13/05/2022

Không gian tôn vinh vua Hùng và chí sĩ yêu nước tại Quảng Nam với những cách tiếp cận mới

Cần cách tiếp cận mới cho các không gian tưởng niệm mới

Tháng 4/2022 tại Cần Thơ đã khánh thành Đền thờ Vua Hùng gồm các hạng mục: đền thờ chính, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, hồ điều hòa, trong đó, đặt các bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương,… Tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói công trình là biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết; điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện đông đảo người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Chủ tịch nước, đền thờ còn là công trình văn hoá trọng điểm, góp phần thúc đẩy du lịch TP Cần Thơ, xứng tầm là trung tâm kinh tế – xã hội ở miền Tây… Trước đó (tháng 2/2022) tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương xây dựng đền thờ Vua Hùng và các chí sĩ yêu nước tại tỉnh Quảng Nam và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn xây dựng đề án trình các cấp, trong đó, lưu ý việc xây dựng gắn với quy hoạch chung của tỉnh và theo hướng xã hội hóa… Động thái này báo hiệu khởi đầu cho xu hướng phát triển không gian tưởng niệm mới tại các địa phương.

Công trình tưởng niệm có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và giá trị về lịch sử văn hóa: Bắc Sơn (Hà Nội)

Trong hơn 30 năm qua, việc xây dựng các không gian tưởng niệm nhiều nơi đã là chủ đề tranh luận đa chiều. Thực tế cũng có một số công trình tạo nên dấu ấn kiến trúc cảnh quan có giá trị như Đài tưởng niệm Bắc Sơn (Hà Nội), Tuyên Quang, Núi Nhạn (Phú Yên)… Nhưng không ít những công trình bị phê phán bởi đầu tư lãng phí, chất lượng thiết kế, thi công cẩu thả và quan trọng hơn là không mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho bà con địa phương cũng như tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái. Ngay tại Quảng Nam vốn đã có nhiều tượng đài, đền thờ, di tích được xây dựng, chẳng hạng như Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (thành phố Tam Kỳ) được đầu tư hơn 400 tỷ đồng hay Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức (huyện miền núi Phước Sơn), khoảng 14 tỷ đồng… nhưng kết quả cũng chưa thực sự như mong đợi, cho thấy sự cần thiết có cách tiếp cận mới.

công trình tưởng niệm có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và giá trị về lịch sử văn hóa: Núi Nhạn (Hưng Yên)

Các vua Hùng đã có công dựng nước…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường về thủ đô Hà Nội, ngày 19/5/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, theo đó người lao động được nghỉ làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ lớn “Quốc Lễ” mang bản sắc văn hóa dân tộc; được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…

Công trình tưởng niệm có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và giá trị về lịch sử văn hóa ở Tuyên Quang

Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên Đạo Thừa tuyên Quảng Nam và từ đây danh xưng Quảng Nam chính thức ra đời với vai trò là đơn vị hành chính của quốc gia Đại Việt. Xứ Quảng từng là vùng đất “yết hầu”, “đầu sóng ngọn gió”, là “phên dậu phía Nam” của quốc gia, là nơi có một vị trí trọng yếu với Đàng Trong.

Đồng thời, là tiền đồn trong quá trình mở đất, vươn dài lãnh thổ vào phương Nam và vượt trùng dương sóng lớn, xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông của Tổ quốc. Di sản văn hóa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các di tích Thành Điện Hải, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, căn cứ địa Khu ủy Khu V trong kháng chiến là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự do của người dân Xứ Quảng.

Vậy nên xứ Quảng có tạo lập một không gian tưởng Vua Hùng và các chí sĩ yêu nước tại tỉnh Quảng Nam thì cũng là việc trọng đại, làm giàu có thêm, phong phú hơn kho tàng văn hóa bản địa Việt Nam tại vùng đất “Địa linh Nhân kiệt” nằm ở giữa hai đầu đất nước. Tuy vậy nếu chỉ dừng lại như một địa điểm tâm linh, một ngôi đền thì e rằng chưa xứng tầm với một khu vực trọng yếu của không gian địa lý và lịch sử.

Nên chăng nơi đây cần hình thành một công viên tưởng niệm quy mô, với địa thế lưng tựa dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt trông ra biển Đông rộng lớn – là nơi không chỉ để thắp hương trong vài dịp lễ lạt mà phải là nơi hàng ngày thu hút bà con đại phương, xứ Quảng và cả nước tới hoạt động giao lưu gặp gỡ, nghỉ dưỡng, vừa là nơi khung cảnh trong lành để rèn luyện sức khỏe hay trầm lặng suy tư. Công viên dành ra không gian tưởng niệm vua Hùng và các chí sĩ yêu nước một cách trang trọng, dành cho những lễ nghi trọng đại nhưng cũng đủ để tổ chức hoạt động sôi động thường xuyên của công chúng.

Công viên không chỉ là một dự án mà còn là không gian công cộng, là công sản bền vững được tích tụ bởi sự đóng góp sức người sức của của nhiều thế hệ cư dân địa phương và cả nước. Ngày khánh thành không gian tưởng niệm không phải là thời điểm hoàn thành dự án mà phải khởi đầu cho một giai đoạn sáng tạo mới của các thế hệ người Việt kính cáo tiền nhân những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng xứ Quảng thịnh vượng, góp phần xứng đáng vào sự vững mạnh trường tồn của đất Việt ta.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội