17/12/2019

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2020?

Thị trường Bất động sản 2019 đã đi gần hết chặng đường, chuẩn bị bước vào năm 2020 với những câu hỏi: thị trường sẽ vận hành theo kịch bản nào, luồng vốn nào là chủ lưu? Đây là một trong những vấn đề được nhiều bên quan tâm.

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết cuối năm 2019 và năm 2020 có năm điểm có tác động đến nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng và đặc biệt là các luồng vốn vận hành vào thị trường bất động sản.

Một là tình hình kinh tế thế giới khó lường. Hai là tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tổng thể là ổn định theo chiều hướng bình ổn. Hầu như rủi ro nếu có cũng rất thấp.

Ba là, thị trường bất động sản không có những đột biến lớn, trừ mảng thị trường bất động sản công nghiệp là khó dự báo do phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Những phân mảng thị trường đã dần định hình.

Bốn là, các bên tham gia thị trường bất động sản đi vào tương đối hoàn thành. Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, điều chỉnh đã tương đối rõ kết quả. Các vấn đề liên quan đến nợ xấu, sở hữu chéo đã được xử lý có kết quả tích cực.

Năm là xu hướng biến động của dòng tiền vận hành vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng không có những biến động lớn.

Nhiều khả năng thị trường bất động sản 2020 sẽ ổn định, có xu hướng đi lên

Nhiều khả năng thị trường bất động sản 2020 sẽ ổn định, có xu hướng đi lên

 

Dựa trên tình hình thực tiễn này, ông Chung đã dự báo ba kịch bản có thể xảy ra với thị trường bất động sản cuối năm 2019 – đầu 2020.

Theo đó, chiếm ưu thế là kịch bản ổn định, thị trường có đi lên, với giả thiết là tình hình thế giới không biến động xấu – nhất là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

“Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi, luồng tài chính quốc tế biến động theo hướng vốn rút khỏi Việt Nam thì mới có thể xảy ra tình huống đi xuống của thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Chung nhận định.

Kịch bản thứ hai cũng khá tích cực. Đó là tình hình kinh tế thế giới vận hành theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Các hiệu định Việt Nam ký kết với các nước (EVFTA, CPTPP, AEC…) triển khai tốt, luồng vốn chảy vào Việt Nam nhiều hơn. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ diễn biến tốt. Khả năng này có thể xảy ra.

Kịch bản thứ ba mang tính tiêu cực. Đó là khi tình hình kinh tế thế giới biến động không thuận, luồng vốn rút khỏi Việt Nam. Thị trường bất động sản sẽ biến động tiêu cực.

“Kịch bản này ít có khả năng xảy ra nhất, nhưng không phải không thể”, ông Chung nói.

Dự báo một cách cụ thể hơn về diễn biến thị trường bất động sản 2020, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, cho rằng thị trường sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, theo ông Hưng, nguồn cung nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%.

Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%.

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba, công tác quản lý của chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng.

“Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền. Dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt giảm mạnh”, ông Hưng nhận định.

Với thị trường bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang,… dự báo thị trường tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017-2018.

Tâm An/Cafeland