Kiến nghị ngừng cấp điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng
Liên quan đến việc xử lý các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương bổ sung các điều khoản về ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vào trong hợp đồng mẫu mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt do Bộ Công Thương ban hành.
Đối với các trường hợp mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung các điều khoản về ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vào hợp đồng mua bán điện.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về việc triển khai các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng; trong đó có việc cắt điện, nước để không cho các đối tượng vi phạm thi công công trình, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp với đại diện một số sở, ngành thành phố.
Theo đó, đại diện Tổng công ty Điện lực thành phố cho rằng, các trường hợp đơn vị điện lực có thể ngừng cung cấp điện đã được quy định trong Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ Công Thương về Quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Hiện tại, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng chưa phù hợp theo quy định của Luật Điện lực và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Do đó, điều này không thể thực hiện được.
Còn theo ý kiến của Sở Tư pháp, hiện nay chưa có quy định pháp luật về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện đã được bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều đó cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của biện pháp này trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính nói chung, đặc biệt là các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng…
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, “trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miền trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không còn hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, việc đề xuất bổ sung điều khoản về ngừng cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật liên quan.
Theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để áp dụng hình thức cắt điện khi xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng thì cần kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung các điều khoản về ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vào trong hợp đồng mẫu mua bán điện.
Thời gian qua vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận, không chỉ ở những công trình nhà ở riêng lẻ mà còn cả ở những dự án quy mô lớn, nằm trong quy hoạch khu dân cư, không chỉ địa bàn vùng ven mà diễn ra ngay cả những khu vực trung tâm như một sự thách thức cơ quan công quyền và dư luận. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhưng dường dư vẫn chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ các hành vi vi phạm.
Trước tình hình đó, ngày 25/7/2019 Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TU, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 3333/KH-UBND về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ khi có Chỉ thị 23/CT-TU và Kế hoạch 3333/KH-UBND, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đã kéo giảm rõ rệt. Tính từ ngày 15/12/2019 đến 15/4/2020 có 179 công trình vi phạm, bình quân mỗi ngày xảy ra 2 vụ. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019 (trước khi có Chỉ thị 23/CT-TU và Kế hoạch 3333/KH-UBND) trên địa bàn thành phố bình quân mỗi ngày xảy ra 8,52 vụ. Như vậy, sau khi có Chỉ thị 23/CT-TU và Kế hoạch 3333/KH-UBND số vụ vi phạm đã giảm 6,5 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 76,65%.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có không ít công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh mới, công trình vi phạm xây dựng tồn tại dai dẳng từ nhiều năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo của cán bộ địa phương vẫn chưa được xử lý. Đơn cử là tình trạng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vừa qua. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng, nhận trách nhiệm và chỉ đạo kiên quyết xử lý, kể cả biện pháp hình sự nhằm lập lại trật tự xây dựng cũng như lấy lại niềm tin của nhân dân.
Trần Xuân Tình/TTXVN