Kiến nghị thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân
Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như: Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM.
Chiều 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN trong thời gian qua, để nhìn nhận, phát hiện những vấn đề hai bên đã làm tốt, những vấn đề chưa tốt – từ đó rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân để khắc phục kịp thời.
“Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam định hướng công việc trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động – qua đó để họ phát huy cống hiến nhiều hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cụ thể, ông đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới về chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
Trong quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân. Giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các đối tượng doanh nghiệp khác hoặc Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân (chủ yếu là hình thức cho thuê); đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong khu.
Điều kiện để được thuê nhà ở công nhân là người không có nhà ở, có nhà nhưng không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bản thân hoặc cách xa khu làm việc trên 20km. Thủ tục cho công nhân thuê gồm đơn xin thuê nhà, xác nhận của thủ trưởng cơ quan, hợp đồng thuê nhà với ban quản lý nhà ở.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị hàng hoạt các chính sách ưu đãi trong việc xây nhà ở cho công nhân như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam…
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, các địa phương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp, trường hợp quỹ đất chưa được sử dụng hết giao chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà lưu trú để cho thuê trong đó có Tổng Liên đoàn.
Trường hợp khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ – thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ kiến nghị trước mắt cho phép đơn vị được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn Kiên/Tiền phong