảm bảo không vượt quá những ngưỡng an toàn. Hiện có xu hướng kết hợp các chứng nhận trong một công trình. Ví dụ, sự kết hợp giữa Chứng nhận LEED và Chứng nhận WELL hay có thể kết hợp Chứng nhận LOTUS với Chứng nhận WELL…
Xu hướng sống xanh đã và đang “nở rộ” trên mọi khía cạnh của cuộc sống để nuôi dưỡng đời sống tinh thần, hạn chế cảm xúc tiêu cực và làm cho cuộc sống của mỗi người nhân văn hơn. Cách tiếp cận và xây dựng nhà ở được tận dụng vật liệu tự nhiên và sẵn có như những đơn nguyên nhỏ tạo nên công trình, từ đó định hình tư duy sáng tạo tôn vinh sự bền vững. Là nội dung bài trình bày của KTS. Đoàn Thanh Hà – KTS trưởng Cty H&P Architecs.
Cũng tại khuôn khổ hội thảo, các chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng cho toàn nhà Giải pháp công nghệ xử lý không khí cho tòa nhà nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống và sức khỏe cho người sử dụng và Thiết kế nội thất hài hòa với xu hướng nhà thông minh đến từ các diễn giả Cty Airtech Thế Long, Cty Terraco Việt Nam, Cty FPT Smarthome.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, để đại biểu có sự trải nghiệm thực tế, thăm quan dự án đã được chứng nhận Công trình xanh là Tòa nhà Capital Place (LEED BD+C Gold), số 29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội và Văn phòng Saint-Gobain (LOTUS Interior Gold) đã giới thiệu về hệ thống đánh giá LEED, LOTUS Small Interior, và cập nhật các giải pháp về vật liệu nhẹ thân thiện với môi trường cho các công trình xanh hiện nay tại Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Đức Nguyên